Trồng lúa Một số lưu ý gieo thẳng vụ mùa

Một số lưu ý gieo thẳng vụ mùa

Tác giả KS. Nguyễn Thị Nguyệt, ngày đăng 31/05/2019

Vụ mùa năm nay Tỉnh chủ trương mở rộng diện tích và tiếp tục hỗ trợ thuốc trừ cỏ cho diện tích gieo thẳng. Đây là phương thức không chỉ đảm bảo thời vụ, tiết kiệm công mà còn hạn chế ngộ độc hữu cơ cho cây lúa giai đoạn đầu sau gieo cấy. Tuy nhiên, do vụ mùa mưa bão nhiều nên việc gieo thẳng cần thận trọng hơn vụ xuân.

1. Thời vụ:

Thời vụ gieo thẳng phụ thuộc vào thời tiết, thời gian sinh trưởng của giống lúa và lịch gieo cấy của địa phương. Để lúa gieo thẳng trỗ cùng lúa cấy nên gieo thẳng trước cấy 5 - 7 ngày. Trà sớm gieo từ 20 - 25/6,  trà trung gieo từ 01- 05/07.

2. Chọn ruộng và làm đất:

- Cần quy hoạch thành vùng trên chân đất vàn, vàn cao đảm bảo chủ động tưới tiêu.

- Đối với lúa gieo thẳng bộ rễ ăn nông hơn so với lúa cấy nên nhất thiết phải bón phân lót sâu giúp rễ lúa ăn sâu, tăng khả năng chống đổ cho cây. Cần phải bón toàn bộ phân lót trước khi bừa cấy. Ưu tiên bón phân chuồng, phân vi sinh và phân NPK chuyên lót, bón nhiều hơn ruộng cấy.

- Tiến hành bừa kỹ và trang phẳng mặt ruộng, giữ nước đến khi gieo.

- Trước khi gieo, tháo cạn nước trong, vét rãnh quanh bờ và tạo mặt luống dạng mu rùa sao cho mặt luống không đọng nước, rãnh có nước để giữ ẩm.

3. Chọn giống lúa và xử lý mầm:

- Nên gieo bằng giống lúa ngắn ngày, có khả năng chống đổ, chống chịu sâu bệnh tốt như: Thiên ưu 8, T10, N87, Q5...

- Lượng thóc giống cho 1 sào gieo thẳng khoảng 0,8 - 1,0 kg thóc loại hạt nhỏ như T10..., khoảng 1,0 - 1,5 kg thóc loại hạt to như Q5, N87...

- Lọc, vớt hết các hạt lép, lửng; ngâm ủ bình thường cho hạt thóc nứt nanh đều (nhú mầm đều).

 Khi hạt đã nứt nanh, hạt thóc hô hấp rất mạnh nên toả nhiều nhiệt. Do vậy, từ khi hạt thóc nhú mầm là không được ủ nóng nữa, mà ngâm nước để điều tiết mầm và rễ. Nên gieo ngay khi mộng đạt tiêu chuẩn rễ ngắn, mầm mập và dài khoảng 1/3 - 1/2 hạt thóc.

4. Kỹ thuật gieo thẳng:

Có thể gieo bằng giàn sạ hoặc vãi tay, tốt nhất nên gieo vào lúc chiều mát.

- Gieo vãi bằng tay: nên chia lượng mộng mạ đều cho các luống. Gieo đi gieo lại nhiều lần để đảm bảo được khoảng cách trung bình hạt cách hạt từ 8 – 10 cm. Gieo úp tay để hạt mộng tiếp xúc với đất nhiều hơn. Không nên gieo quá chìm hoặc quá nổi mộng.

- Gieo bằng công cụ sạ hàng: Đổ mộng mạ vào các trống, không đổ quá đầy (khoảng 2/3 - 1/2 trống).

Khi kéo dàn, phải đi đều, đi thẳng và khép kín các lối đi. Trong quá trình kéo, chú ý điều chỉnh tốc độ ra hạt để hạt văng ra từ 18 - 20 hạt/1m dài, sẽ đảm bảo được mật độ từ 90 - 100 cây/m2.

Lưu ý: nên để dành 1 ít mộng rắc gọn vào góc ruộng làm mạ dự phòng, tuyệt đối không được gieo quá dầy sẽ mất nhiều công tỉa và dễ bị sâu bệnh phá hại.

5. Chăm sóc giai đoạn đầu sau gieo:

- Cần phải phun thuốc trừ cỏ tiền này mầm ngay sau khi gieo.

- Thường xuyên giữ ẩm mặt ruộng đến khi cây lúa được 2,5 - 3 lá mới cho nước láng mặt ruộng và tiến hành bón nhử khoảng 2 kg ure/sào, kết hợp dặm tỉa đảm bảo mật độ. Vài ngày sau khi lúa bắt đầu đẻ nhánh thì bón phân NPK chuyên thúc và chăm sóc như lúa cấy.


Có thể bạn quan tâm

ky-thuat-xu-ly-rom-ra-sau-thu-hoach-de-han-che-ngo-doc-huu-co-cho-lua-mua Kỹ thuật xử lý rơm… cach-bon-phan-cho-lua-mua Cách bón phân cho lúa…