Trồng lúa Một số lưu ý khi ngâm ủ thóc giống

Một số lưu ý khi ngâm ủ thóc giống

Tác giả KS Trần Thị Liên, ngày đăng 15/03/2019

Để đảm bảo được tỷ lệ nảy mầm cho hạt thóc > 85% theo yêu cầu, cần chú ý và có những biện pháp tác động thích hợp mới mang lại kết quả.

Cần ngâm đủ thời gian cho hạt thóc được “no nước” .

Trước hết, cần làm sạch hạt giống (loại bỏ lép lửng) và xử lý hạt trước khi ngâm ủ (đối với các giống lúa thuần và lúa lai SX trong nước). Nếu điều kiện thời tiết giá lạnh (nhiệt độ thời tiết < 20 độ C), việc sử dụng nước ấm 54 độ C để xử lý thóc là không phù hợp vì nước nhanh nguội và lạnh.  

Tốt nhất nên xử lý thóc bằng dung dịch nước muối (15%) trong vòng từ 15 - 20 phút (1,5 kg muối/10 lít nước) sẽ diệt được hầu hết các loại nấm (khô vằn, đốm nâu, lem lép hạt, lúa von…) tồn dư trên vỏ hạt. 

Hạt thóc giống muốn nảy mầm thuận lợi cần hút nước để đạt độ ẩm cần thiết “thóc no nước” và nhiệt độ ấm áp (30 - 35 độ C). 

Muốn vậy, nông dân cần phải ngâm thóc bằng nước nóng 54 độ C (3 sôi 2 lạnh) khi thời tiết giá rét (dưới 17 độ C). Để duy trì nhiệt độ thích hợp cho hạt thóc hút nước tốt cần phải thay nước ấm thường xuyên ( 2 - 4 h/lần). 

Đảm bảo cho hạt thóc đủ độ ẩm để có thể đem ủ, nông dân cần phải ngâm đủ thời gian sao cho hạt thóc được “no nước”. 

Cần căn cứ vào nhiệt độ thời tiết trong ngày khi đổ thóc vào ngâm và quan sát vỏ hạt dày hay mỏng mà tiến hành ngâm sao cho đủ thời gian yêu cầu của giống đó (nhiệt độ cao thóc hút nước nhanh, nhiệt độ thấp, thóc hút nước chậm; Giống lúa vỏ móng hút nước nhanh hơn giống vỏ dày). 

Tuyệt đối không tuân thủ một cách cứng nhắc các tờ rơi, quy trình hướng dẫn có trong bao bì. Chỉ coi ngưỡng nhiệt độ ghi trong đó làm căn cứ đánh giá và tham khảo. Việc quyết định đem hạt thóc đi ủ là dựa vào sự quan sát thực thể hạt thóc: Hạt thóc đủ tiêu chuẩn đem ủ là hạt phải được “no nước” - hạt mõng, mép hạt hơi sưng, vỏ trấu trong suốt và có thể nhìn thấy rõ phôi hạt bên trong qua vỏ trấu. 

Ngưỡng thời gian để làm căn cứ quan sát hạt, thông thường với với nhiệt độ trung bình ngày và đêm dưới 17 độ C, các giống lúa lai (36 - 40 h), lúa thuần vỏ mỏng, hạt dài (48 - 54 h), lúa thuần vỏ dày, hạt tròn (60 - 72 h) tùy theo từng điều kiện thời tiết khác nhau thì khác nhau. 

Việc ngâm ủ thóc vụ chiêm xuân ở nhiều địa phương, theo thông dụng, nông dân thường hay áp dụng là vừa ủ vừa nhúng (xấp) nước dưới ao. Việc làm này là không nên vì hạt thóc dễ bị sốc nhiệt, bao thóc đem ủ nảy mầm không đồng đều (giữa bao mầm dài nhưng xung quanh và trên dưới bao mầm rất ngắn, thậm chí chưa mọc). 

Sở dĩ làm như vậy là do khi ngâm thóc vẫn chưa đủ độ no cho hạt thóc(thời gian ngâm chưa đủ). Vì vậy, trong khi ủ, hạt thóc tiếp tục hút nước dẫn đến hạt nhanh bị khô. Để khắc phục hiện tượng này cần trải thóc ra nong, nia rồi vẩy hoặc phun nước ấm (54 độ C) sau đó ủ lại ngay để đảm bảo đủ độ ẩm cho hạt nảy mầm dược thuận lợi. 

Với các dụng cụ, vật liệu dùng để ủ (bao, túi, rơm, rạ, tro bếp…): Chỉ dùng bao đay hoặc túi vải coton, vải bông, giành mây đựng thóc để ủ. Tuyệt đối không dùng bao xác rắn có nhiều nilong hoặc túi nilong để đựng thóc. 

Nếu trường hợp đem ngâm thóc lại gặp rét đậm kéo dài thì nên gieo mạ khi hạt thóc vừa mới nứt nanh, không nên để hạt thóc trong đống ủ kéo dài trên 1 tuần vì làm vậy hạt thóc sẽ mất dần sức sống do tinh bột bị thải ra ngoài. 

Nếu dùng rơm, rạ phủ thì cần phải nèn chặt để không có chỗ trống trong đống ủ đồng thời không được để gió lạnh lùa qua. Nếu dùng tro bếp để ủ thóc thì ngoài bao thóc phải được bọc một lớp vải ẩm dày hoặc bao đay ẩm để tro không hút trực tiếp nước từ hạt thóc trong bao, đảm bảo cho thóc đủ độ ẩm nảy mầm. 

Có thể áp dụng cách khác bằng cách: Đào một hố sâu khoảng 0,8 - 1 m, đường kính hố rộng hơn bao ủ khoảng 40 cm, dưới đáy hố kê 2 - 3 viên gạch để chống nước. đặt bao thóc xuống hố ủ rồi nèn chặt rơm xung quanh và phủ rơm rạ thành đống bên trên nhằm tăng nhiệt cho đống ủ. 

Để thúc đẩy cho phát triển của rễ, mầm hạt thóc và tránh được sự gây hại của các côn trùng chích hút ở giai đoạn đầu vụ, giảm được nguy cơ bị bệnh virus lùn sọc đen, lùn xoắn lá… Cần ưu tiên sử dụng chất xử lý mầm Cruiser plus 312,5 FS. Cách xử lý như sau: 

Khi ngâm ủ hạt đã đến nứt nanh, dùng Cruiser plus theo tỷ lệ (20 ml cruiser/0,4 - 0,5 lít nước xử lý cho 10 kg thóc), phun ướt đều để hạt thóc thấm thuốc có màu hồng tươi rồi lại ủ tiếp đến khi đem gieo. Nếu hạt thóc đã đạt tiêu chuẩn đem gieo (mầm dài = 1/3 hạt, rễ dài = 1/2 hạt) nhưng gặp thời tiết rét đậm < 15 độ C (không cho phép gieo cấy ngoài ruộng SX) thì cần có biện pháp tác động nhằm kìm hãm sự phát triển của rễ, mầm. 

Có thể dùng tro bếp nguội trộn đều với mống mạ theo tỷ lệ (3 tro 10 kg mống) rồi đổ trên nong, nia trải đều dày khoảng 15 - 20 cm rồi phủ bao tải ẩm lên trên. Làm như vậy có thể giữ mống kéo dài được 2 - 3 ngày nữa.


Có thể bạn quan tâm

cay-lua-thieu-kali Cây lúa thiếu Kali phong-tru-benh-lun-soc-den-phuong-nam-hai-lua-xuan Phòng trừ bệnh lùn sọc…