Trồng lúa Phòng trừ bệnh lùn sọc đen phương Nam hại lúa xuân

Phòng trừ bệnh lùn sọc đen phương Nam hại lúa xuân

Tác giả Nguyễn Tuấn (Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật), ngày đăng 15/03/2019

Bệnh lùn sọc đen phương Nam do virus gây ra, là một loại bệnh rất nguy hiểm với các vùng trồng lúa do khả năng lây lan nhanh, phát tán trên diện rộng thông qua môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng.

Để phòng trừ hiệu quả bệnh lùn sọc đen phương Nam cần phun trừ rầy nâu, rầy lưng trắng cho mạ.

Bệnh lùn sọc đen phương Nam đã xuất hiện vào vụ xuân năm 2010 tại HTX Hồi Quan, xã Tương Giang (thị xã Từ Sơn). Vụ mùa 2017 tại huyện: Quế Võ, Gia Bình, Tiên Du, Lương Tài một số diện tích lúa ghi nhận xuất hiện triệu chứng của bệnh.Đến vụ mùa năm 2018, kết quả giám định 824 mẫu lúa và rầy cho thấy tỷ lệ rầy và lúa mang virus lùn sọc đen chiếm 7,16%. Như vậy, nguồn bệnh trên đồng ruộng khá cao, nguy cơ gây hại trên diện rộng trong năm 2019.

Để phòng, trừ bệnh lùn sọc đen phương Nam hại lúa xuân 2019, hạn chế thiệt hại của bệnh gây ra cho sản xuất, các địa phương và nông dân cần nhận biết, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh và thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật sau:

1. Vệ sinh đồng ruộng: Làm đất cầy vùi gốc rạ, không để lúa chét, dọn sạch cỏ dại. Sử dụng từ 15 -20 kg vôi bột/sào để khử chua đất, gốc rạ nhanh phân hủy.

2. Chọn giống, xử lý hạt giống và gieo mạ

- Lựa chọn các giống lúa năng suất, chất lượng cao, ngắn ngày, hạn chế giống dễ nhiễm rầy. Cần mua giống tốt, có địa chỉ rõ ràng. Tuyệt đối không sử dụng thóc thịt để làm giống. 

- Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng một trong các loại thuốc như Cruiser Plus 312.5FS, Enaldo 40FS, Kola 600FS, Sunato 540FS,...

- Thực hiện gieo mạ tập trung theo vùng để thuận tiện chăm sóc bảo vệ mạ. Vụ xuân cần che phủ ni lon chống rét cho mạ và đồng thời ngăn chặn rầy lưng trắng xâm nhập truyền virus lùn sọc đen vào mạ

- Phun thuốc trừ rầy lưng trắng cho mạ trước khi nhổ cấy từ 2-3 ngày, bằng một trong các loại thuốc sau: Chess 50WG; Penalty 40WP; Chatot 600WG....

3. Biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa:

- Tùy từng chân đất, điều kiện thâm canh và đặc điểm của giống để cấy mật độ thích hợp (lúa thuần trung bình: 45 - 50 khóm/m2, cấy 2-3 dảnh/khóm; lúa lai: 35 -40 khóm/m2, cấy 1 - 2 dảnh/khóm; diện tích gieo thẳng: 60 - 65 cây/m2, với những giống đẻ nhánh khỏe khuyến khích nông dân cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên...).

- Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, bón đủ lượng, cân đối NPK theo quy trình của từng giống, từng chân đất. Thực hiện bón lót đạm trước khi bừa cấy để hạn chế lúa mới cấy bị chết khi rét đậm, rét hại xảy ra. Bón thúc sớm, cân đối, bón nuôi đòng đầy đủ tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh sớm, tập trung, phân hoá đòng và lúa trỗ bông thuận lợi, tăng số bông hữu hiệu và tỷ lệ hạt chắc trên bông, cần đặc biệt chú ý bón đủ lượng kali.

- Đảm bảo đủ nước tưới dưỡng để lúa sau cấy nhanh bén rễ hồi xanh, không bị chết khi gặp rét đậm, rét hại. Giai đoạn đẻ nhánh hữu hiệu duy trì mực nước nông khoảng 2-3cm trong ruộng (tránh ngập nước sâu, cây lúa sẽ đẻ nhánh kém). Giai đoạn cuối đẻ nhánh rút nước triệt để phơi ruộng từ 10-15 ngày nhằm hạn chế dảnh vô hiệu. Giai đoạn từ phân hóa đòng đến trỗ, chắc xanh cần giữ nước từ 3-4cm. Giai đoạn  chín cần tháo cạn nước trong ruộng để lúa chín tập trung và thuận tiện cho thu hoạch bằng máy.

4. Quản lý rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen phương Nam: Thực hiện phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ như làm đất kỹ, chăm sóc cây mạ khỏe, bón phân cân đối, điều tiết nước hợp lý nhằm tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt, tăng sức đề kháng với sinh vật gây hại.

Thường xuyên kiểm tra thăm đồng, xác định mật độ rầy lưng trắng, cách điều tra như sau:

+ Trên mạ và lúa gieo thẳng: Điều tra 10 điểm theo đường chéo góc, mỗi điểm 0,2m2 (khung điều tra có kích thước 40 x50cm). Đếm số rầy lưng trắng/khung.

+ Trên lúa cấy: Điều tra 10 khóm/điểm, kiểm tra ít nhất 5 điểm trên đường chéo góc, điểm quan sát cách bờ khoảng 2m. Quan sát ở phần gốc lúa nơi gần mặt nước, đếm số rầy lưng trắng/khóm.

Ngay từ khi gieo mạ, cấy nếu phát hiện rầy lưng trắng di trú mang virus gây bệnh lùn sọc đen phương Nam thì phải phun thuốc trừ rầy ngay để tiêu diệt nguồn rầy mang virus và hạn chế lan truyền bệnh lùn sọc đen phương Nam. Giai đoạn lúa đẻ nhánh tiếp tục kiểm tra, nếu phát hiện rầy cám nở thì phun thuốc khi rầy lưng trắng đa số tuổi 1, tuổi 2, tuổi 3. Khi phun thuốc tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” là đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Cần chú ý phun trừ rầy để bảo vệ lúa không nhiễm bệnh virus thì “đúng lúc” là quan trọng nhất.

Bệnh lùn sọc đen phương Nam không có thuốc đặc trị, do đó việc áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng bệnh có vai trò rất quan trọng.


Có thể bạn quan tâm

mot-so-luu-y-khi-ngam-u-thoc-giong Một số lưu ý khi… ki-thuat-canh-tac-cay-lua-lai Kĩ thuật canh tác cây…