Mô hình kinh tế Mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD hoàn toàn khả thi

Mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD hoàn toàn khả thi

Ngày đăng 08/10/2015

Xuất khẩu tăng trưởng tốt

Đánh giá về mục tiêu xuất khẩu (XK) 300 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phân tích, mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở thực tiễn để hoàn thành; bởi thời gian qua, tốc độ tăng trưởng XK duy trì tương đối đều đặn.

Giai đoạn 2001- 2010, tốc độ tăng trưởng XK đạt 20- 25%/năm. Giai đoạn 2010- 2014 có xu hướng chậm lại, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 17%- vẫn ở mức cao nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Mức tăng này cũng cao hơn nhiều so với mục tiêu được Quốc hội đề ra.

Năm 2015, nước ta đặt mục tiêu tăng trưởng XK 10%, đồng thời kiềm chế nhập siêu. Mặc dù là năm rất khó khăn nhưng xu hướng chung của tăng trưởng XK vẫn là tháng sau cao hơn tháng trước. Sau 9 tháng, tốc độ tăng trưởng XK đã đạt 9,6% và mục tiêu tăng trưởng 10% năm nay hoàn toàn có thể hoàn thành.

Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam đang có nhiều lợi thế lớn, có thể hỗ trợ tốt cho hoạt động XK.

Thứ nhất, về vị thế địa chính trị có những thuận lợi nhất định để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất phục vụ XK.

Thứ hai, kinh tế nước ta đang chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, giúp giải phóng rất nhiều nguồn lực sản xuất.

Thứ ba, một loạt các thị trường mới, có tiềm năng, hứa hẹn mang lại lợi ích lâu dài cho XK đang được mở ra thông qua các FTA.

Đặc biệt, dù là thị trường mới hay cũ, DN trong nước cũng đã có quá trình cơ cấu lại hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận thị trường nên những khung khổ hội nhập mới sẽ được tận dụng tốt hơn.

Nếu giữ được tốc độ tăng trưởng đều đặn, tận dụng tốt các cơ hội mới, mục tiêu XK 300 tỷ USD vào năm 2020 không phải quá xa vời.

Chú trọng đa dạng hóa thị trường

Cơ hội rất nhiều, tuy nhiên, tận dụng cơ hội để có những bước đi sao cho hiệu quả lại không phải là điều đơn giản.

Đơn cử như thời gian trước năm 2015, việc đa dạng hóa thị trường XK được chú trọng sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay ký Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ (BTA).

Tuy nhiên, nước ta mới chỉ tập trung phát triển các thị trường gần như Đông Á, Nhật Bản, ASEAN… hoặc thị trường Mỹ do đã có BTA.

Phần lớn các nước này tương đồng về cơ cấu, sản phẩm XK, vì vậy, cơ hội gia tăng XK không nhiều. Ví dụ, Việt Nam XK hàng dệt may, các nước ASEAN cũng tương tự.

Do đó, tính tương tác, hỗ trợ của các nước này với sản phẩm XK của nước ta chưa cao.

Mới đây, hàng loạt các FTA đã mở ra cơ hội lớn cho hàng Việt Nam XK vào các nhóm thị trường mới, có nhu cầu lớn về hàng hóa Việt như Liên minh Kinh tế Á Âu, Chi Lê…

Đây là cơ hội lớn cho nền kinh tế, giúp mở ra các thị trường mới, tạo ra tăng trưởng đột biến, gia tăng XK.

“Cần chủ động tính toán để làm sao tiếp tục gia tăng sự phát triển thị trường thông qua các khung khổ hội nhập mới.

DN cần khẩn trương tái cơ cấu, đào tạo nhân lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Đặc biệt, thị trường nội địa cần tiếp tục phát triển để bảo vệ các ngành hàng sản xuất bằng những công cụ, biện pháp phù hợp với quy tắc chung của toàn cầu hóa và các khung khổ luật pháp quốc tế”- Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:

Xét trên những yếu tố thuận lợi về cơ hội thị trường, nếu làm tốt chiến lược XK, thực hiện tốt những chỉ đạo, chủ trương của Chính phủ trong cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, mục tiêu XK 300 tỷ USD vào năm 2020 hoàn toàn có thể đạt được.


Có thể bạn quan tâm

xuat-khau-gao-se-khoi-sac Xuất khẩu gạo sẽ khởi… xuat-khau-nong-lam-thuy-san-ca-nam-co-the-chi-dat-95-ke-hoach Xuất khẩu nông lâm thủy…