Mô hình kinh tế Xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm có thể chỉ đạt 95% kế hoạch

Xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm có thể chỉ đạt 95% kế hoạch

Ngày đăng 08/10/2015

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn chủ trì buổi họp báo

Ông Trần Quốc Tuấn, Quyền Chánh văn phòng Bộ NN & PTNT cho biết: Trong tháng 9, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tiếp tục gặp khó khăn, giá trị xuất khẩu ước đạt 2,15 tỷ USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng đầu năm ước đạt gần 21,7 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt gần 4,2 tỷ USD, giảm 37,2% so với cùng kỳ.

Ông Phạm Công Dũng - Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối chia sẻ, từ đầu năm, đồng USD tăng giá; tỷ giá hối đoái của một số ngoại tệ mạnh (đặc biệt là đồng Euro) biến động theo hướng không thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu; nguồn cung, lượng tồn kho các mặt hàng nông sản ở nhiều nước trong khi các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như Mỹ, EU, Nhật Bản... đều giảm nhu cầu nhập khẩu.

Do đó, 9 tháng qua, xuất khẩu nông lâm sản, thủy sản gặp rất nhiều khó khăn.

Trong tháng 9, hầu hết các mặt hàng nông sản chính đều giảm về khối lượng và giá trị xuất khẩu so với tháng 8, chỉ có mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn tăng cả về khối lượng và giá trị.

Với kết quả và khả năng xuất khẩu như hiện nay, dự kiến năm 2015 xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ đạt khoảng 30 tỷ USD, trong đó nhóm hàng nông sản chính đạt 13,85 tỷ USD; thủy sản đạt 7,5 tỷ USD; gỗ lâm sản đạt 6,5 tỷ USD

. So với kế hoạch đề ra xuất khẩu cả năm chỉ đạt xấp xỉ 95%; trong đó, nhóm nông sản chính chỉ đạt khoảng 90%; các nhóm thủy sản, gỗ lâm sản đạt trên 90%.

Về tình hình xuất khẩu gạo sau khi Việt Nam trúng thầu 450 ngàn tấn gạo cho Philippines, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, giá thóc, gạo ở đồng bằng sông Cửu Long đã tăng dần lên.

Đến nay, tăng khoảng 300- 400 đồng/kg làm cho bà con nông dân phấn khởi. Dự báo, từ nay đến đầu năm 2016 giá lúa sẽ tiếp tục tăng do những tín hiệu tích cực về thực hiện các hợp đồng xuất khẩu tập trung.

Để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời gian tới, Bộ NN & PTNT sẽ tăng cường xúc tiến thương mại để thúc đẩy ký hợp đồng tập trung tại các thị trường truyền thống như Malaysia và Indonesia;

Xúc tiến chuẩn bị điều kiện mở thị trường gạo với Hoa Kỳ, Mexico, Chile sau khi kết thúc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương -TPP;

Tăng cường khả năng cạnh tranh để khôi phục thị phần đã mất ở các thị trường cạnh tranh gay gắt, nhất là các nước châu Phi và Hồng Kông.

Dự kiến, sẽ trực tiếp làm việc với Malaysia và Indonesia, Iraq trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp ký kết hợp đồng tập trung. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo xuất khẩu được tiếp tục vay đồng USD với mức lãi suất ưu đãi…

Cũng tại cuộc họp báo, các đơn vị trực thuộc Bộ đã trả lời những vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay như tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu đối với những mặt hàng nông sản chính; vấn đề thu phí và lệ phí trong lĩnh vực thú y.

Theo Bộ NN & PTNT, trong những tháng cuối năm, các đơn vị trực thuộc Bộ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính.

Bộ sẽ tổ chức một số đoàn xúc tiến thương mại ở một số nước, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường đối với một số nông sản như thanh long vào Nhật Bản, thịt gà vào Nga...

Đồng thời rà soát các thị trường tiềm năng để chủ động các biện pháp thúc đẩy mở cửa thị trường.

Đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu trên các lĩnh vực của ngành, đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư chăn nuôi, nhất là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Rà soát các loại phí, lệ phí của ngành để tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người sản xuất trong ngành nông nghiệp và nông thôn.


Có thể bạn quan tâm

muc-tieu-xuat-khau-300-ty-usd-hoan-toan-kha-thi Mục tiêu xuất khẩu 300… viet-nam-it-chiu-tac-dong-tu-gia-hang-hoa-co-ban-lao-doc Việt Nam ít chịu tác…