Nghề nuôi biển ở Kiên Giang có tiềm năng đạt 1 tỷ USD/năm
Tỉnh Kiên Giang có vùng biển Tây rộng 63 ngàn km2, với hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, bờ biển dài khoảng 200 km với nhiều vịnh, rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi biển. Nếu được đầu tư khai thác tốt, tiềm năng nuôi biển của tỉnh hoàn toàn có thể đạt 1 tỷ USD/năm.
Ngoài đầu tư của hộ ngư dân, có nhiều tập đoàn, công ty đang đầu tư vào nuôi biển tại Kiên Giang
Đa dạng hình thức, đối tượng nuôi
Nghề nuôi biển tại Kiên Giang phát triển mạnh tại 2 huyện đảo là Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương, TP Hà Tiên. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 4.300 lồng bè nuôi cá trên biển. Đối tượng nuôi biển của ngư dân Kiên Giang phổ biến là cá bóp, cá bóng mú, cá chim, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng, ngọc trai và một số loài nhuyễn thể.
Ngoài đầu tư của hộ ngư dân, có nhiều tập đoàn, công ty đang đầu tư vào nuôi biển tại Kiên Giang. Cụ thể như Công ty TNHH MTV TMDV Xuất nhập khẩu Trấn Phú, đang đầu tư nuôi biển bằng công nghệ của châu Âu, tại vùng biển Phú Quốc. Cơ sở nuôi trai lấy ngọc của Công ty TNHH MTV Ngọc trai Ngọc Hiền, mang lại nét đặc trưng lớn cho đảo ngọc Phú Quốc, góp phần thu hút khách du lịch. Tập đoàn Mavin đã quyết định đầu tư thực hiện dự án trung tâm nuôi trồng hải sản xuất khẩu tại vùng biển thuộc huyện Kiên Hải, với tổng mức đầu tư 30 triệu USD. Dự án có quy mô rộng 2.000 ha mặt biển và mỗi năm có thể sản xuất 30.000 tấn cá biển các loại.
Để nghề nuôi biển phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Kiên Giang đã quy hoạch và khuyến cáo ngư dân cần tuân thủ quy hoạch vùng nuôi, thực hiện tốt các biện pháp, kỹ thuật nuôi, áp dụng quy trình phòng bệnh tổng hợp để hạn chế ô nhiễm môi trường, cá đạt chất lượng tốt đảm bảo cho tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, Kiên Giang là tỉnh có nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản phát triển khá. Nuôi trồng thủy sản, từ đầu năm đến nay thả nuôi được trên 218 ngàn, sản lượng thu hoạch ước đạt 267 ngàn tấn thủy sản các loại, riêng tôm nuôi nước lợ đạt 82 ngàn tấn.
Cá biển là đối tượng nuôi chính của tỉnh, chủ yếu là nuôi theo hình thức lồng bè trên biển. Vùng nuôi tập trung quanh các đảo thuộc huyện Phú Quốc, Kiên Hải, và một số xã đảo thuộc huyện Kiên Lương, TP Hà Tiên. Kế hoạch năm 2019, tỉnh sẽ thả nuôi 4.500 lồng bè, sản lượng 3.500 tấn.
Cần có chính sách khuyến khích đầu tư
Kiên Giang có vùng biển rộng gấp 10 lần đất liền, lại có nhiều hòn đảo, rất thuận lợi cho nuôi biển. Kiên Giang cũng đã có đề án nuôi biển, nếu được đầu tư thêm về hạ tầng, sinh sản con giống nhân tạo và chế biến thức ăn công nghiệp thì nghề nuôi biển sẽ có điều kiện phát triển nhanh, bền vững.
Trong chuyến làm việc mới đây về triển khai Luật Thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, tiềm năng nuôi biển tại Kiên Giang là một trong những tỉnh ở khu vực ĐBSCL có tiềm lực rất lớn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khá manh mún, chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều. Nuôi công nghệ cao còn rất ít, mới ở dạng mô hình. Con giống còn thiếu, lệ thuộc nguồn tự nhiên. Vì vậy, cần phải có đề án, quy hoạch vùng nuôi, có chính sách ưu đãi để khuyến khích phát triển, phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Những năm qua, Kiên Giang vẫn duy trì tốt lợi thế phát triển khai thác thủy sản, luôn dẫn đầu cả nước về sản lượng. Phát triển nuôi biển cần phải có chiến lược, đề án tốt. Kiên Giang hoàn toàn có thể đạt 1 tỷ USD nếu phát huy được tiềm năng lợi thế.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) đề xuất: Việt Nam là quốc gia biển, có tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi biển công nghiệp. Tuy nhiên, nghề nuôi biển của chúng ta hiện nay mới chỉ ở bước khởi đầu, còn rất yếu kém, với quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, chủ yếu nuôi ở đới ven bờ, với công nghệ thủ công, lạc hậu. Vì vậy, Nhà nước cần sớm xây dựng kế hoạch phát triển nuôi biển quốc gia, có chính sách khuyến khích và ưu tiên nhằm thu hút đầu tư để ngư dân chuyển dần từ khai thác tự nhiên sang canh tác biển hiện đại, bền vững”.
Theo Chủ tịch VSA, chúng ta cần phát triển nuôi biển cả trong các eo vịnh ven bờ, ven các đảo và quần đảo, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới. Huy động nguồn lực kinh tế kỹ thuật của các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí chế tạo, viễn thông, điều khiển học, nuôi trồng và chế biến, dịch vụ, thương mại thủy sản. Xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nuôi biển chủ lực, từ khâu sản xuất con giống, thức ăn, nuôi, bảo quản, chế biến, xuất khẩu, phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ.
Theo dự báo của Tổ chức Nông Lương của Liên Hiệp quốc (FAO), đến năm 2030 dân số thế giới sẽ tăng lên khoảng 8,5 tỷ người, với mức tiêu thụ bình quân 17,85 kg thủy sản/người/năm. Nếu với mức độ sản xuất hiện nay, sản lượng thủy sản sẽ thiếu hụt khoảng 20 triệu tấn vào năm 2030. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên toàn thế giới ngày càng lớn, trong khi nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, thì việc chuyển dần từ khai thác nguồn lợi tự nhiên sang các phương thức canh tác biển hiện đại, bền vững là xu thế tất yếu. FAO dự báo, tỷ trọng thủy sản nuôi trồng trong tổng sản lượng thủy sản sẽ tăng từ 52% (hiện nay) lên 62% (năm 2030) và dự báo giá cả thủy sản cũng tăng thêm từ 40 – 60%.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ