Tin thủy sản Nghề tay trái hái ra tiền

Nghề tay trái hái ra tiền

Tác giả Công Tâm, ngày đăng 06/05/2016

Nuôi tôm “ngấm vào máu”

Là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trúc Nguyên chuyên kinh doanh các mặt hàng là sản phẩm bánh kẹo, sữa, cà phê, nước giải khát, nước mắm, dầu ăn và quản lý gần 200 nhân viên, nhưng ông Phạm Văn Sinh (đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Mỹ Đông, TP.Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận) vẫn dành nhiều thời gian cho nghề nuôi tôm và ông rất tâm đắc với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng.

Ông Sinh cho biết, nghề nuôi tôm đã ăn sâu vào máu thịt của ông từ hàng chục năm nay. Nhờ nuôi tôm mà ông đã xây dựng cơ ngơi khang trang, nuôi 3 người con ăn học, giờ 2 người con đầu đã có việc làm ổn định. Kể về những ngày đầu mới chân ướt chân ráo bước vào nghề nuôi tôm, ông Sinh bộc bạch: “Tôm là loại vật nuôi rất “khó tính” nên đòi hỏi bước đầu phải cần có nhiều vốn và kỹ thuật. Do đam mê nên càng nuôi, tôi càng khắc phục nhiều khó khăn bằng cách liên hệ vay vốn ngân hàng, tìm hiểu học tập qua các tài liệu, sách báo để nắm bắt thêm kiến thức về nuôi trồng thủy sản”.

Nhờ say mê và tích cực tìm tòi, học hỏi, sau hơn 2 năm, ông Sinh đã trả được nợ ngân hàng và bắt đầu có khoản tích lũy. Trước đây, ông nuôi tôm sú, nhưng về sau thấy không còn phù hợp với môi trường của địa phương, đến năm 2000, ông đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Lúc đầu, ông Sinh chưa có kinh nghiệm về tôm thẻ, cứ đi mua nhiều giống trôi nổi ngoài thị trường nên hiệu quả không như mong đợi. Sau đó, được mọi người giới thiệu, ông Sinh tìm đến Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung (Công ty Nam Miền Trung ở Bình Thuận) để mua con giống. Sau nhiều năm nuôi tôm, kết quả thành công của ông Sinh đã như kỳ vọng, lãi liên tục tăng qua các năm.

Bí quyết thành công là con giống và môi trường

Với diện tích 5 sào mặt nước, bình quân mỗi năm, ông Sinh nuôi 3 vụ tôm thẻ. Trong những năm đầu, ông Sinh chỉ lãi 250 triệu đồng/vụ. Nhưng 2 năm trở lại đây, ông luôn lãi trên 400 triệu đồng/vụ nuôi. Vụ tôm đầu tiên năm 2016 vừa qua, ông xuất bán hơn 6 tấn, giá bán trung bình từ 130.000 – 133.000 đồng/kg, đạt doanh thu 789 triệu đồng. “Liên tục 6 vụ gần đây, tôi đều xuất bán tôm với giá dao động từ 115.000 – 150.000 đồng/kg, 1 năm lãi hơn 1 tỷ đồng” - ông Sinh nói.

Chia sẻ về những bí quyết thành công, ông Sinh cho biết, yếu tố quan trọng nhất là con giống, môi trường, cách quản lý và chăm sóc phải đúng quy trình, kỹ thuật. Kinh nghiệm ông Sinh đúc kết được qua các năm nuôi là phải chọn những con giống khỏe mạnh, đồng đều ở những cơ sở, công ty nuôi trồng thủy sản có uy tín và trong suốt 3 năm nay ông đều tin tưởng, lựa chọn con giống của công ty có uy tín và thương hiệu là Nam Miền Trung. Ông Sinh cũng cho biết, quá trình nuôi, ao phải luôn sạch sẽ không bị nhiễm bệnh; chăm sóc theo từng giai đoạn và có chế độ cho ăn hợp lý phù hợp với trọng lượng của tôm nuôi.

Ông Sinh khẳng định: “Giống tôm của Công ty Nam Miền Trung rất uy tín, chất lượng, tỷ lệ sống luôn đạt ở mức khá cao và kích thước đạt chuẩn khi xuất bán cũng có tốc độ giảm đầu con rất nhanh”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Khu Văn Sơn – Chủ tịch Hội ND phường Mỹ Đông cho biết, nghề nuôi tôm của địa phương đã bắt đầu phát triển mạnh từ những năm 2.000, trong đó chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng. Từ nuôi tôm đã giúp hàng chục hộ vùng biển có thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Ông Sơn cũng cho biết, ở Mỹ Đông, bà con đều “rỉ tai” nhau cách lựa chọn tôm giống và theo tìm hiểu của ông thì tôm giống của Nam Miền Trung được nhiều người dân lựa chọn nhất.


Có thể bạn quan tâm

mo-hinh-nuoi-tom-cong-nghiep-trai-bat-cho-nang-suat-cao Mô hình nuôi tôm công… nhieu-hoat-dong-ho-tro-chia-se-voi-ngu-dan-vung-ca-chet Nhiều hoạt động hỗ trợ,…