Mô hình kinh tế Nghịch lý xuất nhập trái cây

Nghịch lý xuất nhập trái cây

Ngày đăng 03/11/2015

Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu trái cây, rau quả trong năm 2015 có thể đạt kỷ lục 2 tỷ USD và trái cây Việt Nam cũng đã vào được nhiều thị trường khó tính.

Song, để đạt được thành tích này chúng ta phải rất nỗ lực, trong khi ở chiều ngược lại trái cây ngoại nhập vào Việt Nam lại khá dễ dàng.

Xuất gian nan

Những ngày giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản thông báo đã chính thức mở cửa cho xoài cát chu Việt Nam vào thị trường này.

Như vậy sau thanh long, xoài cát chu là loại trái cây thứ 2 của Việt Nam được xuất vào thị trường này.

Song, để trái xoài cát chu của Việt Nam có thể vào được một thị trường khó tính như Nhật Bản, phía Việt Nam đã phải mất 5 năm hoàn tất các quy trình theo tiêu chuẩn.

Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng ở đó, qua được Nhật Bản rồi, trái xoài Việt Nam còn có một cuộc chiến khác cũng khốc liệt không kém, đó chính là cạnh tranh về giá với các đối thủ đến từ Thái Lan và Philippines.

Đường ra thị trường nước ngoài cho trái cây Việt gian nan, trong khi đường vào cho hoa quả ngoại lại quá dễ dàng.

Tương tự như hành trình vào thị trường Nhật Bản, để vào thị trường Hàn Quốc trái xoài của Việt Nam cũng phải mất đến 4 năm mới có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của xứ kim chi.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 9 tháng năm 2015, tổng giá trị xuất khẩu của nhóm hàng rau quả, trái cây đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong tổng kim ngạch này có sự đóng góp không nhỏ từ doanh thu xuất khẩu trái vải tươi niên vụ 2015.

Nói về câu chuyện trái vải, năm 2015 đã đánh dấu một bước quan trọng trong xuất khẩu của loại trái cây này khi thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc để qua những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Australia… Tuy vậy, để có thể qua những thị trường này quả vải Việt Nam cũng phải trải qua những quy trình trồng, chiếu xạ rất gắt gao.

Nhưng khi sang tới thị trường Australia, trái vải Việt Nam lại có giá thành cao hơn vải Australia, Thái Lan và Trung Quốc nên khả năng cạnh tranh rất khó.

Theo thương vụ Việt Nam tại thị trường này, để quả vải có chỗ đứng tại Australia, Việt Nam cần xem xét việc đầu tư kho lạnh, cơ sở đóng gói và cơ sở chiếu xạ đủ tiêu chuẩn tại vùng trồng để giảm chi phí cho DN.

Hàng không Việt Nam cần có chính sách giảm cước vận chuyển hoặc DN phải tính phương án vận chuyển bằng đường biển để giảm chi phí.

Có thể thấy, việc đưa các sản phẩm trái cây của Việt Nam vào những thị trường khó tính cũng là cách để nâng cao giá trị và giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Tính đến thời điểm này, rau quả Việt Nam đã được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng thị trường nhập khẩu lớn vẫn là Trung Quốc.

Song như đã phân tích, để trái cây Việt Nam vào những thị trường này, các chi phí như chiếu xạ, xử lý hơi nước, phí vận chuyển bằng đường hàng không… thì giá thành đội lên rất cao và rất khó cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nói: “Đặc thù của trái cây tươi xuất khẩu là phải đi bằng đường hàng không, nhưng với giá cước cao như hiện nay khiến sản phẩm xuất khẩu của DN mất sức cạnh tranh”.

Nhập dễ dàng

Nếu như trước đây, lâu lâu chị Nguyễn Thu Giang mới mua cherry phần vì ít địa chỉ nhập phần vì giá thời điểm đó còn cao, thì khoảng 2 năm về đây việc mua cherry của chị đã rất dễ dàng.

Không cần mất thời gian đến các siêu thị hay các cửa hàng bán trái cây nhập khẩu, chỉ cần ngồi nhà, mua của những người chuyên mang hàng trái cây xách tay bán trên các trang mạng xã hội là chị có thể tha hồ thưởng thức trái cherry đủ kích cỡ, giá thành.

Rảo qua các cửa hàng bán trái cây nhập khẩu online sẽ thấy đủ loại trái cây từ các nước như Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, gần hơn là Thái Lan, thậm chí trái cây Campuchia cũng được khá nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Và nếu mua bán online tấp nập một thì bên ngoài thị trường trái cây nhập khẩu phải tấp nập gấp nhiều lần.

Từ siêu thị đến các cửa hàng bán trái cây nhập khẩu, các chợ đầu mối… đâu đâu cũng thấy bày bán các loại trái cây nhập khẩu.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu rau quả tháng 8-2015 đạt 79,16 triệu USD, tăng 40,6% so với tháng trước đó, đưa kim ngạch 8 tháng năm 2015 lên 387,32 triệu USD, tăng 8,17% so với cùng kỳ 2014.

8 tháng năm 2015 Thái Lan vẫn đứng đầu trong tốp 10 nước cung cấp rau quả nhiều nhất vào Việt Nam, đạt 134,76 triệu USD, tăng 7,68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các loại trái cây Thái Lan xuất khẩu nhiều sang Việt Nam bao gồm sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, me, măng cụt, xoài.

Trung Quốc là nước đứng thứ hai sau Thái Lan với giá trị nhập khẩu đạt gần 98,27 triệu USD.

Các nước tiếp theo là Hoa Kỳ với hơn 43,15 triệu USD, Myanmar đạt 32,7 triệu USD, Nam Phi đạt hơn 10,87 triệu USD, New Zealand đạt 10,84 triệu USD.

Một trong những lý do khiến mặt hàng trái cây ngoại ngày càng có mặt phổ biến ở Việt Nam đó chính là do tâm lý của người tiêu dùng, thấy an tâm với những loại trái cây đến từ các nước phát triển.

Ngoài ra, hàng rào kỹ thuật cho trái cây nhập khẩu của Việt Nam cũng không quá khắt khe.

Song cũng chính điều này đang tạo ra sự bát nháo của thị trường trái cây nhập khẩu.

Ngay như việc bán buôn trên mạng, chủ yếu là tin tưởng rồi mua chứ cứ nói hàng xách tay cũng không ai biết thế nào mà lần.

Việc thiếu hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm trái cây nhập khẩu không chỉ ảnh hưởng đến các sản phẩm trái cây nội mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trên thị trường hiện nay không thiếu những loại trái cây Trung Quốc được người bán hàng hô biến thành trái cây nhập Hoa Kỳ, Australia, New Zealand… Nên mới có những chuyện “nho Mỹ” giá bèo bán đầy những xe trái cây rong.


Có thể bạn quan tâm

noi-lo-lu-nho Nỗi lo lũ nhỏ xuat-khau-det-may-dat-kim-ngach-tren-19-ty-usd Xuất khẩu dệt may đạt…