Tin nông nghiệp Những nguyên nhân dẫn tới ngô không có hạt

Những nguyên nhân dẫn tới ngô không có hạt

Tác giả Th.S Phan Anh Thế, ngày đăng 07/12/2016

Hiện tượng ngô không hạt, hạt ít, đóng bắp kém, bắp chìa… thường xuyên diễn ra trong những năm gần đây khắp cả nước, trên hầu hết các giống ngô, đặc biệt các giống ngô lai.

Trong ảnh: Hiện tượng răng cưa  

Gần đây nhất vụ ngô đông 2016 tại Nghệ An hiện tượng này diễn ra trên hầu hết giống ngô trung ngày (NNVN số 239 đã phản ánh).

Qua tìm hiểu thực tế, người dân xuống giống chủ yếu đầu tháng 9, nên các giống trung ngày sẽ trỗ cờ sau khoảng 55 - 65 ngày, rơi vào cuối tháng 10 đầu tháng 11, đúng thởi điểm ảnh hưởng của không khí lạnh gây ra mưa lớn kéo dài từ Nghệ An đến Khánh Hòa, gây ngập lụt nhiều nơi từ 31/10 - 5/11.

Không chỉ giai đoạn trỗ cờ phun râu cây ngô gặp điều kiện thời tiết bất lợi mà giai đoạn cây ngô 3 - 6 lá, tức khoảng 14 - 20/9 cũng gặp điều kiện thời tiết bất lợi, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, tại Nghệ An mưa rất to từ 9 - 16/9, gây thiệt hại 748 tỷ đồng trong đó có 5.400ha ngô đông.

Tiếp theo đó do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh, đêm 12/10, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra Nghệ An có mưa rất to, lại tiếp tục gây ngập lụt trên diện rộng.

Hiện tượng không hạt  

Các diện tích còn sống sót năng thì năng thấp hoặc không cho năng suất do không hạt, kết hạt kém... kể cả lấy sinh khối cũng rất thấp. Chỉ một số giống có thời gian sinh trưởng dài hoặc thời điểm trỗ cờ phun râu không gặp mưa thì có cho năng suất, song không cao.

Để tìm hiểu vì sao cây ngô không hạt, kết hạt kém, bắp chìa… Ở góc độ khoa học có những nguyên nhân có thể dẫn tới hiện tượng này như sau:

Trồng theo hàng, cây đơn lẻ như xen canh, hoặc đơn lẻ giữa các giống có thời gian sinh trưởng, phát triển khác nhau. Ngô là cây giao phấn điển hình, quá trình tung phấn thường diễn ra trước phun râu 2 - 4 ngày, nên khi trồng từng hàng, cây đơn lẻ có những lúc quá trình thụ phấn không đầy đủ;

Hạt phấn bị chết do thời gian tung phấn gặp nhiệt độ trên 35 độ C hoặc ẩm độ không khí dưới 50%, hoặc cả hai diễn ra trước trỗ khoảng 2 tuần và trong quá trình trỗ thì hạt phấn chết, hoặc không kết hợp được với râu, quá trình thụ phấn không diễn ra;

Thời gian tung phấn hoặc phun râu hoặc cả hai gặp mưa, sương mù ẩm ướt. Nếu gặp mưa nhỏ hoặc sương mù ẩm ướt hạt phấn sẽ bị bết và không tung được, nếu gặp mưa to thì hạt phấn bị rửa trôi, râu bị bết lại, nhựa trên râu bị rửa trôi, nên cũng không thể thụ phấn. Hoặc tung phấn gặp gió to kéo dài cũng cuốn hạt phấn đi.

Hiện tường bắp nải chuối  

Sau khi trỗ cờ phun râu 10 - 14 ngày (giai đoạn mẩy hạt) nếu gặp điều kiện nhiệt độ dưới 15 độ C hoặc trên 35 độ C, hoặc ngập úng do mưa kéo dài thì khả năng kết hạt rất kém.

Giai đoạn 3 - 6 lá cây ngô bị sốc do ngập úng hoặc hạn hán. Vì vào giai đoạn 3 lá, điểm sinh trưởng còn ở dưới mặt đất, lúc 5 lá khởi đầu mầm bắp sẽ hoàn chỉnh và đầu đỉnh thân, 1 mầm cờ đực nhỏ được hình thành, lúc 6 lá chiều dài thân bắt đầu tăng nhanh. Nên nếu giai đoạn này gặp điều kiện bất lợi, sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và đặc biệt là việc hình thành bắp sau này.

Bón thừa đạm giai đoạn 7 - 9 lá, dẫn đến hiện tượng xanh râu sau này và khả năng thụ phấn giảm nghiêm trọng. Ở giai đoạn 8 lá hệ thống rễ đốt đã được phân bổ đều trong đất, hút dinh dưỡng mạnh. Lúc 9 lá cây ngô có rất nhiều chồi bắp, từ 6 - 8 đốt cuối cùng dưới bông cờ, mỗi đốt còn lại sẽ xuất hiện một chồi bắp. Nếu việc thụ phấn kém hoặc không diễn ra thì các chồi bắp này sẽ phát triển mạnh vì chồi bắp chính không chiếm ưu thế, sinh ra nhiều bắp chìa.

Hạt phấn tiếp xúc với râu muộn. Thông thường sau tiếp xúc với râu ngô sau 5 - 6 giờ hạt phấn sẽ nảy mầm, ống phấn mọc dài đưa hai giao tử vào túi phôi, thời gian thụ phấn và thụ tinh kéo dài khoảng 24 giờ. Nếu hạt phấn tiếp xúc với râu muộn sau khi tung thì khả năng nảy mầm giảm theo thời gian, sau 12 giờ tỷ lệ nảy mầm còn khoảng 97%, sau 24h - 79%, sau 36 giờ - 29%, sau 48 giờ - 20%, sau 72 giờ - 7%.

Hiện tượng bắp "mẹ bồng con"  

Vì vậy các ruộng ngô gieo dặm bổ sung (nhổ cấy dặm không ảnh hưởng) sẽ kết hạt kém, cây có cây không. Nếu cây không có hạt hoặc ít hạt thì dinh dưỡng được tổng hợp vận chuyển về không có hạt tích lũy, khu vực giữa cây dư thừa năng lượng làm các chồi bắp phụ phát triển gây ra bắp chìa.

+ Bón phân không cân đối, đặc biệt là thiếu lân (lá chuyển màu tím) khả năng kết hạt kém; thiếu kali (lá vàng khô từ chóp và viền lá vào trong) bắp ngắn, phần đỉnh bắp teo lại, không kết hạt; thiếu đạm (lá gốc vàng trước, vàng giữa gân lá ra ngoài), bắp nhỏ, năng suất thấp.

+ Do sâu bệnh gây hại, đặc biệt là rệp cờ và các bệnh đốm lá, gỉ sắt, khô vằn. Rệp cờ gây hại làm hỏng cờ, phấn không tung được và dẫn đến kết hạt kém. Các bệnh đốm lá, gỉ sắt, khô vằn làm ảnh hưởng đến hiệu suất quang hợp và quá trình tổng hợp Gibberellin làm quá trình hình thành gián đoạn và trỗ không đều. Hoặc sử dụng chất kích thích, phân bón lá có Gibberellin (GA3), làm cờ tung phấn lệch pha quá xa.

+ Điều kiện đất đai canh tác quá chua, quá phèn hoặc mặn, cùng với bón phân không hợp lý cũng dễ dẫn đến hiện tượng ngô không hạt. Cùng với việc trồng quá dày, không đúng quy cách, tán lá giao nhau, râu không nhận phấn.


Có thể bạn quan tâm

ga-dong-tao-phuc-vu-thi-truong-tet Gà Đông Tảo phục vụ… xuat-khau-che-khoi-sac-o-nhieu-thi-truong Xuất khẩu chè khởi sắc…