Nông nghiệp miền Tây: “Sống chung” với biến đổi khí hậu
Các địa phương ĐBSCL đã vượt qua được những khó khăn, thách thức của biến đổi khí hậu (BĐKH), xem đó là cơ hội để tái cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, thay vì chú trọng số lượng như trước đây.
Trong ảnh: Để vực dậy nền nông nghiệp vùng ĐBSCL nhà nông phải cần thích nghi với tác động của BĐKH (trong ảnh: Nhà vườn huyện Chợ Mới, An Giang trồng xoài theo hướng VietGAP). Ảnh: H.X
Vượt qua thiên tai
Ông Sơn Minh Thắng – Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, năm 2016, vùng ĐBSCL gặp nhiều khó khăn, thách thức về hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, thiệt hại lớn là ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản.
Với sự nỗ lực của các địa phương, sự hỗ trợ kịp thời của các bộ, ngành T.Ư, ĐBSCL hồi phục kinh tế sau đợt hạn mặn khốc liệt, ổn định đời sống người dân. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 ước đạt 6,9% (đạt gần 98% kế hoạch); thu nhập bình quân đầu người ước đạt 38,59triệu đồng/người/năm…
Với cố gắng của các cấp, các ngành và địa phương, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng 0,57% so với cùng kỳ. Riêng sản lượng lúa đạt 24,33 triệu tấn (giảm 1,38 triệu tấn so với cùng kỳ); sản lượng thủy sản ước đạt 3,88 triệu tấn (tăng 2,7% so cùng kỳ).
“Tuy gặp nhiều khó khăn do thời tiết nhưng các địa phương đã vượt qua, xem đó là cơ hội để tái cơ cấu sản xuất, chuyển dịch giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị cao hơn, nhờ đó ngành nông nghiệp vẫn đạt được mục tiêu tăng trưởng. Một số địa phương tăng trưởng âm đầu năm do hạn, mặn đã tăng trưởng trở lại” – ông Thắng nói.
Theo phóng viên tìm hiểu, trong năm 2016, diện tích cánh đồng lớn chuyên sản xuất lúa tiếp tục tăng. Hiện mô hình này đã được triển khai ở cả 13 tỉnh, thành với tổng diện tích là 178.900ha (tăng 20% so với năm 2015). Trong đó, diện tích canh tác lúa ký hợp đồng tiêu thụ đạt 100.000ha (tăng 22%).
Theo Sở NNPTNT các địa phương vùng ĐBSCL, trong năm 2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định 593/QĐ-TTg về quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020. ĐBSCL là vùng duy nhất trong cả nước được Chính phủ ký quyết định liên kết này và đây cũng là động lực lớn để các địa phương phấn đấu.
Phát triển nông nghiệp theo chất lượng
Tại hội nghị tổng kết kinh tế, xã hội vùng Tây Nam Bộ năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 diễn ra ngày 8.1 vừa qua, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT thông tin: “ĐBSCL sẽ phải quan tâm thực hiện 2 vấn đề quan trọng năm trong 2017 là quy hoạch chuyển đổi từ lúa sang cây trồng và vật nuôi khác theo lộ trình hợp lý. Trước áp lực rào cản các nước nhập khẩu, cần đẩy mạnh sản xuất sạch để tăng khả năng cạnh tranh”.
Cũng tại hội nghị trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chỉ đạo: “Bộ TNMT và Bộ KHĐT tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó với BĐKH, cập nhật thường xuyên tình hình mới. Xuất bản bản đồ về BĐKH và trong đó, có các công trình mục tiêu ứng phó với BĐKH có liên quan, dự báo sớm về xâm nhập mặn, nước biển dâng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị: “Bộ NNPTNT xem xét triển khai các dự án có liên quan đến thích ứng với BĐKH. Tập trung phát triển các chuỗi giá trị nông sản ở ĐBSCL, đặc biệt là đối với các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, tôm, trái cây. Trong đó, chú ý đi vào chất lượng cao, không chạy theo năng suất và sản lượng”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ