Tin thủy sản Nuôi bạch tuộc - vô nhân đạo hay bước tiến đột phá mới?

Nuôi bạch tuộc - vô nhân đạo hay bước tiến đột phá mới?

Tác giả Tuấn Minh, ngày đăng 13/09/2019

Giới khoa học cho rằng nuôi bạch tuộc là vô nhân đạo. Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa từ bỏ ý định xây dựng mô hình nuôi loại động vật không xương sống thông minh nhất hành tinh này.

Ảnh minh họa

Tín hiệu tích cực

Nhu cầu tiêu thụ bạch tuộc trong những năm qua không ngừng tăng chính là động lực thúc đẩy công tác nghiên cứu phương pháp nuôi bạch tuộc. Nhưng câu hỏi đặt ra không phải là nuôi thế nào mà là loại động vật không xương sống thông minh này có thể tồn tại trong điều kiện môi trường nhân tạo hay không. Năm 2017, Viện Hải dương học Tây Ban Nha (IEO) đã phát triển phương pháp nuôi bạch tuộc Octopus vulgaris có thể sản xuất ấu thể đạt tỷ lệ sống 50%.

Phương pháp O. vulgaris có tiềm năng to lớn bởi một con bạch tuộc cái có thể sản xuất tới 500.000 trứng, theo Tiến sĩ Pedro Domingues tại IEO. Ít nhất 80% số trứng này đều nở và tăng trưởng rất nhanh suốt giai đoạn ấu thể, bạch tuộc non đến giai đoạn trưởng thành. Phương pháp nuôi bạch tuộc của viện IEO đang được chuyển giao cho các trung tâm nghiên cứu NTTS tư nhân tại Tây Ban Nha.

Ông Ricardo Tur đang nuôi bạch tuộc tại phòng nghiên cứu của Trung tâm sinh học biển Pescanova. “Quy trình nuôi bạch tuộc O. vulgaris vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, nhưng chúng tôi đặt mục tiêu tăng sản lượng bạch tuộc nuôi trong tương lai, ông Ricado cho hay. Điều này giúp tạo công ăn việc làm cho cư dân, sự ra đời của nhiều công ty địa phương, quốc gia và quốc tế, đồng thời cung cấp cho thị trường thực phẩm một loại protein động vật chất lượng cao. Ngoài ra, nuôi bạch tuộc cũng giải quyết nhiều vấn đề nhức nhối của ngành thủy sản như khai thác không mong muốn và vứt bỏ cá xuống biển, ông Tur cho biết.

Theo ông, bạch tuộc ăn rất nhiều loại thức ăn, bởi vậy, các loại cá vứt bỏ xuống biển nói trên sẽ là một nguồn thức ăn nuôi bạch tuộc cực kỳ tiềm năng. Những sản phẩm này cũng có thể được sử dụng để sản xuất thức ăn nhân tạo. Hiện, nhóm nghiên cứu của chúng tôi cũng đang sản xuất thử nghiệm loại thức ăn này tại Mexico và Tây Ban Nha.

Hướng đi mới cho ngư dân

Ở những quốc gia có nền kinh tế mới nổi, bạch tuộc là một nguồn lợi quan trọng. Tại Mexico, bạch tuộc mang lại thu nhập chính cho cộng đồng ngư dân dọc bán đảo Yucatan - nơi có gần 17.000 hộ gia đình mưu sinh bằng nghề khai thác bạch tuộc. Nhưng NTTS dường như sẽ trở nên ngày càng quan trọng hơn với khu vực này bởi theo Tiến sĩ Carlos Rosas thuộc Đại học National Autonomous, Mexico, khi nhiệt độ nước biển tăng, hệ sinh thái của bán đảo Yucatan sẽ thay đổi, ảnh hưởng đến quần thể bạch tuộc. Trong điều kiện đó, một trong những giải pháp thay thế khai thác mà vẫn duy trì lợi ích kinh tế cho vùng ven biển Mexico chỉ có NTTS.

Nuôi bạch tuộc tại Mexico đã được công nhận như một sinh kế thay thế khai thác, góp phần ổn định đời sống của cộng đồng cư dân ven biển, đặc biệt với lao động là phụ nữ hoặc ngư dân cao tuổi không thể ra khơi.

Mục tiêu đầu tiên là nuôi bạch tuộc tương đối nhỏ, khoảng 250 gram theo quy mô nhỏ, mật độ thưa và bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng (nhà hàng). Trong hệ thống này, nước thải sẽ được tái sử dụng nhằm giảm tác động lên môi trường sinh thái, Rosas-Vázquez giải thích. Ông cho biết thêm, hiện nay, đã có một hợp tác xã gồm lao động nữ và ngư dân lớn tuổi được tham gia tập huấn cách nuôi bạch tuộc phục vụ thị trường thực phẩm. Chúng tôi kỳ vọng, nếu thành công, nghề nuôi bạch tuộc sẽ được mở rộng khắp bán đảo Yucatan, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống của lao động; đồng thời bảo vệ bạch tuộc bằng cách giảm áp lực khai thác.

Vượt qua rào cản

Nuôi bạch tuộc hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật, song một nhóm nhà nghiên cứu vẫn cảnh báo những ảnh hưởng nghiêm trọng của hoạt động này lên phúc lợi động vật và môi trường. Trong một bài báo của Giáo sư Jennifer Jacquet tại Đại học New York vào năm 2014, nuôi bạch tuộc đã bị chỉ trích là vô nhân đạo và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái.

Các nhà nghiên cứu đều tranh cãi về vấn đề này, vì bạch tuộc là loài ăn thịt, nuôi chúng cần tốn một lượng lớn thức ăn làm từ các loại cá biển và nhuyễn thể, từ đó làm gia tăng áp lực đến những loài cá nổi tự nhiên vốn đang suy giảm nguồn lợi nghiêm trọng. Ngoài ra, những nhà khoa học đồng thuận với quan điểm của Jennifer Jacquet đều cho rằng, bạch tuộc là loài sinh vật thông minh nên chúng luôn tìm mọi cách để làm chủ môi trường sống của mình, bởi vậy, nuôi bạch tuộc trong các trang trại bị kiểm soát chặt chẽ là vô nhân đạo, và ảnh hưởng đến chất lượng của bạch tuộc.

Nhưng không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế to lớn khi nuôi bạch tuộc, bởi số lượng bạch tuộc trong tự nhiên vẫn tiếp tục sụt giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ không ngừng gia tăng. Do đó, các nghiên cứu và đầu tư cho quy trình nuôi bạch tuộc tại các quốc gia giàu có vẫn tiếp tục gia tăng. Nhưng Jennifer Jacquet vẫn đặt ra câu hỏi, liệu nuôi bạch tuộc chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của loài người có phải là một lý do thỏa đáng cho các đầu tư và nghiên cứu tốn kém về cách thức nuôi loại động vật này. Vẫn có nhiều thị trường sẵn sàng mua bạch tuộc nuôi, và nghề nuôi bạch tuộc tạo nhiều công ăn việc làm, nhưng bằng một chi phí đầu tư còn lớn hơn. Rõ ràng, nuôi bạch tuộc đang làm cho nhu cầu tiêu thụ tăng lên, chứ không phải đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

Jacquet hy vọng sẽ thu hút được nhiều tiếng nói hơn trong lĩnh vực nuôi bạch tuộc, bởi còn quá nhiều vướng mắc liên quan đến môi trường và phúc lợi động vật. Theo bà, ngành NTTS có thể tập trung vào nuôi nhuyễn thể để tránh tác động môi trường và phúc lợi động vật; đồng thời sử dụng thức ăn bền vững có nguồn gốc thực vật nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào, nhân đạo hơn và cải thiện an ninh lương thực toàn cầu.               Tuy vậy, ông Rosas-Vázquez cho rằng nuôi bạch tuộc đối mặt chỉ trích vô nhân đạo, nhưng thực tế thì sự hiểu biết của các nhà khoa học đang phản đối nuôi bạch tuộc về hệ thống nuôi hiện nay và cả những lao động đang nuôi bạch tuộc vẫn còn hạn chế. Nghề nuôi bạch tuộc hiện nay, ít nhất là tại Mexico đang hướng đến quy mô nhỏ và đã giúp người lao động nâng cao đời sống. Trong tương lai, nghề nuôi bạch tuộc có thể đạt các tiêu chuẩn phúc lợi, thân thiện môi trường và đảm bảo lợi ích kinh tế. 


Có thể bạn quan tâm

phuong-phap-dung-thuoc-trong-nuoi-trong-thuy-san Phương pháp dùng thuốc trong… phong-tri-benh-tren-ca-bop Phòng, trị bệnh trên cá…