Mô hình kinh tế Nuôi Bò Không Lo Lỗ

Nuôi Bò Không Lo Lỗ

Ngày đăng 20/04/2013

Từ con gà, con vịt cho đến con heo đang đẩy người chăn nuôi ở Bình Định lâm cảnh khốn đốn. Nguyên nhân do sau Tết, giá cả các loại vật nuôi nói trên đều tuột, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn “bình chân như vại”.

Vì thế, người chăn nuôi đang chuyển mạnh sang nuôi bò với những sáng kiến giảm chi phí đầu vào, cho thu nhập cao.

Đang cơn bĩ cực

Chưa bao giờ người nuôi heo ở Bình Định nản lòng như hiện nay. Suốt 1 thời gian dài phải “chung sống” với lỗ lã vì giá heo liên tục tuột mạnh. Vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, do nhu cầu của thị trường tiêu thụ tăng nên giá heo có nhỉnh lên chút đỉnh, nhưng người nuôi cũng chẳng vui gì lắm bởi giá thức ăn tăng đến chóng mặt.

Đầu năm tình hình chăn nuôi heo càng thê thảm. Bởi lẽ, giá heo tiếp tục lao dốc. Từ 40.000 - 42.000 đ/kg heo hơi vào thời điểm trước Tết giờ chỉ còn 35.000 - 37.000 đ/kg. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi không hề giảm.

Anh Lê Đình Hảo, chủ cơ sở kinh doanh TĂCN ở huyện Hoài Ân, “vựa heo” lớn nhất miền Trung cho biết: “Giá các loại thức ăn cho heo dao động từ 300.000 - 400.000 đ/bao (25 kg), so với trước Tết không thấp hơn chút nào. Những hộ nuôi heo là bạn hàng của tôi đều rên lỗ như sấm, ai cũng đòi bỏ nghề dù gắn bó với họ hàng chục năm qua.

Có lẽ không ở đâu phát triển mạnh nghề nuôi heo như ở đây. Hộ ít cũng vài chục con, hộ nhiều đến cả ngàn con. Thế nhưng bây giờ ai nuôi nhiều lỗ nhiều, ai nuôi ít lỗ ít. Những hộ nuôi nhỏ đều đã bỏ chuồng kiếm việc làm khác. Hộ nuôi nhiều vì lỡ đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng nên còn gắng gượng cầm cự. Thế nhưng trước sự bi đát kéo dài này, chắc chắn họ sẽ chẳng còn bám nghề được bao lâu nữa. Lỗ hoài lấy vốn đâu ra mà tái SX”.

Chuyện nuôi heo thịt đã buồn là vậy, những người chuyên nuôi heo sinh sản còn buồn hơn. Ai đời giá heo giống chỉ còn ngang giá heo thịt. Trong khi đó, trong thời gian trước đây giá heo giống bao giờ cũng cao gấp rưỡi heo thịt. Nuôi heo sinh sản “dài hơi” hơn, đầu tư nhiều hơn nhưng với giá cả như thế này ai cũng bán “trốc” đàn nái, bỏ trống chuồng. Bởi càng “lưu luyến” càng hết vốn.

Anh Nguyễn Văn Hòa ở phường Bình Định (TX An Nhơn), 1 người chuyên cung ứng heo giống cho thị trường Tây Nguyên và các tỉnh miền Nam, cho biết: “Giá heo trong miền Nam cũng đang tuột mạnh, vì thế mặc dù đàn heo đã bán cạn trong dịp trước tết nhưng nay người nuôi vẫn chưa dám tái đàn mạnh. Vì thế, thời gian này tôi cũng chịu thất nghiệp vì đưa heo vào bán cũng không chạy”.

Những hộ nuôi gà ở Bình Định cũng lâm cảnh tương tự. Sau Tết, giá gà cũng tuột dốc chẳng kém con heo. Thêm vào đó, do ảnh hưởng dịch cúm gia cầm ở những địa phương láng giềng, sức tiêu thụ cũng chững lại. Trong khi đó giá TĂCN vẫn không hạ nên người nuôi gà ở đây cũng đang chịu cảnh từ huề vốn đến lỗ.

Ông Đào Văn Hùng, GĐ Trung tâm Kỹ thuật vật nuôi Bình Định cho biết: “Nuôi gà lỗ, nuôi heo cũng lỗ, người chăn nuôi đang chuyển hướng sang nuôi bò, vì giá cả con bò luôn ổn định. Vì thế phong trào nuôi bò vỗ béo đang phát triển mạnh khắp tỉnh. Kèm theo đó, những hộ nuôi bò vỗ béo đang áp dụng nhiều sáng kiến trong đầu tư thức ăn cho bò nhằm làm giảm chi phí đầu vào để có lãi cao. Vỗ béo 1 con bò từ 2 - 3 tháng rưỡi, người nuôi có lãi từ 5 - 7 triệu đồng”.

“Thực đơn” mới cho bò

Nếu như trước đây, thức ăn cho bò đơn thuần chỉ là cỏ và rơm khô. Thế nhưng bây giờ đồng cỏ tự nhiên không còn, rơm khô cũng ngày càng khan hiếm, vì đồng ruộng đã chuyển từ SX 3 vụ sang còn 2 vụ/năm. Thêm vào đó, thương lái buôn dưa hấu cũng đang tranh mua rơm khô gay gắt để lót cho dưa khỏi hư khi vận chuyển đường xa. Đã vậy, gọi là nuôi bò vỗ béo mà chỉ cho ăn rơm thì biết bao giờ cho chúng béo lên được. Vậy nên người nuôi đã sáng chế ra “thực đơn” mới cho bò, ít tốn kém mà hiệu quả cao.

“Thực đơn” mới cho bò xuất xứ từ xứ rượu Bàu Đá ở xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn). Ở Nhơn Lộc, 90% dân số làm nghề nấu rượu. Phụ phẩm của rượu là bã hèm. Bã hèm mà cho bò ăn là chúng khoái tít mắt. Anh Huỳnh Văn Thông ở thôn Cù Lâm (xã Nhơn Lộc) nói vui: “Trong bã hèm vẫn còn men rượu, ăn vào bò cũng ngất ngây như người ngấm rượu. Ăn xong chúng nằm ịch ngủ phèo. Con vật gì ăn ngon, ngủ nhiều cũng nhanh béo hết”.

Để tăng dinh dưỡng cho bò, ngoài bã hèm rượu ra, người nuôi bò vỗ béo còn chế biến thêm vào “thực đơn” thêm các món rau muống, bột cám gạo, bột mì và cho ăn thêm rơm và ít cỏ tươi. Có người còn “bồi dưỡng” thêm cho bò các món bột bắp, mật rỉ đường hay cám tổng hợp.

“Nếu hộ nào không làm nghề nấu rượu, khi nuôi bò vỗ béo họ ủ rơm với công thức: 1% muối, 2% phân urê, rưới lên ít nước, sau 7 ngày lấy ra cho bò ăn. Khi rơm đã được kiềm hóa bằng công thức trên sẽ làm tiêu hóa tốt cho bò nên chúng nhanh đói và ăn được nhiều hơn”, anh Thông tiết lộ thêm.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác lai tạo đàn bò, đưa giống mới có chất lượng vào để bà con nuôi. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ có nhiều chính sách cụ thể nhằm giúp người nuôi bò có điều kiện nuôi thâm canh để tăng chất lượng thịt, thu lãi cao hơn”, ông Đào Văn Hùng, GĐ Trung tâm Kỹ thuật vật nuôi Bình Định.

Nghe nói nhiều món là vậy nhưng chi phí chẳng là bao, bởi đó toàn là những phụ phẩm có sẵn ở địa phương. Anh Nguyễn Cư (thôn Cù Lâm) cho biết thêm: “Tụi tui đi về các vùng miền núi nuôi bò ốm, bò kéo cộ đã thải ra với giá rẻ, đưa về vỗ béo vài ba tháng thì xuất chuồng. Mua rẻ, bán đắt không có lãi mới là chuyện lạ”.

Chỉ tay vào con bò đực lai sind màu trắng mốc, cái u trái búa gồ lên trên vai lắc lư. Mông bạnh ra, lưng phẳng lì. Có lẽ vì cao to quá nên những bước đi của nó trông thật nặng nề, anh Huỳnh Văn Thông khoe: “Tui mua nó 7 triệu đồng. Lúc mới “nhập gia” nó ốm nheo. Sau 2 tháng vỗ béo, bây giờ thương lái đã trả đến gần 10 triệu. Đã thấy rõ đồng lãi nhưng tui chưa bán. Nó mới chỉ có 1 đôi răng (bò còn non), nuôi thêm 1 tháng nữa là nó còn to khủng nữa. Khi ấy bán lấy tiền mới sướng”.

Tại xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn), trước nhu cầu của nông dân, trong năm 2012, UBND xã này đã lồng ghép vào chương trình NTM, thực hiện dự án hỗ trợ cho 200 hộ dân nuôi bò vỗ béo (mỗi hộ 1 con/20 triệu đồng) với tổng kinh phí 4 tỷ đồng.

“Năm 2013 này, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ cho 400 hộ nuôi bò sinh sản với tổng kinh phí 8 tỷ đồng. UBND xã sẽ chia sẻ với nông dân 50% lãi suất trong 12 tháng đầu với số tiền là 250 triệu đồng”, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc nói.


Có thể bạn quan tâm

tiep-tuc-kiem-soat-chat-cac-dan-vit-chay-dong-o-ba-ria-vung-tau Tiếp Tục Kiểm Soát Chặt… nuoi-thuy-san-nuoc-lo-van-con-kho-khan Nuôi Thủy Sản Nước Lợ…