Tin thủy sản Nuôi cá chẽm theo công nghệ Na Uy

Nuôi cá chẽm theo công nghệ Na Uy

Tác giả Tâm Phùng - Thanh Nga, ngày đăng 16/03/2022

Sử dụng ống nhựa HDPE làm lồng nuôi cá chẽm theo công nghệ Na Uy đầu tiên được thực hiện ở Bố Trạch (Quảng Bình) đã có hiệu quả cao

Cá chẽm nuôi theo công nghệ Na Uy cho lãi khoảng 200 triệu đồng/vụ nuôi. Ảnh: T.P

Trước đây, gia đình anh Hoàng Minh Vương (33 tuổi, ở thị xã Ba Đồn - Quảng Bình) đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá chẽm (hay còn gọi là cá vược) thương phẩm.

Tuy nhiên, lúc đó gia đình chỉ nuôi theo “công nghệ” truyền thống với lồng bè nuôi bằng các vật liệu tre, nứa, cây cột sẵn có. Mỗi vụ chỉ nuôi vài ngàn cá cùng với bè cá thường xuyên bị hư hỏng nên năng suất, hiệu quả kinh tế không cao.

Từ chuơng trình thủy sản học ở Nha Trang, anh Vương nâng cao chuyên bằng khóa đào tạo cử nhân ở Nhật Bản. Tốt nghiệp xong, anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp với đam mê nuôi cá chẽm.

Đầu năm 2021, anh Vương đã mạnh dạn đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng xây dựng mô hình nuôi cá chẽm thương phẩm tại xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch), nơi có nhiều lợi thế về nuôi trồng thủy sản. Đó là vùng đất bên sông Gianh có nguồn nước sạch phù hợp với nuôi cá chẽm và một số loài cá đặc sản khác.

Theo anh Vương, vật liệu ống nhựa HDPE được nhập từ Na Uy về. “Đây là loại vật liệu mà bên đó người ta dùng làm lồng bè nuôi thủy sản ở biển”- anh Vương cho hay. Mỗi lồng anh làm có thể tích 150 m3, trong lồng có độ sâu  từ 2,5-3m. Chi phí cho mỗi lồng bè khoảng 400 triệu đồng.

Hệ thống lồng bè nuôi cá chẽm bằng ống nhựa HDPE hiện đại theo công nghệ Na Uy dễ dàng lắp đặt và di chuyển. Lồng cá có sức chống chịu tốt với bão lũ và độ bền cao nên khi đầu tư là có thể sử dụng lên trên 40 năm.

Anh Vương chia sẻ: “Ở miền Trung hay Quảng Bình hàng năm thường phải đối mặt với nhiều mưa lũ nên gây thiệt hại lớn cho lồng bè nuôi trồng thủy sản. Lũ quét, sóng lớn sẽ làm lồng bị vỡ, lưới bị rách. Áp dụng lắp đặt lồng bè bằng ống nhựa HDPE hiện đại theo công nghệ Na Uy sẽ là giải pháp giúp chống chịu với lụt bão. Mặc dù hệ thống này chi phí hơi cao nhưng với ưu điểm là dùng lâu bền”.

Lồng bè nuôi cá chẽm bằng ống nhựa theo công nghệ Na Uy. Ảnh: T.P

Mỗi lồng cá được thả 5.000 cá giống. Thức ăn của cá chẽm là các loại cá tự nhiên tươi sống. Do đó, anh Vương đã chủ động hợp đồng với các chủ tàu, thuyền mua các loại cá tận dụng rẻ tiền đưa về giữ ở kho lạnh bảo quản để chủ động nguồn thức ăn.

Khi cho cá chẽm ăn, anh Vương lấy cá mua về cho vào máy cắt nhỏ và trực tiếp cho xuống lồng nuôi với tỷ lệ cân đối đủ, tránh không để dư thừa thức ăn. “Tất cả đều tính vào giá thành đầu tư nên phải cụ thể và đúng định lượng thì mới đảm bảo được sức lớn của cá nuôi”- anh Vương cho hay.

Sau 8 tháng nuôi, cá chẽm xuất bán có trọng lượng trên 1 kg/con. Giá trên thị trường vào khoảng 120 ngàn đồng/kg. “Chi phí đầu tư khấu hao, giống, thức ăn… cho lồng nuôi hết khoảng 50%. Còn lại thì được xem là phần lãi. Ước tính vào khoảng 200 triệu đồng/lồng/vụ nuôi””- anh Vương bộc bạch.

Trên diện tích hồ của gia đình rộng gần 4.000m2, anh Vương đầu tư cải tạo lắp đặt hệ thống bơm điều tiết hàng ngày giúp nguồn nước trong hồ nuôi luôn sạch. Nước thải ra được xử lý bằng men vi sinh để đảm bảo môi trường. Ngoài cá chẽm, anh Vương còn nuôi thêm một số cá đặc sản như cá dìa nâu, đối…

Nguồn thu từ các loại cá đặc sản ở lồng trên bờ cũng cho gia đình anh có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch thì mô hình góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biển đổi khí hậu, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái.

“Mô hình lồng bè nuôi cá chẽm bằng ống nhựa HDPE hiện đại theo công nghệ Na Uy có tiềm năng lớn và có hiệu quả kinh tế cao nên nhân rộng trên địa bàn”- ông Long nhìn nhận.


Có thể bạn quan tâm

bi-quyet-phong-benh-mem-vo-co-than-tren-tom-the-nuoi-o-do-man-thap Bí quyết phòng bệnh mềm… lam-chu-cong-nghe-san-xuat-giong-hai-sam-vu-quy-hiem Làm chủ công nghệ sản…