Tin nông nghiệp Nuôi dê nhốt chuồng cho thu nhập ổn định

Nuôi dê nhốt chuồng cho thu nhập ổn định

Tác giả Võ Phạm, Hồ Toàn - Đài Truyền thanh huyện Chợ Mới, ngày đăng 01/08/2018

Thời gian gần đây, giá thịt heo, thịt bò bấp bênh không ổn định nhưng giá dê thịt thì ít biến động. Thịt dê đã trở thành món ăn quen thuộc trong các buổi tiệc từ thành thị đến nông thôn và đây là loại thực phẩm rất được người tiêu dùng ưa chuộng bởi vị thơm ngon tự nhiên, và quan trọng hơn là độ an toàn cao. Nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định nhờ áp dụng mô hình nuôi dê nhốt chuồng.

Để cung ứng dê thịt và dê giống cho thị trường đang ngày một phát triển, chuồng dê của anh Võ Minh Trí và anh Nguyễn Văn Xuân ở ấp Bình Thạnh 1 xã Hòa An, huyện Chợ Mới nhiều năm qua đã làm được điều này, khách hàng của các anh là những người chăn nuôi trong và ngoài xã.

Dê là loài động vật ăn tạp, dễ nuôi, khả năng kháng bệnh cao sinh sản nhanh, hai năm sinh sản khoảng 3 lứa, mỗi lứa từ 2 đến ba con. Ngoài việc dễ dãi trong ăn uống và thuận lợi trong dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, thì dê còn là con vật dễ nhân đàn. Thời gian dê con trưởng thành và cho sinh sản chỉ từ 7 đến 12 tháng, thời điểm này con dê sẽ đạt trọng lượng từ 30–35 kg/con. Đến thăm chuồng dê của anh Võ Minh Trí chúng tôi thấy chuồng được anh làm sàn cao ráo, che chắn cẩn thận tránh mưa tạt gió lùa, trong chuồng có khoảng 20 con dê lớn nhỏ được nhốt riêng theo từng ngăn, dọc theo chuồng là một máng để cỏ cho dê ăn hằng ngày. Anh cho biết dê không kén ăn, nguồn thức ăn cho dê là các loại rau, cỏ ngoài thiên nhiên rất dễ kiếm như: rau trai, rau muống, lá mít, lá so đũa…có khi chuối cây sắt nhỏ, xác đậu làm tàu hủ cũng được, thỉnh thoảng phải thay đổi khẩu phần ăn để kích thích dê ăn mạnh, dê có sức đề kháng cao, ít bệnh, nuôi dê cần siêng năng chứ không tốn nhiều vốn, lúc đầu anh chỉ tốn khoảng 10 triệu để có cặp dê giống, từ từ nhân đàn cho đến hôm nay. Dê cái mỗi lứa đẻ từ 2 đến 3 con, lúc phối giống cần tránh những con dê đực là con của dê cái sinh ra “ giao phối” vì như vậy sẽ “cận huyết”, dê con sẽ không tốt, những con dê con bú mẹ mà tranh không lại các con khác anh cho bú sữa thêm để dê con lớn bằng các con dê con khác, sau 3 tháng, dê con thôi bú mẹ phải tách nhốt riêng, khoảng 1 tháng sau là bán dê giống, mỗi con dê cái giá 2 triệu, còn dê thịt giá dao động từ 90 đến 100 ngàn đồng/ ký, trừ chi phí mỗi năm anh thu nhập 60 triệu đồng từ việc nuôi dê.

Anh Trí tâm sự: “Theo bản thân tôi chon nghề nuôi dê có lý do trước tiên chuồng trại con giống cũng nhẹ vốn, không hôi thối như con vật khác vốn đầu tư ít với lại ở địa phương kiếm thức ăn dễ do con dê ăn tạp và sức đề kháng mạnh, ít có bị bệnh, năng suất cao giá cũng ổn định, nên tôi thấy địa hình của địa phương chọn con dê nuôi nó chất lượng hơn con khác”.

Khác với anh Trí, anh Nguyễn Văn Xuân ở cùng ấp mạnh dạn đầu tư cặp dê cái giống hơn 50 triệu đồng, qua nhiều năm nhân đàn, chuồng dê của anh ngày một nhiều, tuy đã nhiều lần xuất bán dê giống và dê thịt nhưng hiện tại chuồng dê có đến gần 30 con, nhờ siêng năng và chăm sóc kỹ nên số dê tại chuồng của anh Xuân con nào cũng khỏe mạnh, anh cho biết: Chịu khó chạy xe đi vài giờ đồng hồ là tìm thức ăn cho cả ngày, muốn dê mau lớn đỡ bệnh tật, ngoài việc phải cho ăn thức ăn sạch, khô nước thì thỉnh thoảng cho ăn lúa thêm để dê tăng sức đề kháng và mau lớn. Dê thường hay bị ăn không tiêu, chướng bụng, cần tách dê bệnh ra, cho uống thuốc giúp tiêu hóa là xong, thương lái thường tìm đến mua tận chuồng, nuôi mấy chục con dê nhẹ công hơn nuôi cặp bò, nhờ nuôi dê mà anh đã mua sắm tiện nghi trong nhà khá tươm tất, lo cho con học hành đàng hoàng.

Anh Xuân chia sẻ: “Nuôi dê này cũng dễ thôi, thuốc men bệnh không có, chịu khó cắt cỏ nó ăn cũng dễ, chủ yếu mua con dê đực chủ yếu là con giống, ít có bán thịt, con dê của tôi mẫu mẽ đẹp, người ta mua về làm giống không à thu nhập một năm lời từ 50 đến 60 triệu đồng”.

Mô hình nuôi dê nhốt chuồng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nguồn vốn đầu tư ít lại tận dụng được công lao động nên rất phù hợp với bà con nông dân, nhất là những hộ nghèo ở nông thôn, tuy nhiên mô hình này ở địa phương lại phát triển ít hơn so với nuôi bò. Do vậy, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể tuyên truyền, tổ chức tập huấn kỹ thuật, nhằm nhân rộng mô hình, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương phát triển hơn.


Có thể bạn quan tâm

nhung-dich-benh-hai-can-chu-y-trong-tuan-tu-31-7-6-8 Những dịch bệnh hại cần… trong-nhan-ido-cong-nghe-cao Trồng nhãn Ido công nghệ…