Tin thủy sản Phát triển nghề nuôi biển ở Ecuador

Phát triển nghề nuôi biển ở Ecuador

Tác giả Mi Lan, ngày đăng 05/06/2017

Từ thập kỷ trước, tôm trở thành sản phẩm xuất khẩu phi dầu mỏ quan trọng thứ hai tại Ecuador, sau quả chuối. Nhưng nghề nuôi tôm đã để lại nhiều hệ lụy môi trường, nên nuôi biển được coi là một giải phát triển thủy sản bền vững hơn.

Nuôi cá giò ngoài khơi     Ảnh: Nationalgeographic 

Bước khởi đầu

Ecuador có 213.000 ha ao hồ nuôi thủy sản với năng suất 300.000 tấn tôm và cá rô phi. Dù mang lại nhiều lợi ích kinh tế, nhưng nghề nuôi tôm tại Ecuador phải chịu chi phí môi trường rất lớn. Mới đầu, các ao nuôi được xây dựng ở vùng trũng gần biển nhưng khi ngành này phát triển thì nông dân mở rộng trại nuôi ra cả vùng rừng ngập mặn và gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái, kinh tế, xã hội.

Theo Bộ Nông nghiệp, chăn nuôi và Thủy sản Ecuador (MAGAP), Chính phủ đã ban hành luật bảo vệ rừng ngập mặn rất khắt khe, nhưng nếu Ecuador muốn phát triển ngành thủy sản bền vững, buộc phải tìm một phương thức sản xuất mới ít tác động tới môi trường mà vẫn có thể đa dạng đối tượng nuôi. Trong hoàn cảnh đó, nghề nuôi biển xuất hiện và được coi là một giải pháp hữu hiệu và có khả năng thay thế mô hình nuôi hiện nay. Tại Mỹ Latinh, nuôi cá lồng trên biển chưa phổ biến. Hoạt động này chủ yếu diễn ra tại Chilê (đất nước nuôi cá hồi lồng trên biển) và ở một số quốc gia khác trong khu vực, nổi bật nhất là nuôi cá ngừ tại Mexico, nuôi cá cobia tại Panama, Colombia, Belize và Brazil.

Quản lý bằng luật pháp

Năm 2012, MAGAP công bố luật và quy định kiểm soát diện tích mặt nước sử dụng trong nuôi thủy sản trên biển. Theo đó, mọi hoạt động nuôi biển buộc phải có giấy phép nhằm đảm bảo việc xây dựng trại nuôi không ảnh hưởng đến các hoạt động khác như khai thác cá, du dịch, hàng hải… Đặc biệt, trại nuôi cá biển không được phép xây dựng ở những khu vực cấm như khu bảo tồn nguồn lợi, khu vực an ninh quốc gia, kênh đào hàng hải. Luật của Ecuador cũng quy định khu vực trong phạm vi 8 dặm đầu tiên (12,87 km) từ đường bờ biển được ưu tiên phục vụ hoạt động khai thác thủ công của ngư dân.

Do khoảng cách xa bờ biển, nên hoạt động xây dựng và điều hành trại nuôi ngoài khơi đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn và dịch vụ hậu cần nghề cá linh hoạt hơn so với những trại nuôi ở khu vực nước nông hoặc đất liền; Nên Chính phủ đã nghiên cứu và phát triển bản đồ đánh giá khu vực tiềm năng cho nghề nuôi biển. Bản đồ chưa hoàn thiện nhưng nó sẽ hướng dẫn người nuôi cá chọn lựa được vị trí đắc địa cho trại nuôi. Bản đồ đánh giá khu vực nuôi biển tiềm năng của Ecuador dựa trên các tiêu chí như: Độ sâu của nước biển, khoảng cách từ đường bờ biển, thực trạng khai thác, sóng biển, khu vực bảo vệ, hàng hải, ngư trường, khu vực khai thác dầu mỏ và cảng cá.

Theo đó, độ sâu tối ưu cho các dự án nuôi biển là 20 - 25 m. Tuy nhiên, tại Ecuador, những khu vực có độ sâu như trên vẫn nằm trong phạm vi giới hạn 8 dặm của Chính phủ. Do đó, Chính phủ cũng linh hoạt cấp giấy phép xây dựng trại nuôi biển cho những doanh nghiệp có nhu cầu trong phạm vi 8 dặm với cam kết sẽ không ảnh hưởng tới khai thác thủy sản thủ công của ngư dân và các hoạt động khác.

Định hướng tương lai

Trên con đường phát triển bền vững, nghề nuôi biển ở Ecuador phải vượt qua nhiều thách thức, trước tiên là về nguồn cung con giống. Giống là nền tảng của sự phát triển nghề nuôi biển, nhưng nguồn cung con giống hiện nay vẫn giới hạn ở một số loài nhất định. Ngoài con giống, dinh dưỡng cho vật nuôi cũng là một thách thức lớn. Mỗi đối tượng nuôi ở từng giai đoạn nuôi cần nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Tiếp theo là đào tạo yếu tố cần thiết với những nước mới phát triển nghề nuôi biển như Ecuador. Do đó, các khóa học chuyên ngành về nghề nuôi biển đã được lồng ghép vào trong chương trình học ở trường đại học, cung cấp kiến thức về kỹ năng quản lý trại nuôi biển, quản lý thức ăn, lặn biển scuba, sử dụng tàu thuyền… Chính phủ Ecuador cũng nỗ lực cải tạo cảng biển và cơ sở hạ tầng, tạo thuận tiện cho sự hoạt động của tàu bè ra vào trại nuôi ngoài khơi; đồng thời kết hợp doanh nghiệp xây dựng khu vực tích trữ thức ăn, thiết bị máy móc cần thiết cho hoạt động hàng ngày tại trại nuôi.

Sự thành công của những dự án nuôi biển đầu tiên tại Ecuador cùng với những động thái ủng hộ tích cực từ phía chính phủ và cộng đồng sẽ tạo động lực phát triển và thu hút đầu tư cho nghề nuôi biển trong tương lai. Vài năm tới, Ecuador phấn đấu không chỉ là nước nuôi tôm mạnh, mà còn sản xuất cá biển hàng đầu thế giới, trừ cá hồi.

>> Theo FAO, những quốc gia chủ đạo trong nuôi cá biển lồng gồm Na Uy (652.000 tấn); Chilê (588.000 tấn); Nhật Bản (273.000 tấn); Anh (136.000 tấn), Việt Nam (126.000 tấn); Canada (98.000 tấn); Thổ Nhĩ Kỳ (79.000 tấn); Hy Lạp (76.000 tấn); Indonesia (67.000 tấn) và Philippines (66.000 tấn).


Có thể bạn quan tâm

inulin-ngan-chan-dich-benh-thuy-san Inulin ngăn chặn dịch bệnh… them-nhieu-chuan-cho-ca-tra Thêm nhiều chuẩn cho cá…