Mô hình kinh tế Phía sau những quả tim lợn siêu rẻ

Phía sau những quả tim lợn siêu rẻ

Ngày đăng 21/09/2015

Ở chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), những quả tim lợn đông lạnh nhập khẩu được đổ đống ra khay, bày bán như mớ rau, quả mít. Không hề có vật dụng che phủ, bảo quản lạnh, khí trời oi ả khiến lớp đá tuyết tan chảy, nhỏ ròng ròng thứ chất lỏng đỏ ối rất ghê.

1 kg thịt lợn = 3 kg tim

Nhiều ngày qua, PV NNVN đã cải trang thành dân buôn thịt lợn đi nhập hàng tại các chợ lớn trên địa bàn Hà Nội để bán lẻ trong khu dân cư.

Chưa tới 4 giờ sáng, tiếng cười nói, tranh mua giành bán đã inh ỏi khắp chợ Phùng Khoang (Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Người xe như mắc cửi.

Ngoài hàng hóa nội địa, nơi đây còn bày bán khá nhiều thực phẩm nhập khẩu. Điển hình là thịt gà và nội tạng động vật siêu rẻ.

Tại gian hàng của bà X., những quả tim lợn to như nắm tay, cứng ngắc được thương lái đổ thành đống trên chiếc khay inox để rã đông, bày bán như bán rau. Xung quanh, lũ ruồi nhặng luôn vo ve túc trực. Quả tim nào ấn vào mềm, rỉ dịch lỏng màu đỏ ối sẽ được nhặt riêng ra một khay để ưu tiên bán cho khách hàng trước.

Hỏi về giá, bà X. bảo: “30.000 đồng/kg”. Thấy tôi chê màu sắc quả tim không được tươi, người này vồn vã chèo kéo khách vào phía trong, nơi cất giữ 4 hộp bìa các tông trắng chứa tim lợn (trọng lượng 10 kg/hộp) đang đặt dưới nền xi măng cáu bẩn, xé vỏ ra.

Bà X. phân trần: “Em nói thế chị quá buồn luôn. Nhìn thế này mà bảo tim không tươi à. Chị bán cho em giá bằng người ta bán buôn số lượng hàng tấn đấy”.

Bà X. nói: “Tim đông lạnh sau khi rã đông và bôi tiết sẽ giống tim tươi, bán với giá 200.000 đồng/kg”

“Nếu lấy về rồi bán bằng tim tươi thì có được không?”, tôi hỏi. Bà X. chỉ tay về phía một người đàn bà chuyên bán nội tạng lợn ở cách đó chừng mười bước chân và bảo: “Nhà kia toàn lấy tim ở đây, rồi lấy thêm tiết bôi vào để bán tim tươi giá 200.000 đồng/kg với lòng lợn”.

Tại một quầy hàng khác kế bên, giá bán 1 kg tim đông lạnh nhập khẩu là 33.000 đồng/kg. Bà chủ tiết lộ, muốn bán tim tươi thì nên chọn những quả lành. Sau khi về nhà phải ngâm nước cho nó mềm mới bày bán, sau đó bôi tiết vào để trông giống tim tươi sống. Nếu không người ta biết thừa là tim đông lạnh.

“Nhiều nhà vẫn bán lẫn tim đông lạnh và tim tươi mới giết mổ. Cứ mua thử mấy quả xem bán được thì bán”, bà chủ này khẳng định.

Nói đúng "từ khóa" mới mua được hàng

Rời chợ Phùng Khoang, chúng tôi di chuyển hơn 10 km sang chợ thực phẩm Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để “săn” tim lợn siêu rẻ.

Tấp vào một quầy bán thịt và tim lợn, tôi hỏi giá. Một người phụ nữ đã luống tuổi trả lời: “Trăm bẩy một cân (170.000 đồng/kg), có lấy không?”. Giả vờ chê đắt, chúng tôi bỏ đi và một lúc sau quay lại. Hỏi:

- Cô ơi ở đây không có tim đông lạnh à?

– Có tim đông lạnh.

– Giá bao nhiêu?

– 50.000 đồng/kg. Tim của cô là hàng tươi hôm qua bán ế, chứ không phải hàng đểu nhúng thuốc bảo quản đâu.

Ngay sau đó, người này cúi xuống phía dưới, dùng tay trần moi ra hai quả tim (hình dáng không khác biệt gì quả tim đang bày bán trên bàn) và khẳng định lại: Hàng này là hàng Việt Nam trăm phần trăm chứ không phải hàng nhập lậu tẩm hóa chất đâu nhé (!?).

Một quả tim đông lạnh nhập khẩu sau khi rã đông và xẻ đôi

Qua khảo sát, giá tim tươi xịn dao động từ 220.000 – 230.000 đồng/kg. Và không có chuyện tim lợn tươi ngon, vừa đưa ra từ lò mổ được bán với giá 170.000 đồng/kg. Để kiểm chứng một lần nữa, tôi gọi điện thoại về Ba Vì hỏi giá tim lợn ở các khu chợ trung tâm, giá rẻ nhất cũng 200.000 đồng.

Liệu rằng quả tim có giá 170.000 đồng/kg được bày bán trên bàn và quả tim cất giấu dưới gầm bàn giá 50.000 đồng/kg có cùng một xuất xứ hay không?

Để trả lời cho câu hỏi này, sáng hôm sau chúng tôi có mặt tại một khu chợ nhỏ (thường gọi là chợ Trung) cách chợ Dịch Vọng Hậu khoảng 2 km để tìm mua loại tim tươi, chất lượng tốt theo giới thiệu của một người quen.

Sởn gai ốc “đại lý thực phẩm đông lạnh số 1 miền Bắc”

Theo thông tin quảng cáo trên internet, chúng tôi kết nối điện thoại với một người đàn ông tự xưng là Minh, chủ “đại lý kinh doanh thực phẩm đông lạnh số 1 tại thị trường miền Bắc”, địa chỉ ở phường Đức Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội (không rõ địa chỉ cụ thể) để hỏi mua tim lợn đông lạnh nhập khẩu với số lượng lớn.

Người này tự khoe sản phẩm cơ sở mình cung cấp rất phù hợp để chế biến món nhậu tại các quán ăn bình dân, đám cỗ hay thậm chí sử dụng trong các nhà hàng sang trọng. “Vậy giá cả thế nào?”, tôi hỏi. “Hàng đẹp thì 37 (nghìn đồng/kg), loại hai là 35, xấu hơn thì 32)”.

Anh ta dặn sáng mai chúng tôi đứng chờ ở trước cổng nhà văn hóa huyện Từ Liêm (cũ), sau đó tự chở hàng ra giao. Như lịch hẹn, người này xuất hiện với một chiếc xe máy cũ mèm BKS 98–N343XX, đằng sau giá sắt là một hộp bìa các tông trắng chứa tim lợn đông lạnh.

Khi chúng tôi thắc mắc sao không có thùng đựng hàng đông lạnh chuyên dụng để vận chuyển, người này nói: “Cứ để ở nhiệt độ ngoài trời như thế này, 2 tiếng sau là rã đông xong, mình chế biến là vừa”.

Thấy có dấu hiệu sai phạm, chúng tôi tìm cách tiếp cận kho chứa hàng của cơ sở này.

Hóa ra, cái “đại lý kinh doanh thực phẩm đông lạnh số 1 thị trường miền Bắc” mà anh Minh quảng cáo là một căn nhà cấp 4 lụp xụp chỉ rộng chừng 20 m2 (y chang một nhà trọ dành cho sinh viên), không hề có biển hiệu kinh doanh.

Phía trước hiên nhà (sát mặt đường), gia chủ đang phơi một đống đùi gà đông lạnh để rã đông, chuẩn bị giao cho khách hàng trên phố Trần Đại Nghĩa và khu vực phố cổ Hà Nội. Do không được che đậy, ruồi nhặng bị thu hút bởi mùi máu tanh bu kín.

Anh Minh cho biết hiện đang giao buôn tim lợn đông lạnh cho 100 mối hàng ở nội thành Hà Nội (chủ yếu là quán ăn) và 70 mối hàng ở ngoại thành và các tỉnh lân cận. Thậm chí “vươn vòi” lên cả Thái Nguyên. Mỗi ngày xuất kho trung bình 3 tạ tim lợn, nhưng phương thức vận chuyển rất đơn giản.

Tim đông lạnh được bày bán như mớ rau, không hề có thiết bị làm lạnh

“Cứ xếp lên xe máy hoặc ô tô mà chở thôi, không cần phải làm lạnh. Hàng này để bên ngoài được 10 tiếng. Khi tới nơi, mình cấp đông lại không sao hết (!?)”, người này nói.

Chưa bao giờ ăn tim lợn mình bán

Thấy tôi hỏi về chất lượng sản phẩm, anh Minh tự nhận chưa bao giờ ăn tim đông lạnh (do mình bán) nên không biết, nhưng “khách hàng ăn không thấy có phản hồi gì”.

“Thế có giấy chứng nhận kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm không?”, tôi hỏi. “Có, nhưng hôm nay chưa in được”. "Thế lúc vận chuyển bị bắt thì sao?”. “Em chở số lượng ít thì không sợ. Anh chở vài tạ một lúc còn không vấn đề gì mà. Quản lý thị trường có quyền gì mà dừng xe kiểm tra. Chỉ khi vi phạm giao thông mới bị CSGT dừng và kiểm tra thôi (!?)”.

Theo quan sát của PV, hạn sử dụng loại tim đông lạnh này phải đến 1/2017 mới hết.

Anh Minh cho biết, hầu hết sản phẩm tim lợn được bày bán ở các chợ đầu mối, chợ lớn đều là tim đông lạnh. Nhưng, sau khi rã đông và “hô biến” thành tim lợn tươi sống, khi đến tay người tiêu dùng, giá cả của nó tăng lên ít nhất 150.000 đồng/kg. Một mức lãi siêu khủng.

Việc vận chuyển, mua bán sản phẩm nội tạng động vật đông lạnh nhập khẩu không tuân thủ quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây hậu quả ra sao? Đâu là nút thắt cần phải tháo mở để có một môi trường kinh doanh thực phẩm đông lạnh nhập khẩu an toàn?


Có thể bạn quan tâm

khai-thac-cat-long-song-lo-loi-ich-cua-nguoi-dan-bi-bo-ngo-dinh-chi-tam-dung-khai-thac-tai-1-51ha-dat-tranh-chap Khai thác cát lòng sông… duoc-cap-ruong-cung-nhu-khong Được cấp ruộng cũng như…