Trồng lúa Phòng trừ ốc bươu vàng và bệnh thối nhũn lúa sau lũ

Phòng trừ ốc bươu vàng và bệnh thối nhũn lúa sau lũ

Tác giả Đoàn Thư, ngày đăng 20/07/2019

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đợt mưa lũ ngày 29 và ngày 30-6 đã làm trên 133 ha lúa bị ngập úng. Tiếp đến ngày 4 và ngày 5-7, mưa lớn lại tiếp tục xảy ra gây lũ lớn làm ngập 111 ha lúa mùa mới cấy, trong đó có 4 ha lúa bị vùi lấp tại 2 huyện Hàm Yên và Chiêm Hóa. 

Nông dân thôn Đồng Chùa 1, xã Bình Xa (Hàm Yên) kết hợp bón phân dúi và nhặt ốc bươu vàng để bảo vệ lúa non.

Mưa lũ đã làm ốc bươu vàng ở các ao, hồ theo dòng chảy di chuyển và lan rộng gây hại lớn trên diện tích lúa mới cấy, lúa trong thời kỳ hồi xanh đẻ nhánh ở khắp các địa phương. Mật độ trung bình ốc gây hại ở mức 4 - 5 con/m2, cục bộ 10 - 15 con/m2. Toàn tỉnh có 251 ha lúa bị ốc gây hại, trong đó gây hại nặng 21 ha.

Theo ông Vũ Đình Tám, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang, 8 cán bộ của trạm đã được phân công về phụ trách vùng bị ngập, hướng dẫn bà con thực hiện ngay các biện pháp phòng trừ ốc bươu vàng gây hại như cắm các cọc cao ở ruộng để ốc bò lên trú ngụ sẽ thu gom diệt; sử dụng các phên chắn tại các cửa cống, kênh mương dẫn vào ruộng hạn chế nạn ốc phát tán. 

Chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Cây Thị, xã Đội Bình (Yên Sơn) cho biết: Lũ tràn về đã làm 3 sào lúa mới cấy của gia đình bị nạn ốc bươu vàng xâm nhập, cắn phá. Để bảo vệ lúa, mấy ngày nay chị phải lặn lội để bắt ốc, hạn chế ốc ăn lúa. 

Tại các địa phương thuộc huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa bà con cũng đang tập trung bắt, diệt ốc bươu vàng.

Mưa lũ cũng đã làm nhiều diện tích lúa bị ngập úng gây thối nhũn thân.  Theo ngành nông nghiệp tỉnh, để khôi phục những diện tích lúa non bị thối nhũn, bà con cần thực hiện tháo cạn nước trong ruộng, ngừng bón phân đạm, phân bón lá; rải vôi bột từ 6-8 kg/sào hoặc phun nước vôi trong (pha 1,5 kg vôi tỏa + 16 lít nước để lắng trong); sử dụng một trong các thuốc sau để phun phòng trừ: Xanthomix 20WP, Exin 4.5 HP, Anti-Xo 200WP, Kasumin 2L, Physan 20L, Sa sa 25WP, Anpine 80WDG... Sau khi xử lý từ 3 - 5 ngày, người dân cần kiểm tra nếu bệnh ngừng phát sinh, lúa phát triển trở lại thì tiến hành bón phân và chăm sóc lúa bình thường.

Đối với những diện tích bị ngập nặng, không thể khắc phục, bà con cần làm đất gieo mạ dự phòng hoặc dùng giống lúa ngắn ngày gieo sạ để chủ động khôi phục sản xuất. Công ty cổ phần giống và vật tư nông nghiệp Tuyên Quang sẽ cung ứng 30 tấn giống dự phòng về các địa phương để phục vụ bà con tái sản xuất sau khi mưa lũ đi qua. 


Có thể bạn quan tâm

hieu-qua-tu-viec-luan-canh-cay-trong-tren-dat-lua Hiệu quả từ việc luân… mot-so-bien-phap-ky-thuat-de-san-xuat-lua-mua-hieu-qua Một số biện pháp kỹ…