Tôm thẻ chân trắng Quản lý độ đục hiệu quả

Quản lý độ đục hiệu quả

Tác giả Hoàng Yến, ngày đăng 14/11/2018

Độ đục là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nước và hiệu suất ao nuôi. Độ đục cũng có thể trở lại bởi các nguồn đục không kiểm soát được nếu không có các giải pháp quản lý hợp lý và hiệu quả.

Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi Ảnh: PTC

Tác nhân

Từ yếu tố tự nhiên: Do mưa lớn kéo dài làm rửa trôi đất quanh bờ, lượng bùn đất này là nguyên nhân chính gây đục nước trong ao vào mùa mưa. Do hoạt động của tôm và các sinh vật trong ao làm cho nước bị đục. Do các hạt keo đất sét lơ lửng trong ao không lắng tụ.

Do con người: Ao nuôi không được cải tạo kỹ lưỡng, sên vét đáy ao chưa sạch hoặc ao nuôi quá cạn và quạt nước quá mạnh; Sử dụng vôi kém chất lượng có nhiều tạp chất để tăng độ kiềm trước khi thả nuôi; Sử dụng các loại thức ăn công nghiệp, cho ăn dư thừa lâu ngày sẽ tích tụ làm nước ao nuôi bị đục.

Tác hại

So với các chỉ tiêu môi trường khác, độ đục không ảnh hưởng một cách trực tiếp và tức thì đến sự sinh trưởng của tôm nuôi mà tác động một cách âm thầm, diễn biến chậm, người nuôi khó nhận biết được. Khi độ đục cao, lượng ánh sáng thâm nhập vào thủy vực ít, cường độ quang hợp của thực vật phù du giảm. Độ đục cao có thể gây ra chênh lệch nhiệt độ và phân tầng ôxy hòa tan trong ao nuôi. Nó cũng có thể gây ra tắc nghẽn mang tôm hoặc gây chấn thương trực tiếp đến các mô của tôm gây cản trở hô hấp, cường độ bắt mồi giảm.

Biện pháp quản lý

Tùy vào từng nguyên nhân gây ra độ đục mà người nuôi áp dụng cách xử lý khác nhau. Để xác định nguyên nhân nước ao đục cần lấy một ít nước ao cho vào đầy bình ly thủy tinh sau đó đậy nắp và để yên trong 1 tuần. Nếu nước vẫn đục thì nguyên nhân nước đục do các hạt sét lơ lửng. Tuy nhiên nếu nước trong có cặn ở đáy bình thì nguyên nhân gây ra nước đục là môi trường và sinh học.

Nếu độ đục nước cao, phương pháp đơn giản là tiến hành thay nước. Tuy nhiên, cần lựa chọn thời điểm thay nước thích hợp. Nếu ao nuôi bị đục do bùn, đất thì tiến hành thay nước sau đó sử dụng vi sinh để phân hủy các chất lắng tụ dưới đáy ao. Nếu ao bị đục vật chất hữu cơ thì cũng tiến hành thay nước kết hợp với xử lý bằng vi sinh. Nước ao bị đục do tảo, có thể tiến hành cắt tảo bằng vôi vào ban đêm sau đó sử dụng vi sinh để diệt tảo tàn. Đồng thời, có thể loại bỏ hạt lơ lửng trong ao bằng muối vô cơ như thạch cao hoặc nhôm sunfat (Al2(SO4)3) để tạo kết tủa và lắng tụ:

Dùng thạch cao (Canxi Sunfat): Mặc dù không hiệu quả như phèn, nó có thể được sử dụng với nồng độ 100 - 300 mg/L (1.000 - 3.000 kg/ha) để kiểm soát độ đục. Ở ao nước cứng (canxi lớn hơn 50 mg/l), nước gần như bão hoà với canxi, bổ sung thạch cao sẽ không làm nước hết đục và thạch cao có thể không hiệu quả. Nên rải thạch cao khắp bề mặt ao và khi thạch cao hòa tan thì sẽ làm tăng hàm lượng Calcium trong nước để cải thiện các điều kiện cho quá trình tạo bông của các hạt lơ lửng.

Dùng Nhôm Sunfat (phèn đơn): Là chất có khả năng lắng tụ các chất lơ lững rất hiệu quả, chi phí sử dụng thấp. Tuy nhiên phèn nhôm lại ảnh hưởng đến độ kiềm pH trong ao, cụ thể là giảm độ kiềm và tăng axit trong nước làm chết cá. Vì thế trước khi sử dụng phèn nhôm để xử lý ao bị đục cần phải đo độ pH trước để điều chỉnh cho phù hợp. Nên hòa tan phèn nhôm trước trong nước và tạt khắp bề mặt nước ao vào ngày tĩnh không mưa. Có thể sử dụng quạt nước/sục khí trong vài phút để trộn phèn nhôm với nước ao, nhưng sau đó nên tắt máy để làm cho floc lắng xuống. Một việc quan trọng là cần phải sử dụng đủ lượng ban đầu để tạo bông, bởi phèn nhôm không có hiệu ứng dư, hoạt chất sắt nhôm kết tủa từ nước như nhôm hydroxide trong vòng vài phút. Do vậy, cần cẩn trọng kiểm tra bằng máy khuấy để xác định mức xử lý tối thiểu có hiệu quả.

Khi các nguồn gây đục đã được loại bỏ mà nước vẫn không trong thì nên kiểm tra tổng kiềm. Nếu độ kiềm thấp hơn 30 mg/L, nên sử dụng lượng vôi nông nghiệp 2.000 - 3.000 kg/ha. Lựa chọn khác có thể dùng vôi sống nhưng nếu ao đã thả giống thì lượng vôi sống xử lý không nên quá 50 kg/ha để tránh pH cao. Liều lượng vôi sống xử lý có thể lặp lại hàng tuần. Trong các ao có độ kiềm trên 40 mg/L hoặc nếu vôi sống không làm hết đục thì có thể làm hết đục bằng cách sử dụng các loại phân bón (vô cơ) hoặc xử lý ao bằng các chất keo tụ. Hoặc thử bón các loại phân và sử dụng các chất keo tụ như là phương pháp cuối cùng.


Có thể bạn quan tâm

loai-bo-kim-loai-nang-trong-ao-nuoi Loại bỏ kim loại nặng… quan-ly-cho-an-mot-cach-khoa-hoc Quản lý cho ăn một…