Mô hình kinh tế Quan Tâm Phát Triển Hạ Tầng, Đầu Tư Sản Xuất

Quan Tâm Phát Triển Hạ Tầng, Đầu Tư Sản Xuất

Ngày đăng 02/08/2014

3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân có hơn 50.000 người dân tộc thiểu số (DTTS) của hơn 20 dân tộc. Trong 5 năm qua, UBND các huyện này làm tốt công tác dân tộc nên đời sống người dân từng bước được cải thiện.

ĐẦU TƯ CƠ SỞ HẠ TẦNG

Theo thống kê, từ năm 2009 đến 2014, bằng nguồn vốn các Chương trình 134, 135, 1592…, 3 huyện miền núi của tỉnh đã xây dựng 25 công trình nước sinh hoạt, 79 nhà rông văn hóa, 75 công trình giao thông, 19 công trình thủy lợi cùng nhiều công trình như nhà ở, trường học, trạm y tế, lưới điện hạ áp…

Ông Nay YBLung, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: 5 năm qua, huyện Sơn Hòa tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề để phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS.

Địa phương đã quan tâm xóa nhà tạm, định canh định cư cho các hộ dân. Đến nay, toàn huyện đã xây mới, sửa chữa 56 nhà với tổng kinh phí hơn 1,4 tỉ đồng cho đồng bào DTTS có công với cách mạng; hỗ trợ xây 218 nhà Đại đoàn kết cho hộ DTTS nghèo với tổng kinh phí 3,4 tỉ đồng.

Huyện Sơn Hòa cũng hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo DTTS theo Chương trình 167 được 615 nhà với tổng số tiền hơn 9,3 tỉ đồng; đồng thời giải ngân gần 6 tỉ đồng từ chương trình định canh định cư hỗ trợ cho 242 hộ giãn dân.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong 3 năm qua, các huyện miền núi đã bê tông hóa gần 50km đường nông thôn, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản nên người dân rất phấn khởi. Mí Lan (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh) cho biết: Ngày trước, con đường đất trước nhà mình đi lại rất khó khăn.

Muốn tới rẫy mình phải đi bộ; muốn bán sắn, mía… cũng phải vận chuyển gần 1km ra tận đường lớn. Nay có đường bê tông, người dân đi lại thuận lợi hơn, xe kéo cũng vào được tận rẫy để gom nông sản.

Nhiều năm trước, việc đảm bảo nước sinh hoạt cho bà con vùng sâu, vùng xa luôn gặp khó khăn nhất là vào mùa nắng hạn.

Nhưng đến nay, nhờ được đầu tư xây dựng các công trình nước tập trung và có nhiều giếng đào nên các huyện đã cơ bản giảm bớt khó khăn này cho đồng bào. Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Trần Thanh Định, cho biết: Địa phương đã đầu tư hơn 26 tỉ đồng xây dựng 4 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các xã Ea Ly, Ea Bá, Ea Lâm và Sông Hinh.

Nhờ đó có thêm gần 3.000 hộ dân có nước sạch phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Đến nay, toàn huyện có 6/7 xã có đồng bào DTTS sinh sống, có công trình nước, cơ bản đáp ứng đủ nước sinh hoạt cho bà con. Hiện tỉ lệ dân cư sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn huyện đạt 91,5%, tăng 21,5% so với năm 2009.

TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT

Ngoài cơ sở hạ tầng, UBND các huyện còn sử dụng nguồn vốn các chương trình hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo nhanh để xây dựng các mô hình thâm canh, xen canh…, sử dụng nhiều giống mới và áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Từ đó, đồng bào DTTS thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, tạo ra các sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường.

Huyện Sông Hinh thành công trong việc triển khai mô hình trồng lúa nước và nhân rộng diện tích lúa lai. Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, trước năm 2008, diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện duy trì ở mức 1.000ha lúa rẫy và 1.100ha lúa nước.

Đến năm 2013, diện tích lúa rẫy giảm mạnh và cây lúa nước tăng lên 1.650ha. Đến nay, toàn huyện có 3.509ha đất canh tác lúa nước.

Cây lúa nước cho năng suất ổn định, đạt 50 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa rẫy 4 lần. Để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng lúa, huyện đã đưa cây lúa lai vào sản xuất. Vụ đông xuân 2013-2014, năng suất lúa lai đạt 70 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay. Hiện diện tích lúa lai chiếm 7% diện tích trồng lúa và đang được khuyến khích nhân rộng.

Ông Phạm Văn Trung, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân, cho biết: Để đồng bào yên tâm lao động sản xuất, huyện Đồng Xuân đã đầu tư mua dụng cụ sản xuất, làm chuồng trại và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón… cho bà con DTTS.

Đến nay, huyện đã hỗ trợ 4 máy cày tay, 4 máy tuốt lúa, xây dựng 4 chuồng trại, hỗ trợ 8,1 tấn lúa giống, 162kg bắp lai, 6.350 cây ăn quả, hơn 197 tấn phân vô cơ, hơn 32 tấn phân vi sinh, 236 con bò giống…

Địa phương khuyến khích người dân nuôi nhân rộng bò lai vì giống bò này dễ nuôi, ăn tạp, tăng trọng nhanh, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn bò thường. Hiện, tổng đàn bò toàn huyện có hơn 3.000 con, trong đó bò lai 1.103 con, chiếm tỉ lệ 31%, tăng 8% so với năm 2009.

Cùng với sự ra đời của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, UBND huyện Sơn Hòa chủ trương tăng diện tích trồng mía, xây dựng các vùng nguyên liệu mía cung cấp cho nhà máy. Nhờ đó, đồng bào DTTS ở đây có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Theo ông Kpă Y Quyên, Phó phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, diện tích trồng mía của huyện Sơn Hòa là 11.805ha, tăng gần 42% so với năm 2009, cho năng suất bình quân hơn 68 tấn/ha, cao hơn 18 tấn/ha so với năm 2009. Hàng năm cây mía mang lại doanh thu trên 700 tỉ đồng, trong đó, nhiều hộ đồng bào DTTS có thu nhập từ 100 triệu đồng đến gần 1 tỉ đồng/năm.


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-vien-co-cao-su-khong-co-mu-de-chat-ha Nông Dân Viện Cớ Cao… ngan-chan-san-xuat-kinh-doanh-tom-chua-tap-chat Ngăn Chặn Sản Xuất Kinh…