Tin thủy sản Quảng Ninh: Nhiều giải pháp phát triển thủy sản

Quảng Ninh: Nhiều giải pháp phát triển thủy sản

Tác giả Bảo Hân, ngày đăng 12/06/2017

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang dành rất nhiều sự quan tâm cho phát triển thủy sản. Mục tiêu để lĩnh vực này không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, mà còn là “vựa” thủy sản phía Bắc.

Thủy sản là thế mạnh của Quảng Ninh     Ảnh: Huy Hùng 

Nghị quyết đã có

Theo nhận định, hiện thủy sản Quảng Ninh đứng thứ 4/11 tỉnh, thành khu vực sông Hồng có sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm cao. Tuy nhiên, với những hợp tác hiện nay và chương trình hành động trong thời gian tới, vị trí này chắc chắn sẽ có những biến đổi mạnh.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho biết, tỉnh đang tập trung phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản. Tính đến cuối năm 2016, diện tích nuôi toàn tỉnh 20.600 ha (17.300 ha diện tích nuôi mặn lợ, 3.300 ha nuôi nước ngọt), tăng 567 ha so năm 2014, trong đó nuôi thâm canh 2.034 ha; Sản lượng 46.287 tấn, tăng 9,9% so năm 2014. Trong 5 năm, sản lượng thủy sản nuôi trồng 183.000 tấn, bình quân tăng 9,1%/năm.

Triển khai Nghị quyết 13 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Quảng Ninh đã hỗ trợ hình thành các vùng nuôi, bãi triều tập trung tại Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Quảng Yên; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành; dành nguồn lực xây dựng hạ tầng nuôi trồng thủy sản… Cùng đó, phát triển vùng nuôi trồng theo quy hoạch, ứng dụng công nghệ cao, vùng nuôi an toàn với các đối tượng chủ lực, đặc biệt là nuôi biển. Trong đó, chú trọng khâu giống thủy sản nhằm tạo bước đột phá, hình thành các trung tâm giống công nghệ cao, hướng tới chủ động nhu cầu các đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh.

Hình thành vùng nuôi tập trung

Với gần 100.000 ha mặt nước và bãi triều có thể nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, theo tính toán, hiện Quảng Ninh mới chỉ sử dụng khoảng 1/5 tổng diện tích này.

Tỉnh Quảng Ninh hiện đã quy hoạch được 6 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Đó là vùng nuôi tôm tại Quảng Yên, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái; vùng nuôi nhuyễn thể tại Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà; vùng nuôi cá song tại Vân Đồn; vùng nuôi ghẹ tại Móng Cái; vùng nuôi cua kết hợp cá, tôm tại Quảng Yên; vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt tại Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí. Hoạt động nuôi trồng đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gia tăng giá trị chuỗi sản phẩm theo hướng đồng bộ.

Trong nuôi trồng, đối tượng nuôi chính của tỉnh là tôm thẻ chân trắng, tôm sú, nhuyễn thể và cá biển. Với con tôm, toàn hỉnh hiện có gần 9.700 ha nuôi tôm, sản lượng hàng năm đạt khoảng 10.000 tấn, trị giá 1.400 tỷ đồng với hình thức nuôi ngày càng đa dạng, như bán thâm canh, thâm canh, sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi luân canh một vụ tôm, một vụ thủy sản khác, nuôi quảng canh cải tiến. Trong đó, hình thức nuôi bán thâm canh và thâm canh phát triển mạnh, hình thành nhiều vùng nuôi tập trung tại thị xã Quảng Yên, thành phố Móng Cái, huyện Tiên Yên.

Bên cạnh tôm, diện tích nuôi nhuyễn thể tại Quảng Ninh cũng rất lớn, với đa dạng loài và vùng nuôi, như: nuôi hà trên bãi triều, nuôi ngao giá, ngao hoa, nghêu Bến Tre, hàu, sò, tu hài… Cùng với việc tăng diện tích, ngành thủy sản tỉnh đã tích cực áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào nuôi trồng. Đây được xem là giải pháp quan trọng, kịp thời, nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, giúp nghề nuôi phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm.

Thu hút đầu tư

Để có được bước phát triển quan trọng, tận dụng những thuận lợi về điều kiện thiên nhiên, ngoài việc chú trọng phát triển nhanh hình thức nuôi trồng thủy sản bán thâm canh, thâm canh, công nghiệp; chuyển mạnh từ nuôi hộ gia đình sang tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã khuyến khích, mời gọi nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Lĩnh vực đầu tiên có thể kể đến là con giống. Ngoài những trung tâm giống có từ trước, tỉnh tạo điều kiện để Công ty CP Đầu tư phát triển Hạ Long triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm Sản xuất giống và Nuôi thực nghiệm giống hải sản tại xã Đại Bình (Đầm Hà). Với những chủ trương vững chắc, công tác sản xuất, cung ứng giống thủy sản của Quảng Ninh đã đạt được những thành công nhất định. Đến nay, toàn tỉnh có 18 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống thủy sản, cung ứng cho thị trường 991 triệu con, đáp ứng được gần 30% nhu cầu sản xuất tại chỗ.

Tỉnh đang hướng đến sắp xếp, cải tạo và nâng cấp các cơ sở sản xuất giống hiện có; nghiên cứu, nhập và chuyển giao công nghệ mới nhằm tăng năng suất và chất lượng con giống, đảm bảo đến năm 2020 sản xuất đạt trên 6 tỷ giống, đến năm 2030 đạt 8 tỷ con giống các loại.

Về nuôi trồng thủy sản, ngoài việc quy hoạch chi tiết lại các vùng nuôi, tập trung phát triển các đối tượng chủ lực, thế mạnh, tỉnh cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển trên địa bàn. Mới đây, Quảng Ninh đã đồng ý chủ trương cho Tập đoàn Việt - Úc khảo sát, nghiên cứu triển khai dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm) tại các địa phương Đầm Hà, Vân Đồn, Quảng Yên.

>> Hiện nay, chủ trương của tỉnh Quảng Ninh là tập trung phát triển các đối tượng chủ lực (tôm, cua, nhuyễn thể, cá biển, cá rô phi) và các đối tượng đặc sản vùng miền địa phương (ngán, sá sùng, bào ngư...); tiếp tục thực hiện các chính hỗ trợ về sản xuất, tạo cơ chế chính sách cải thiện môi trường đầu tư; khuyến khích thu hút đầu tư.


Có thể bạn quan tâm

dieu-kien-xuat-khau-tom-vao-australia Điều kiện xuất khẩu tôm… tuong-lai-cho-nuoi-tom-tren-cat Tương lai cho nuôi tôm…