Tin thủy sản Tương lai cho nuôi tôm trên cát

Tương lai cho nuôi tôm trên cát

Tác giả Hồng Thắm, ngày đăng 12/06/2017

Vùng duyên hải miền Trung được đánh giá rất tiềm năng cho nuôi tôm trên cát. Tuy nhiên, để lĩnh vực này phát triển hiệu quả như mong muốn cần rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là một chiến lược dài hạn và quy hoạch chi tiết.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm mô hình nuôi tôm trên cát tại Hà Tĩnh    Ảnh: Nam Anh 

Hiệu quả

Khu vực ven biển miền Trung gồm 14 tỉnh thành, trải dài trên 1.800 km bờ biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, với tổng diện tích đất cát khoảng 100.000 ha. Từ những năm 2000, phong trào nuôi tôm trên cát bắt đầu “bén duyên”, tuy nhiên thời kỳ đầu phát triển chậm do gặp nhiều vướng mắc như: Chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng lớn; Giá thành sản xuất cao và tác động tiêu cực như phá rừng, khai thác cạn kiệt nước ngầm... Kể từ khi áp dụng công nghệ mới như nuôi tôm thâm canh ít thay nước, sử dụng chế phẩm vi sinh, tái sử dụng nước, áp dụng công nghệ biofloc... diện tích nuôi tôm trên cát đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, giai đoạn 2010 - 2016, diện tích nuôi tôm trên cát tăng trưởng trung bình khoảng 7,5%, từ 2.381 ha lên 3.734 ha; Sản lượng tăng trưởng trung bình 5%, từ 30.844 tấn lên 41.705 tấn.

Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản cho biết: “Nuôi tôm trên cát góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất cát vùng ven biển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, nếu quản lý không tốt có thể phát sinh nhiều hệ lụy như: Hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật; Chưa có ao lắng, xử lý nước, bùn thải... dễ gây ô nhiễm môi trường; Việc sử dụng thuốc, hóa chất tùy tiện trong sản xuất, chất thải chưa được xử lý đã thải trực tiếp ra môi trường dễ gây tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh... Ngoài ra, việc phát triển không theo quy hoạch có thể làm ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ ven biển và nguồn nước ngầm ngọt tại các khu vực này”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, việc phát triển nuôi tôm trên cát hiện nay ở các tỉnh duyên hải miền Trung đều mang tính tự phát, chưa có quy hoạch tổng thể. Quy hoạch thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản cũng chưa được quan tâm nên thường xảy ra dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, nuôi tôm trên cát vùng duyên hải miền Trung bên cạnh những điều kiện thuận lợi cho phát triển thì còn tiềm ẩn nhiều thách thức như: Thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng vào mùa hè, lạnh và mưa phùn của các tỉnh duyên hải Bắc miền Trung; Tần suất lũ lụt, giông bão nhiều gây rủi ro cao cho người nuôi; Nguồn nước ngọt, mặn để pha trộn cho nuôi tôm hạn chế; Chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng cao, người dân nhỏ lẻ khó phát triển… Nhưng, thực tế đã cho chúng ta thấy, nếu làm tốt, đúng quy trình, đầu tư bài bản, nuôi tôm trên cát sẽ cho năng suất, hiệu quả cao.

Môi trường là số một

Theo ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, từ đầu năm 2017, môi trường biển đã an toàn, hoạt động nuôi tôm trên cát tiếp tục duy trì, phát triển thành công. Hiện, Hà Tĩnh đã có hơn 407 ha đưa vào nuôi tôm trên cát, sản lượng trên 2.000 tấn (năm 2016). Nhiều mô hình nuôi tôm trên cát đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao như: Công ty TNHH Sao Đại Dương đạt 30 tấn/ha/vụ; Công ty TNHH Grobest Vietnam đạt 20 - 25 tấn/ha/vụ; Một số hộ nuôi đạt 15 - 20 tấn/ha/vụ. Nhiều vùng đất cát bạc màu, hoang hóa nay đã trở thành “đất vàng”, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng cho người nuôi tôm, đời sống người dân thay đổi từng ngày.

Tuy nhiên, việc tìm hướng đi để nghề nuôi tôm trên cát phát triển bền vững vẫn đang là bài toán cần lời giải. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo UBND các tỉnh cần rà soát lại diện tích đất cát có thể phát triển nuôi tôm, quy hoạch lại trên nguyên tắc không xâm phạm đất rừng, coi việc bảo vệ môi trường là nguyên tắc số 1; Vùng quy hoạch phải có điều kiện phát triển hạ tầng về điện, nước, giao thông...; Quy hoạch phát triển không xung đột với các ngành nghề khác; Quy hoạch tập trung, quy mô phù hợp với địa hình, quản lý, khả năng đầu tư, trình độ quản trị để đảm bảo phát triển bền vững. Cần quyết tâm làm bài bản, dành nguồn lực cho quy hoạch với sự tham gia của các bên liên quan. Song song với việc quy hoạch, các địa phương cần xây dựng đề án, dự án cụ thể, có bước đi thận trọng và kiểm soát chặt chẽ. Riêng 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế với diện tích tiềm năng lớn cần tập trung chỉ đạo sát sao cùng với tái cơ cấu, chuyển đổi cơ cấu sử dụng để phát triển nghề này.

Đối với các doanh nghiệp, cần tiếp tục tổ chức sản xuất tốt trên diện tích đang canh tác; Liên kết chặt chẽ với nhau để giải quyết các vấn đề trong chuỗi sản xuất ngành tôm và quan trọng là liên kết chặt chẽ với nông dân, xem đây là nhiệm vụ và nét văn hóa của doanh nghiệp để tạo sự bền vững và chia sẻ quyền lợi trong chuỗi sản xuất.

Tổng cục Thủy sản sớm tổng kết các mô hình nuôi phù hợp quy mô, khu vực địa lý, các ứng dụng khoa học kỹ thuật để phổ biến, hướng dẫn cho người nuôi. Đề xuất các đề tài khoa học để giải quyết các vấn đề. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp nghiên cứu các khâu trong chuỗi sản xuất tôm như: giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, quy trình xử lý nước....

>> “Vùng Duyên hải miền Trung được thiên nhiên ban tặng tài nguyên quý giá để phát triển nghề nuôi tôm trên cát, tuy nhiên thực tế còn thấp so với tiềm năng. Các cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân cần phải đồng lòng giải quyết những vướng mắc để ngành tôm trở thành một ngành công nghiệp, đóng góp vào sự phát trển kinh tế - xã hội của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.


Có thể bạn quan tâm

quang-ninh-nhieu-giai-phap-phat-trien-thuy-san Quảng Ninh: Nhiều giải pháp… tran-thi-hai-binh-nha-khoa-hoc-nu-voi-nhieu-nghien-cuu-huu-ich Trần Thị Hải Bình: Nhà…