Mô hình kinh tế Sẽ ban hành quy hoạch ngành hàng mắc ca vào cuối năm nay

Sẽ ban hành quy hoạch ngành hàng mắc ca vào cuối năm nay

Ngày đăng 05/06/2015

Tại hội thảo định hướng phát triển cây mắcca tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết quy hoạch ngành hàng khác với quy hoạch trồng cây mắcca.

Quy hoạch ngành hàng phải đạt được mục đích cuối cùng là hiệu quả cao nhất và muốn quy hoạch ngành hàng mắcca bền vững, ngoài những điều kiện sinh học về thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu thì quan trọng hơn là phải thấy được khả năng thị trường. Từ đó có giải pháp đồng bộ từ chế biến, bảo quản đến liên kết, hướng dẫn cho bà con. Bên cạnh, quy hoạch phải tính toán, nghiên cứu kỹ nếu không sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nông dân trồng cây mắcca.

“Làm sao phát triển mắcca không gặp phải tình trạng như một vài cây trồng khác là 'được mùa, mất giá'. Vì nếu để xảy ra như vậy, đối với một cây trồng dài ngày, điều kiện bảo quản, chế biến khó khăn hơn rất nhiều so với những cây trồng khác, sẽ tạo ra hệ lụy rất lớn và lâu dài,” Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, trước mắt, Bộ đã có đánh giá bước đầu trên cơ sở quản lý và kiểm soát được giống có chất lượng, giống có nguồn gốc đúng quy định của pháp luật. Đến năm 2020, lượng giống đó chỉ đủ cho Việt Nam trồng 10.000ha. Muốn phát triển sản xuất, phải gắn với điều kiện chế biến, bảo quản, đảm bảo chất lượng mắcca được tiêu thụ trên thị trường thế giới.

Ông Hà Công Tuấn cũng khuyến cáo, không thể thu hoạch, phơi, dự trữ mắcca như hạt càphê vì làm như vậy sẽ làm hỏng chất lượng hạt mắcca. Từ khi hạt mắcca rụng xuống, trong 24 giờ phải chế biến tách vỏ, sau khi tách ba giờ phải được đưa vào sấy và sấy trong nhiều ngày. Sau đó việc bảo quản phải đảm bảo trong kho có nhiệt độ không quá 16 độ C, giữ độ ẩm hạt không quá 10%. Nếu không thu hoạch, bảo quản mắcca tốt, doanh nghiệp cũng không thu mua.

Do đó, những điều kiện trong cả chuỗi sản xuất đòi hỏi phải đi liền với nhau từ nông dân đến doanh nghiệp. Nếu chỉ trồng, cây trồng có thể vẫn có quả nhưng Việt Nam rất dễ gặp phải bài học của Nam Phi (có sản lượng tương đương với Australia nhưng thu nhập lại chỉ bằng một nửa do không làm tốt việc thu hoạch, bảo quản, chế biến).

Tại hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội mắcca Australia Jolyon Burnett cho biết, trong năm năm tới nguồn cung mắcca sẽ tăng rất nhanh khi Nam Phi sẽ nhân đôi sản lượng (đạt 80.000 tấn), Trung Quốc sẽ sản xuất được 50.000 tấn, Australia dự kiến 55.000 tấn và có thể Việt Nam sẽ đạt được sản lượng khoảng 10.000 tấn. Như vậy, ngoài vấn đề về giá, phát triển thị trường sẽ là trở lên rất quan trọng với các nước sản xuất mắcca.

Các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị xung quanh các giải pháp về thị trường, kỹ thuật, công tác quy hoạch nhằm tránh tình trạng được mùa, mất giá, gây thiệt hại cho sản xuất cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân trồng loại cây này.


Có thể bạn quan tâm

nang-nong-cua-dong-tang-gia-van-dat-khach Nắng nóng, cua đồng tăng… tim-dau-ra-cho-oi-le-dai-loan Tìm đầu ra cho ổi…