Sức ép từ nông sản Thái Lan: Làm gì để bảo vệ mình?
“Cơn lốc” hàng Thái tràn về Việt Nam không chỉ dừng lại ở các mặt hàng tiêu dùng mà còn lấn sân sang lĩnh vực nông sản - ngành hàng mà Việt Nam đang có thế mạnh. Câu hỏi đặt ra là, vì sao cùng một chủng loại, thậm chí cùng chất lượng, nông sản Thái Lan vẫn được ưa chuộng hơn? Và nhà nông, nhà vườn, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để dành lại thị phần trên chính “sân nhà”?
Gạo Thái Lan đang lấn át gạo Việt ngay trên “sân nhà”.
Vì sao hàng Thái Lan được ưa chuộng?
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, nhập siêu (NS) cả nước trong 8 tháng năm 2017 khoảng 2,13 tỷ USD, bằng 1,6% kim ngạch xuất khẩu (XK). Là đối tác lớn nhất của Việt Nam tại khu vực ASEAN, nhiều năm nay, nước ta liên tiếp nhập siêu từ Thái Lan. Theo Bộ Công Thương, trong tám tháng đầu năm, Việt Nam XK sang Thái Lan 3,06 tỷ USD và NK 6,5 tỷ USD; nhập siêu khoảng 3,4 tỷ USD. Hiện, Thái Lan chính thức vượt Nhật Bản, trở thành thị trường NK lớn thứ tư của nước ta, chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch NK. Bên cạnh nhiều mặt hàng có giá trị cao như đồ điện gia dụng, ô tô và phụ tùng ô tô, xăng dầu, hóa chất và sản phẩm hóa chất,… chúng ta còn nhập một lượng lớn rau quả từ Thái Lan (chiếm đến hơn 60% tổng lượng rau quả NK cả nước), trong đó rất nhiều sản phẩm trong nước sản xuất được.
“So với rau quả Việt Nam, rau quả Thái Lan có chất lượng tốt hơn và giá cả rất cạnh tranh. Chưa kể, rau quả Thái Lan nói riêng và hàng hóa Thái Lan còn được hậu thuẫn bởi hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại của các “đại gia” Thái Lan như Big C, MM Mega Market (thương hiệu mới của Metro)… Ngoài ra, doanh nghiệp (DN) Thái Lan triển khai nhiều chương trình hội chợ, tiếp thị hàng Thái Lan về sâu các khu chợ truyền thống nên rau quả Thái Lan hiện có mặt ở hầu hết các khu chợ gần các khu dân cư của Việt Nam”, ông Lê Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến rau quả Thái Lan NK tăng mạnh vào thị trường Việt Nam. Thứ nhất là hoa quả Thái Lan có nhiều chủng loại giống Việt Nam như: xoài, nhãn, chôm chôm, măng cụt... Trong khi đó, nền nông nghiệp Thái Lan tiến bộ, sản xuất chuyên canh lớn nên năng suất, chất lượng cao, hình thức đồng đều hơn các sản phẩm của nước ta. Cùng với đó, từ năm 2015, Việt Nam đã xóa bỏ gần như 100% thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu thông thường từ Thái Lan nên hoa quả, bánh kẹo Thái được hưởng lợi từ chính sách này.
Theo Tổng cục Hải quan, nhóm hàng rau quả Thái Lan xuất sang Việt Nam lên đến 517 triệu đô la Mỹ, tăng hơn gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Thái Lan vượt Trung Quốc, vươn lên vị trí dẫn đầu về giá trị xuất khẩu trái cây vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, kênh phân phối là các đại siêu thị, giúp thúc đẩy hoa quả Thái vào Việt Nam nhanh hơn, nhiều hơn. Ngoài ra, các DN Thái Lan cũng đẩy mạnh đưa hàng rau quả Thái Lan qua các kênh phân phối vào các cửa hàng chuyên doanh nên quá trình tiếp cận người tiêu dùng Việt thuận lợi hơn.
Ông Phú cũng cho rằng, hiện nhiều tiểu thương làm ăn không minh bạch như việc lấy hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt... cộng thêm với tâm lý sính ngoại nên dù giá cao còn chất lượng như nhiều người thừa nhận “không hơn hàng nội là mấy” nhưng những sản phẩm này vẫn hút khách. Chính vì thế mà nhiều hoa quả Việt phải “chào thua” trên sân nhà.
Cần giải pháp kép
Trước thực trạng trên, ThS. Nguyễn Thị Hiền, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định, để tăng cường cạnh tranh cũng như tiêu thụ nông sản Việt Nam cần nhiều giải pháp tăng năng suất như xây dựng các tiêu chuẩn về nông nghiệp chất lượng, an toàn; doanh nghiệp phải thiết lập hệ thống quy tắc đạo đức kinh doanh, quy định trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần thúc đẩy hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy liên kết đầu tư, kinh doanh và tận dụng các cơ hội khác...
Đặc biệt, bà Hiền cũng cho rằng, để lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng, cần áp dụng và phổ biến rộng rãi những ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu sản suất và quản lý nông sản. “Ví dụ như bằng các thiết bị cảm biến không dây, camera giám sát,… toàn bộ quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng sẽ được nông dân ghi lại tạo thành một nguồn dữ liệu. Mọi thông tin giữa doanh nghiệp và người sản xuất luôn được truyền tải chính xác và kịp thời, hiệu quả cao. Trên cơ sở đó phát triển công nghệ truy xuất nguồn gốc ghi nhận lịch sử quá trình trồng trọt và thu hoạch như: giống, ngày trồng, ngày tưới, ngày phun thuốc trừ sâu, liều lượng thuốc…”, bà Hiền nói.
Đồng thời, mặc dù chúng ta không thực thi chế độ bảo hộ, song để bảo vệ hàng hóa trong nước, trong đó có hàng nông sản, bên cạnh việc nâng cao chất lượng nông sản Việt như các chuyên gia đề cập, điều quan trọng là các cơ quan chuyên môn cũng cần phải xây dựng hàng rào kỹ thuật (tiêu chí, tiêu chuẩn… nông sản nhập vào Việt Nam) theo đúng phụ lục của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cũng theo các chuyên gia, kể từ khi gia nhập WTO chúng ta rất hiếm xây dựng hàng rào kỹ thuật cho hàng hóa nước ngoài, trong khi hàng hóa Việt Nam thì bị các quốc gia khác xây dựng hàng rào kỹ thuật rất nhiều.
Về xu hướng thương mại của nước ta và Thái Lan trong thời gian tới, ông Phương nhận định, theo lộ trình thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và những cam kết giảm thuế của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là rau quả NK từ Thái Lan được hưởng lợi lớn sẽ tiếp tục gây áp lực lên NK trong thời gian tới. Chưa kể, trong thời gian ngắn, không thể hạn chế NK rau quả từ quốc gia này ngay lập tức, bởi hàng hóa trong nước chưa đủ sức cạnh tranh. Do đó, dự kiến năm 2017, nhập siêu từ Thái Lan có thể đạt từ 6 - 7 tỷ USD, cao hơn con số 5,2 tỷ USD của năm ngoái.
Ông Phương phân tích thêm: “Trong thương mại hiện đại, việc NK rau quả là chuyện bình thường, có xuất thì có nhập. Nhưng sẽ là không bình thường nếu NK nhiều mặt hàng trong nước hoàn toàn sản xuất được và đây là điều cơ quan quản lý phải quan tâm”.
Theo đó, không thể dùng biện pháp hạn chế NK bằng cách cấm mà phải quản lý chặt chẽ chất lượng rau quả NK, kiên quyết không NK các mặt hàng chất lượng kém mà trong nước đã sản xuất được.
Đối với DN, do nguyên nhân chính là sức cạnh tranh hàng hóa còn yếu, giải pháp duy nhất để giảm nhập siêu từ Thái Lan chính là phải làm sao nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa XK cả về chất lượng và giá cả. Riêng rau quả, phải sản xuất theo hướng sạch, an toàn. Ngoài ra, thay đổi chiến lược xúc tiến thương mại để hàng hóa Việt được thị trường Thái Lan biết đến nhiều hơn, từ đó gia tăng XK, giảm áp lực nhập siêu.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ