Mô hình kinh tế Tận diệt tôm, cá

Tận diệt tôm, cá

Ngày đăng 04/09/2015

Ba giờ ngày 31-8, đến khu vực đánh bắt của mình ở đầm Thủy Triều, chị Vân (ngụ xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) chầm chậm kéo hơn 300m lờ lên ghe; bên trong là cá, tôm, cua, ghẹ nhỏ bằng đầu đũa đến lớn bằng 3 ngón tay người lớn.

Thủy sản giảm mạnh

Chị Vân cho biết lờ được thả từ 17 giờ đến gần sáng hôm sau thì thu hoạch. Cách đây khoảng chục năm trước, nghề thả lờ đem lại thu nhập rất ổn định. Mỗi lần thả lờ thu cả chục ký tôm, ghẹ, cá. “Bây giờ, lờ dây giăng trải chi chít khắp đầm, gia đình cố gắng lắm cũng chỉ được 2 - 3kg thủy sản” - chị Vân nói.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, đầm Thủy Triều có diện tích hơn 2.500 ha, trải dài trên địa phận 5 xã, thị trấn của huyện Cam Lâm. Đây là quần thể đầm phá đặc trưng của hệ sinh thái vùng đất ngập nước; vùng nuôi các loài tôm, cá, cua tạo quần đàn cho các khu vực lân cận. Hiện khu vực đầm Thủy Triều có khoảng 200 tàu thuyền thường xuyên sử dụng lờ dây đánh bắt thủy sản, tập trung đông nhất tại xã Cam Hải Đông và thị trấn Cam Đức. Điều này đã góp phần làm suy kiệt nguồn lợi tự nhiên ở đây.

Tình trạng này còn xảy ra ở đầm Nha Phu (trên địa bàn 5 xã thuộc thị xã Ninh Hòa và 1 xã thuộc TP Nha Trang). Một nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang cho thấy cá của đầm này đã giảm hơn 50%, thân mềm giảm 60%, giáp xác giảm 90% (số liệu so sánh 2007 - 2012).

Một số loài thân mềm không còn thấy xuất hiện như: mực nang, mực lá, sò huyết, ốc sút… Viện Hải dương học Nha Trang chỉ ra rằng việc phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, sử dụng nhiều loại công cụ mang tính tận diệt như: lờ dây, chích điện, thuốc độc, mìn… là nguyên nhân chính làm mất cân bằng sinh thái, mất nơi quần cư, sinh sản của sinh vật và giảm chức năng lưu giữ trầm tích từ đất liền.

Chưa đủ sức răn đe

Để ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản tận diệt này, năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quy định nghiêm ngặt về đánh bắt thủy hải sản ven bờ, như: tàu có tổng công suất máy chính từ 20 CV đến dưới 90 CV không được khai thác; cấm tất cả các nghề lưới kéo (giã cào, cào sò); cấm đặt bẫy, nhử, khai thác tôm hùm giống; cấm các nghề đăng, đáy hoạt động; cấm nghề lờ dây khai thác tại các đầm Nha Phu, Thủy Triều, vịnh Vân Phong...

Theo ông Lê Văn Dũng, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, tại đầm Nha Phu, hàng chục ghe thuyền chuyên hành nghề cào sò, giã cào thường xuyên hoạt động. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý rất khó khăn vì khi thấy lực lượng chức năng, người vi phạm liền bỏ chạy, vứt luôn ngư lưới cụ.

Lực lượng chức năng đã tiêu hủy ngư lưới cụ của 9 trường hợp vi phạm, tuy nhiên mức phạt từ 1 - 2 triệu đồng là chưa đủ sức răn đe. Còn ở đầm Thủy Triều, năm 2014, lực lượng chức năng đã xử lý 14 vụ vi phạm, xử phạt tổng số tiền 15 triệu đồng. “Thực tế, đa số ngư dân vi phạm đều khó khăn, nhiều trường hợp thuộc hộ nghèo nên chủ yếu vẫn tuyên truyền là chính” - ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Trí Tuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, cho biết đã kiến nghị cơ quan chức năng cấp tỉnh nghiên cứu, đưa ra chế tài có tính răn đe hơn nữa nhằm giải quyết dứt điểm việc sử dụng ngư cụ bị cấm đánh bắt trái phép.

Thả hơn 1 triệu con giống/năm

Ông Nguyễn Văn Đẩu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nguồn lợi thủy sản, cho biết hằng năm, đơn vị thường xuyên vận động các các doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản thả hơn 1 triệu con giống hải sản xuống các vịnh, đầm trên địa bàn.


Có thể bạn quan tâm

danh-bat-thủy-sản-bang-lo-day-tren-dam-thuy-trieu-chua-xu-ly-dut-diem Đánh bắt thủy sản bằng… tom-da-tha-nuoi-tang-9-23-so-cung-ky Tôm đã thả nuôi tăng…