Mô hình kinh tế Tăng nguồn thức ăn cho bò với mô hình rơm ủ Urê

Tăng nguồn thức ăn cho bò với mô hình rơm ủ Urê

Ngày đăng 10/08/2015

Trong khi đàn bò liên tục tăng đàn thì ở một số nông hộ các diện tích trồng có rất ít hoặc không có. Do đó, bắt đầu tháng 04/2015, từ nguồn kinh phí dự án phát triển chăn nuôi bò sữa của tỉnh, Ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện 20 mô hình ủ rơm với urê tại các huyện Trần Đề, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên… giúp người chăn nuôi đa dạng hóa nguồn thức ăn cho bò.

Trong khẩu phần ăn cho bò, đặc biệt là bò sữa, thức ăn thô chiếm số lượng nhiều nhất, trong khi thức ăn thô xanh như các loại cỏ tươi được bò ăn nhiều hơn, thì số thức ăn thô khô như rơm, cỏ khô… lại không được bò ăn nhiều và có giá trị dinh dưỡng rất thấp, đặc biệt là hàm lượng protein. Để nâng cao giá trị dinh dưỡng của rơm, một trong những giải pháp tốt nhất là ủ rơm với urê. Đây là phương pháp dựa trên nguyên tắc ủ yếm khí, với thành phần tương ứng 100 kg rơm, ủ với 4 kg urê và 80 – 100 lít nước, trộn đều và nén chặt. Rơm ủ urê có tỉ lệ tiêu hóa và các thành phần dinh dưỡng cao hơn hẳn so với rơm không ủ, nên khi bò ăn sẽ cho năng suất sữa cao hơn ,ông Võ Hoàng Kha – cán bộ phòng chăn nuôi – Sở NN và PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Rơm là phụ phẩm rất có lợi ích trong chăn nuôi, nhất là với những gia súc nhai lại vì rơm cung cấp cho vật nuôi chất xơ thô, nhưng thành phần dinh dưỡng thấp nên chúng ta phải kết hợp rơm với U rê để tăng hàm lượng dinh dưỡng cho vật nuôi.”

Về lợi ích của cách làm này, ông Dương Phú Cường ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú cho biết: “Tôi thấy quy trình ủ cũng dễ làm, cán bộ kỹ thuật tới tận nhà hướng dẫn 1 lần là tôi đã làm được. Theo tôi đây là mô hình rất có lợi cho người chăn nuôi trâu, bò khi nguồn thức ăn chính của vật nuôi bị khan hiếm và góp phần hạn chế được tình trạng đốt đồng, đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.”

Từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng tiếp tục triển khai hướng dẫn nông dân phương pháp ủ chua cỏ tươi dư thừa hoặc các phụ phẩm nông nghiệp vào mùa thu hoạch không sử dụng kịp, để dự trữ lại và sử dụng từ từ. Đây cũng là cách tiết kiệm tối đa lượng thức ăn, giúp nhà nông chủ động được nguồn thức ăn cho gia súc khi có ý định tăng đàn, góp phần cùng tỉnh nhà thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi một cách bền vững trong 5 năm tới.


Có thể bạn quan tâm

tim-giai-phap-go-kho-cho-nganh-sua Tìm giải pháp gỡ khó… ninh-thuan-quy-hoach-dong-co-phuc-vu-chan-nuoi-ben-vung Ninh Thuận quy hoạch đồng…