Tạo lập chiến lược cho ngành lúa gạo
Nhập khẩu 35 triệu USD giống lúa lai mỗi năm
TS Tạ Việt Dũng – Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KHCN) cho biết, việc xây dựng bản đồ công nghệ nhằm xác định được tình trạng công nghệ của Việt Nam gắn liền với thị trường lúa gạo. Bản đồ chỉ ra Việt Nam đang sở hữu công nghệ nào, năng lực ra sao, khả năng phát triển như thế nào.
GS Trần Duy Quý cho rằng: “Bản đồ công nghệ trong chọn tạo giống lúa giúp cho cơ quan chức năng, doanh nghiệp lập ra chiến lược phát triển cho mình. Ví dụ, ở cấp quốc gia phải tạo được các giống lúa có chất lượng xuất khẩu mang lại giá trị 600 – 800 USD/tấn. Các doanh nghiệp phải đưa ra chương trình phù hợp với năng lực của mình”.
Theo Bản đồ công nghệ trong ngành sản xuất lúa gạo và chọn tạo giống lúa mới được cung cấp, dù Việt Nam ở trong top 3 các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng lại chưa có giống lúa gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt. Đánh giá của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia cho thấy hiện Việt Nam sử dụng nhiều giống lúa nhưng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận thấp và thiếu giống chất lượng để sản xuất gạo loại 1-2-3. Cụ thể, giống lúa mới được tạo ra nhiều, nhưng trụ lại trong sản xuất ít, khó kiểm soát được chất lượng giống lúa trong sản xuất. Phần lớn giống có nguồn gốc nhập nội và thuần hóa thành giống của Việt Nam nên hạn chế trong việc xuất khẩu có thương hiệu. Đồng thời, tỷ trọng xuất khẩu các giống lúa chất lượng cao còn thấp, chưa có giống lúa xuất khẩu mang thương hiệu Việt. Bộ NNPTNT cũng cho biết hiện nay Việt Nam đáp ứng được 100% nhu cầu giống lúa thuần nhưng khả năng đáp ứng giống lúa lai chỉ là 35%. Còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn độ với giá trị nhập khẩu gần 35 triệu USD/năm.
GS-TSKH Trần Duy Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á – Thái Bình Dương cho hay: “Hiện chúng ta tổ chức sản xuất và liên kết chuỗi còn yếu, thiếu tiêu chuẩn gạo phù hợp với thị trường thế giới và chưa có thương hiệu gạo quốc gia”.
50% gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam...
Mục tiêu phát triển ngành lúa gạo Việt Nam được đặt ra trong bản đồ công nghệ ngành sản xuất lúa gạo là đến 2030 phải tăng cường sử dụng giống lúa thơm hạt dài, giống đặc sản bản địa; giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch dưới 6%. Đồng thời, 50% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam; 30% lượng gạo xuất khẩu thuộc nhóm gạo thơm và đặc sản.
Để đạt mục tiêu đó, cần xây dựng bản đồ sinh thái giống lúa theo vùng; lai tạo giống lúa thơm hạt dài và cải tiến các giống đặc sản bản địa đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm xây dựng thương hiệu Gạo Việt Nam đến 2030 có 10 giống cấp 1-2-3. Các nhà khoa học cũng đề nghị cơ quan nhà nước cần ưu tiên cải tạo các giống bản địa tăng năng suất, kháng sâu bệnh, tạo ra các giống thương hiệu Việt Nam...
Ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KHCN:
“Bản đồ công nghệ trong ngành sản xuất lúa gạo là sự thành công của kết quả nghiên cứu trong nhiều năm. Nhờ đổi mới công nghệ, việc sản xuất lúa gạo tăng trưởng 35%, đây là vấn đề rất có ý nghĩa. Những nước khác trên thế giới họ có cơ sở dữ liệu rất đáng tin cậy cũng mất vài chục năm. Bản đồ công nghệ được công bố cho thấy chúng ta đang dùng công nghệ gì và trình độ như thế nào trong chuỗi sản xuất lúa gạo. Từ đó định hướng nghiên cứu trong tương lai, tập trung nguồn lực một cách đúng đắn nhất”.
GS-TS Nguyễn Thị Lang - Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long:
“Chúng tôi đã nghiên cứu tạo thành công 7 giống lúa có khả năng chống chịu hạn, mặn phù hợp với canh tác ở ĐBSCL. Trong đó có những giống có khả năng cùng lúc chống chịu hạn, mặn và bệnh rầy nâu. Các giống nghiên cứu thử nghiệm có khả năng chống chịu môi trường hạn trong 2 – 3 tuần, mặn từ 4/1.000 trở xuống, chống chịu rầy nâu và bệnh đạo ôn cấp 3 – 5”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ