Mô hình kinh tế Thận Trọng Khi Xuất Bán Tôm Thương Phẩm

Thận Trọng Khi Xuất Bán Tôm Thương Phẩm

Ngày đăng 19/09/2014

Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có công văn số 2417/TCTS-NTTS về việc cảnh báo cơ sở nuôi tôm khi xuất bán tôm thương phẩm.

Theo đó, để kịp thời phát hiện và phòng ngừa các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng tôm nuôi cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản nuôi của Việt Nam, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển thực hiện: Tuyên truyền, phổ biến và khuyến khích người dân, DN thực hiện tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24-6-2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng đưa tạp chất vào tôm gây ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của tôm nuôi Việt Nam.

Khuyến cáo người nuôi tôm thận trọng với các thương lái khi mời chào với giá cao, không yêu cầu kiểm soát chất lượng và kích cỡ tôm thu hoạch. Người nuôi tôm nên tìm hiểu về tư cách pháp nhân của thương lái thu mua thông qua các cơ quan chức năng. Nếu phát hiện các thương lái chưa được phép hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cần báo ngay cho cơ quan quản lý để kịp thời xử lý theo quy định.

Trước đó, ngày 26-8 và 10-9, Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã gửi 2 công văn số 181/2013/CV-VASEP và 193/2013/CV-VASEP tới Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Tổng cục Thủy sản phản ánh về việc thương lái tổ chức đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu tươi đưa sang Trung Quốc.

Theo các công văn trên của VASEP, trong những ngày gần đây, Hiệp hội liên tục nhận được nhiều phản ánh của các DN hội viên tại các tỉnh thành về tình hình thương lái thu mua tôm nguyên liệu sang Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Điều đáng nói, các thương lái này không mua với giá cố định nào mà họ mua với tinh thần giá cao hơn giá mà các DN Việt Nam trả, với bất kỳ giá nào miễn là cao hơn giá của các doanh nghiệp Việt Nam.

Các thương nhân này đang mua tập trung sang cả các loại tôm cỡ nhỏ và các thương nhân thường là người Việt Nam, chủ hàng không xuất hiện.

VASEP đánh giá, tình trạng trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến XK tôm Việt Nam, gây rối loạn thị trường tôm nguyên liệu... Đặc biệt, việc thu mua này khiến nguy cơ không kiểm soát được về chất lượng, đặc biệt là kháng sinh và tạp chất làm ảnh hưởng tiềm tàng đến hình ảnh tôm Việt Nam...

VASEP đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Tổng cục Thủy sản sớm có các biện pháp hữu hiệu để kịp thời tăng cường công tác quản lý thị trường tại các địa phương.


Có thể bạn quan tâm

doc-quyen-xuat-khau-gao Độc Quyền Xuất Khẩu Gạo? thuc-hien-nghi-dinh-67-2014-nhung-ngu-dan-don-dau-co-hoi Thực Hiện Nghị Định 67/2014…