Thực Trạng Liên Kết Sản Xuất Trong Ngành Hàng Cá Tra
Không có ngành, lĩnh vực nào phát triển “thần tốc” như ngành sản xuất cá tra. Nó đã từng giúp cho hàng ngàn nông dân trở nên giàu có, hàng trăm doanh nghiệp (DN) ăn nên làm ra, giúp ngành thủy sản cả nước luôn giữ tốc độ phát triển cao, trong khoảng 10 năm (2002- 2012).
Chỉ với diện tích nuôi thương phẩm khoảng 6.000ha, bằng 1% diện tích nuôi tôm, nhưng sản lượng nuôi đạt 1.300.000 tấn/năm, xuất khẩu đạt trên 1,8 tỷ USD/năm, thị trường xuất khẩu mở rộng đến 136 nước và vùng lãnh thổ.
Sự phát triển quá nhanh của ngành công nghiệp cá tra trong khi môi trường kinh doanh chưa phát triển tương xứng càng làm cho xung đột lợi ích giữa người nuôi và DN chế biến dễ bùng phát và đỉnh điểm cực kỳ khó khăn là từ đầu năm 2013 đến nay. Vì đâu nên nỗi khi 2 mắt xích chính trong “chuỗi” sản xuất này lại không đối xử với nhau như người “cùng hội cùng thuyền”?
Thực trạng liên kết sản xuất trong ngành hàng cá tra
Một trong những tồn tại lớn nhất hiện nay trong sản xuất và tiêu thụ cá tra là mối liên kết (LK) theo chuỗi giá trị, LK ngang giữa người nuôi với người nuôi, giữa DN với DN còn lỏng lẻo.
Trước những khó khăn đặt ra về tiêu thụ sản phẩm, Chính phủ đã có chủ trương tăng cường sự LK “4 nhà” (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông dân và nhà DN) bằng Quyết định 80/TTg ngày 24/6/2002, nhằm tạo mối LK mật thiết giúp nông dân tạo ra sản phẩm nông nghiệp bảo đảm cả chất và lượng, để phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đây là chủ trương đúng đắn để đưa nông dân hội nhập quốc tế và nâng sức cạnh tranh nông sản với các nước khi Việt Nam gia nhập WTO. Sự LK này là tất yếu mà các nước kinh tế phát triển đều đã đi qua và thành công. Các địa phương cũng có đầy đủ các chương trình và kế hoạch triển khai thực hiện chủ trương này nhưng hình như LK “4 nhà” quá khó nên thả nổi?
Kết quả khảo sát 4 tỉnh (An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long) nuôi cá tra trọng điểm ở ĐBSCL, các hình thức sản xuất này trong nuôi cá tra đã hình thành trong vài năm gần đây, phổ biến nhất là nông dân LK theo hình thức hợp tác xã (HTX) hoặc chi hội, được gọi là “LK ngang” và nông dân LK với các DN chế biến thủy sản hoặc sản xuất thức ăn cá tra, còn gọi là “LK dọc”.
Hình thức LK dọc đã hình thành từ năm 2004, người nuôi LK với các công ty chế biến xuất khẩu thủy sản hoặc công ty sản xuất thức ăn thủy sản theo hợp đồng được ký kết giữa hai bên. Ở hình thức LK này, nông dân được công ty đầu tư 100% thức ăn và khoán chi phí sản xuất khác cho nông hộ gồm: con giống, thuốc - hóa chất, lương công nhân, thuê ao, điện- dầu và các chi phí khác.
Trong đó, chi phí thức ăn được khoán cố định theo hệ số tiêu tốn thức ăn, tỷ lệ đạm và cung cấp theo nhu cầu của nông dân đã đăng ký sản lượng cá nuôi gia công. Nông dân phải chi trước các khoản chi phí (trừ thức ăn) và được thanh toán lại các khoản chi phí này sau khi thu hoạch.
Theo kết quả trên thì giá cá bán ở hình thức LK dọc cao hơn so với hình thức riêng lẻ và LK ngang. Hình thức LK dọc thể hiện nhiều ưu điểm như: thức ăn được cung cấp cho cá trong quá trình nuôi, giảm chi phí đầu tư của nông hộ và đầu ra sản phẩm được bao tiêu. Nhìn chung, đây là hình thức LK có ít rủi ro và giúp nông dân ổn định sản xuất ở ĐBSCL.
Thế nhưng, khi có biến động thị trường, DN chế biến thường trách nông dân không tôn trọng hợp đồng, sẵn sàng “bẻ kèo” khi giá cả diễn biến có lợi cho họ, còn người nuôi luôn cho rằng các DN ép giá nhằm “tối đa hóa lợi nhuận”! Trong thời gian dài đã qua, người nuôi cá và DN chế biến vẫn là 2 “đối thủ” chứ chưa là đối tác của nhau.
Khi cá tra có giá cao, khan hiếm hàng thì người nuôi cá tra nguyên liệu có hàng hóa ngoảnh mặt với nhà máy thu mua. Ngược lại, khi cá tra rớt giá, cung vượt cầu, DN lại “làm ngơ” với người nuôi cá theo kiểu “kiến ăn cá, cá ăn kiến”.
Quá trình thực hiện hợp đồng sản xuất và tiêu thụ cá tra còn nhiều bất cập do Quyết định 80/QĐ-TTg với các điều khoản văn bản chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích, động viên chung chung, thiếu cơ sở pháp lý ràng buộc trách nhiệm dân sự hoặc hình sự giữa các bên tham gia ký kết hợp đồng, dễ dẫn đến tranh chấp khi có biến động thị trường và người trực tiếp sản xuất bao giờ cũng gặp rủi ro cao nhất. Chung quy cũng vì lợi nhuận riêng nên các DN và người nuôi cá chưa gắn bó với nhau được.
Rõ ràng mối LK lỏng lẻo giữa người nuôi- DN càng bị tổn thương mỗi khi xảy ra sự cố, họ sẵn sàng đổ tội cho nhau. Vấn đề xung đột lợi ích giữa người sản xuất- DN không phải mới và không chỉ có ở ngành nông nghiệp, nhưng đặc biệt ngành hàng cá tra thì gay gắt hơn, thiệt hại nặng nề hơn mỗi khi có biến động thị trường.
Rõ là với cách làm như ta lâu nay thì nông dân là người dễ bị tổn thương nhất: chịu khổ trước, khổ nhiều nhất và viễn cảnh sẽ là người sướng sau cùng xem ra chưa biết đến bao giờ! Thế mới thấm thía đòi hỏi cái “tâm” của DN cá tra sao mà “xa xỉ”, và cái “tầm” của các thành phần trong chuỗi LK ngành hàng cần xiết bao!
Thế nhưng đằng sau “ánh hào quang” lại luôn ẩn chứa nỗi lo thua lỗ và nỗi buồn rớt giá của những người trực tiếp làm nên “ánh hào quang” ấy! Cũng chính sự “thần kỳ” ấy đã và đang tạo ra nhiều hệ lụy như: trong khi sản lượng tăng không dưới 2 con số/năm thì giá xuất khẩu cá tra lại đi theo chiều ngược lại, từ 3,76 USD/kg vào năm 2000 rớt dần xuống còn 2,2 USD/kg năm 2012; tỷ trọng giá trị gia tăng quá thấp, chưa đầy 1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra; sản lượng nuôi bắt đầu giảm…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ