Tin thủy sản Tháo gỡ thách thức trong nuôi biển

Tháo gỡ thách thức trong nuôi biển

Tác giả TS Ngô Văn Mạnh - Viện NTTS, Trường ĐH Nha Trang, ngày đăng 23/10/2020

Nuôi biển được coi là tương lai của ngành thủy sản, nhằm giảm tối đa cường lực khai thác, giúp bảo vệ nguồn lợi. Tuy nhiên, để phát triển bền vững nghề này, cần một chiến lược bài bản và quan trọng nhất là tháo gỡ những thách thức. 

Tiềm năng lớn

Nghề nuôi cá biển bắt đầu phát triển vào những năm đầu 1990 ở các tỉnh Nam Trung bộ, chủ yếu là hình thức nuôi lồng quy mô nhỏ. Đến nay, nghề nuôi cá biển phát triển rộng khắp các tỉnh ven biển cả nước và từng bước theo hướng sản xuất hàng hóa ở quy mô công nghiệp. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi ao, lồng quy mô nhỏ và một số doanh nghiệp nuôi bằng HDPE trong các vùng cửa sống, đầm, eo, vịnh kín gió ven biển.

Các đối tượng cá biển được nuôi chủ yếu hiện nay như: chẽm, cá chim vây vàng, cá song (cá mú), cá giò (cá bớp), cá hồng Mỹ, cá đối mục, cá dìa, bè vẫu, khế vằn…; trong đó, cá chẽm, cá chim vây vàng, cá hồng Mỹ, cá song, cá giò được nuôi phố biến nhất. Các tỉnh nuôi nhiều là Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc trăng và Kiên Giang. Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản năm 2020, cả nước có khoảng 70.000 ha và 7.447 cơ sở nuôi biển với tổng số 248.838 lồng. Trong đó, cá biển nuôi với diện tích 5.166 ha và 1,1 triệu m3 lồng nuôi, tổng sản lượng ước đạt 45.000 tấn.

Đến nay, nước ta đã chủ động sản xuất giống nhân tạo được nhiều loài cá biển. Tuy nhiên, sản xuất giống cá biển đòi hỏi quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, mức đầu tư cao nên số lượng cơ sở sản xuất con giống còn hạn chế, phần lớn hoạt động ở quy mô nhỏ. Năm 2019, ước tính cả nước có trên 100 cơ sở chuyên sản xuất giống cá biển với công suất từ 1 – 7 triệu con giống/năm và hàng trăm cơ sở chuyển đổi công năng từ sản xuất tôm giống, nhuyễn thể sang sản xuất giống cá biển, cùng nhiều cơ sở dịch vụ cung cấp giống nhập khẩu. Các địa phương sản xuất giống cá biển chủ yếu như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó Khánh Hòa dẫn đầu cả nước về sản lượng và số lượng. Đối tượng chủ yếu là cá chẽm, cá chim vây vàng, cá song, cá giò và cá hồng Mỹ, ước đạt trên dưới 400 triệu con đủ phục vụ cho nhu cầu nuôi trong nước; trong đó, cá chẽm trên 300 triệu giống, cá chim vây vàng khoảng 20 – 25 triệu giống, cá hồng Mỹ và cá song mỗi loài đạt 10 – 15 triệu giống, cá giò khoảng 2 – 3 triệu giống, cá khế vằn, cá bè vẫu khoảng 3 – 4 triệu giống và các loài cá biển khác với số lượng không đáng kể.

Thức ăn phục vụ nuôi cá biển chủ yếu là thức ăn công nghiệp và một phần là cá tạp. Các loài nuôi chủ yếu bằng thức ăn công nghiệp là cá chẽm, cá chim vây vàng, cá hồng Mỹ, cá bè vẫu, cá khế vằn, trong khi cá giò và cá song chủ yếu được nuôi bằng cá tạp. Hiện nay, trong nước có nhiều công ty sản xuất thức ăn cho nuôi cá biển như: Uni-President, Thăng Long, C.P, Skretting, DeHeus, CJ Vina Agri…

Nhiều rào cản

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng nghề nuôi biển nước ta hiện vẫn được đánh giá là phát triển mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, chủ yếu nuôi kiểu lồng truyền thống, mật độ lồng bè nuôi tập trung ở vùng cửa sông, đầm, eo, vịnh ven bờ; điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, chất lượng sản phẩm thấp, không đảm bảo tính bền vững.

Việc sản xuất giống các đối tượng cá biển nhiều hạn chế, các trại giống thường hoạt động ở quy mô nhỏ, cở sở vật chất và công nghệ lạc hậu, chất lượng con giống không ổn định, nhiều đàn giống có nguy cơ cận huyết, số lượng giống sản xuất thiếu tập trung cũng ảnh hưởng tới phát triển nuôi thương phẩm ở quy mô công nghiệp.

Cùng đó, là bất lợi về thời tiết khi vùng biển nước ta hàng năm thường xuyên chịu ảnh hưởng bão gió, áp thấp nhiệt đới với tần suất cao; vùng biển phía Bắc chịu tác động của mùa đông lạnh kéo dài.

Sản lượng cá biển sản xuất ra chủ yếu tiêu thụ nội địa, một phần để xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường các nước khu vực Đông Nam Á, Trung Đông và Trung Quốc. Do sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định, thiếu tính liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ, cũng như khả năng dự báo thị trường nên giá thành sản xuất cao, khó tiếp cận các thị trường lớn; giá cả không ổn định, thường rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”…

Chiến lược vươn khơi

Hiện nay, chất lượng cá giống sản xuất trong nước rất khó đáp ứng nhu cầu cho các trang trại nuôi thương phẩm quy mô lớn bằng lồng tròn HDPE. Do vậy, song song với việc xây dựng mô hình sản xuất giống từng loài cá biển để chuyển giao cho các địa phương, thì việc từng bước phát triển hệ thống trại giống quy mô lớn, công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng đủ nhu cầu giống cho nuôi ở quy mô công nghiệp. Việc đưa cá giống kích thước nhỏ ra ngoài biển nuôi dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao, mức độ phân đàn khi nuôi lớn ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng cá thương phẩm, chu kỳ nuôi dài nên nguy cơ rủi ro cao hơn. Do vậy, cần phát triển xây dựng mô hình ương cá giống lên cỡ lớn hơn với số lượng có thể cung cấp đủ cho các trang trại nuôi công nghiệp. Hiện nay, các mô hình ương trong mương nổi, hệ thống tuần hoàn nước… có thể đáp ứng các yêu cầu này.

Việc phát triển nuôi tập trung ở vùng biển ven bờ và trong các eo vịnh với mật độ lồng, bè cao gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Theo đó, cần phát triển các mô hình nuôi trên vùng biển sâu và mở nhằm giảm sức ép về môi trường cho vùng gần bờ. Các kiểu lồng tròn nổi bằng vật liệu nhựa HDPE, lồng nổi bằng kết cấu thép, các loại lồng hình cầu chìm và bán chìm có khả năng chịu sóng gió, biến động thời tiết tốt có thể phù hợp.

Đối với hình thức nuôi lồng quy mô nhỏ vùng ven bờ hiện chiếm số lượng lớn với trình độ, kỹ thuật và đối tượng nuôi đa dạng, mật độ lồng bè dày nên sự cố về môi trường và dịch bệnh thường xuyên xảy ra gây thiệt hại lớn về kinh tế và môi trường; đồng thời chất lượng sản phẩm khi thu hoạch cũng không đồng đều, sản lượng thấp và thiếu tập trung nên rất khó để xuất khẩu. Vì vậy, cần xây dựng quy trình nuôi phù hợp với trình độ quản lý của người nuôi, đào tạo nâng cao trình độ công nhân, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng nhất góp phần phục vụ xuất khẩu.

Cùng đó, cần tạo sự liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ, cũng như khả năng dự báo thị trường, giảm giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh. Bên cạnh việc khai thác tốt thị trường nội địa và các thị trường đã có, cần tập trung mở rộng thị trường sang các nước phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là khâu chế biến nhằm tạo giá trị gia tăng trong xuất khẩu.

Trong Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, Tổng cục Thủy sản đã đề xuất với Bộ NN&PTNT lựa chọn một số dự án sản xuất các đối tượng nuôi biển như nhuyễn thể, cá song, cá chim, cá giò, cá hồng Mỹ…

 


Có thể bạn quan tâm

cac-nguon-chat-beo-thay-the-dau-ca Các nguồn chất béo thay… quan-ly-long-nuoi-thuy-san Quản lý lồng nuôi thủy…