Tin thủy sản Theo đuổi tôm VietGAP

Theo đuổi tôm VietGAP

Tác giả Võ Văn Dũng, ngày đăng 15/05/2019

Nhìn cơ đồ trị giá hàng chục tỷ đồng, nhiều người mới lý giải được vì sao anh từ bỏ tiền đồ xán lạn để trở về quê.

Anh Đỗ Văn Hải là người tiên phong nuôi tôm VietGAP tại Hậu Lộc

Hành trình dẫn tới thành công của anh chứng minh một điều, những người giàu ý chí nghị lực và khát khao luôn được đền đáp xứng đáng.  

Ra đi để trở về

Giống như rất nhiều kỹ sư ngành nuôi trồng thủy sản, năm 2008, sau khi tốt nghiệp, anh Đỗ Văn Hải vào vùng sông nước đồng bằng Sông Cửu Long để lập nghiệp. Thời điểm đó, miền Tây sông nước là vùng đất đi đầu trong nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, với anh Hải và nhiều đồng nghiệp, đây chính là miền đất hứa, nơi có thể cho anh một công việc với mức thu nhập ổn định. Anh háo hức ra đi để rồi khi đã có cho mình một lưng vốn nhất định lại khát khao trở về quê hương lập nghiệp.

Bảy năm sau, nghe theo tiếng gọi của quê hương, anh Hải quay trở về vùng quê miền biển Hòa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) để bắt đầu bước lên những nấc thang mới.

“Lúc đó, với mức lương kỹ sư gần 20 triệu đồng/tháng cùng nhiều đãi ngộ khác, ai cũng khuyên tôi nên ở lại. Ai cũng nói, chỉ cần làm ra tiền thì xa quê chừng ấy chứ xa nữa cũng thấm tháp gì? Trở về đồng nghĩa với việc tôi bỏ mất nhiều cơ hội làm giàu, tự mình đóng kín cánh cửa tạo dựng sự nghiệp ở vùng đất hứa. Nhưng lòng đã quyết, tôi muốn vùng đất mặn mòi, quanh năm gió biển quê tôi cũng sẽ có một ngày xuất hiện những hồ tôm công nghệ cao. Quê tôi vẫn nghèo lắm! Nghèo cũng bởi, xưa nay, mỗi ha tôm nuôi quảng canh chỉ đem về cho người nuôi vài ba chục triệu đồng tiền lãi mỗi năm. Những năm mưa bão thì coi như người nuôi tôm trắng tay. Những cánh đồng lúa chỉ đủ ăn ngày 3 bữa” – anh Hải tâm sự.

Năm 2015, anh Hải xách va ly trở về quê với hành trang là những gì đã học hỏi được suốt 7 năm đi làm thuê. Anh tự tin mình sẽ khiến những cánh đồng nhiễm mặn quê mình “nhả vàng”.

Trở về quê, gió biển Hòa Lộc vẫn thốc vào những cánh đồng sản xuất muối lâu nay diêm dân bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Những cánh đồng xưa kia là vựa lúa nuôi sống bao nhiêu thế hệ người dân Hòa Lộc thì nay giống như những nàng thiếu nữ đang tuổi xuân thì nhưng thiếu sức sống. Vị mặn của biển đã ngấm sâu vào những cánh đồng lúa Hòa Lộc khiến cây lúa còi cọc, quắt queo. Người dân đã bao lần chuyển đổi cây trồng nhưng vẫn không đem lại hiệu quả.

Đứng trước những cánh đồng loang lổ vạt nắng lòng anh lại xót xa. Bao đêm gác tay qua trán, tính toán, anh quyết định đấu thầu 1 ha đồng muối bỏ hoang múc hồ nuôi tôm. Ở vùng đất này, từ nhiều năm trước đó người dân vùng biển Hòa Lộc đã nuôi tôm quảng canh rồi chuyển sang bán thâm canh tôm sú. Nhưng việc không đầu tư công nghệ, hạ tầng nuôi trồng yếu kém khiến năng suất nuôi thấp, hiệu quả kinh tế không đáng là bao. Bình quân, mỗi héc-ta tôm ở vùng đất này chỉ đem lại hơn nửa tấn tôm, tính ra lãi ròng chưa đến 40 triệu đồng/năm.

Nuôi tôm trong nhà bạt tại trại tôm anh Đỗ Văn Hải

Theo anh Hải, nuôi theo quy trình VietGAP năng suất tôm cao hơn nuôi thông thường 15 - 20%, chi phí đầu vào thấp hơn 10%; giá bán ngoài thị trường cao hơn 15 - 20%. Vì thế, giá trị kinh tế cũng cao hơn nhiều so với nuôi tôm thông thường. Năm 2018, với 10ha nuôi tôm thẻ chân trắng (3ha hồ lắng), trại tôm của anh Hải thu về trên 200 tấn tôm, lãi ròng trên 8 tỷ đồng. 1/2 sản lượng tôm tại trại nuôi phục vụ xuất khẩu, số còn lại được vận chuyển ra các chợ đầu mối tại Hải Phòng, Hà Nội và phục vụ các khu du lịch ở địa phương. Không chỉ làm giàu cho gia đình, trại tôm anh Hải tạo công ăn việc làm cho 25 lao động thường xuyên với mức thu nhập 7,5 - 9 triệu đồng/người/tháng.

Thế mà “cuộc cách mạng” của anh Hải thành công ngoài mong đợi. Với 1 ha, anh chia làm nhiều ô để dễ quản lý; đầu tư hệ thống quạt nước, trải bạt cho hồ và bờ nuôi để giảm thất thoát, dễ kiểm soát dịch bệnh. Một phần diện tích được anh sử dụng làm hồ lắng. Nước được lắng lọc đúng quy trình trước khi cho vào hồ nuôi để lên màu nước.

Năm đầu trở về, 1 ha tôm thẻ chân trắng của anh bội thu cả 2 vụ với sản lượng 50 tấn. Anh Hải nắm chắc trong tay 3 tỷ đồng lãi ròng.

Thấy anh Hải ăn nên làm ra, nhiều gia đình ở Hòa Lộc cũng mạnh dạn chuyển đổi diện tích đồng muối, đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm thâm canh. Sẵn vốn trong tay, kỹ thuật được đào tạo trong trường và qua thực tế, gia đình anh Hải mở cửa hàng kinh doanh thức ăn và tư vấn kỹ thuật cho người nuôi tôm.  

Tiên phong nuôi tôm sạch

Sau 2 năm liền thành công với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, anh Hải tiếp tục là người đầu tiên tại Hòa Lộc chuyển sang nuôi tôm bền vững thâm canh công nghệ cao. Tính đến nay, toàn xã Hòa Lộc đã có nhiều hộ chuyển sang mô hình nuôi tôm bền vững với tổng diện tích 50 ha. Riêng anh Hải sở hữu 10 ha, trong đó có 1,8 ha được đầu tư phủ bạt hiện đại.

“Qua hai năm thực tế nuôi tại địa phương, tôi nhận thấy, vụ 3 đúng vào dịp tết Nguyên đán. Thời điểm ấy nhu cầu tôm rất cao nhưng hầu hết người nuôi đều không có bán vì thời tiết vụ 3 lạnh, tôm chậm lớn, hay bị dịch bệnh. Hộ nào nuôi ngoài trời được thì cũng phải bán sớm, lúc size còn nhỏ đề phòng dịch bệnh mất trắng. Sau khi đi học hỏi một số mô hình ở trong Nam, ngoài Bắc, tôi quyết định đầu tư trên 10 tỷ đồng để làm nhà bạt nuôi tôm”.

Năm 2018 là năm đầu tiên anh Hải nuôi tôm trong nhà bạt phủ kín. Nhà bạt cũng được anh sử dụng để ương dèo tôm đến thời điềm sức đề kháng tốt, sau đó san nuôi ra một số hồ nuôi công nghệ cao ngoài trời. Năm 2018, chỉ tính riêng 1,8 ha tôm nuôi trong nhà bạt, với 3 vụ nuôi, anh Hải thu về 120 tấn tôm, thu nhập trên 15 tỷ đồng. Lợi nhuận cao nhất là tôm vụ 3, khi cả huyện Hòa Lộc không có tôm cung ứng thị trường dịp Tết Nguyên đán thì anh Hải vẫn cung ứng ra thị trường hàng chục tấn tôm với size 35 - 45 con/kg.

Đây cũng là thời điểm con tôm thẻ chân trắng trên thị trường có dấu hiệu bão hòa về giá. Nhiều chủ đầm tôm khó xuất bán hoặc xuất bán với giá thấp khi vụ tôm vào mùa thu hoạch rộ. Với tư duy của một người làm kinh tế luôn muốn tìm tòi, thử nghiệm, anh Hải lại quyết rẽ sang hướng nuôi mới.

Công nhân chuẩn bị thức ăn cho tôm

Căn cứ theo nhu cầu thị trường, anh Hải nhận định, thị hiếu không chỉ là ăn ngon mà còn phải đảm bảo an toàn. Anh bắt đầu xây dựng quy trình nuôi tôm VietGAP trên diện tích 2,8ha. Theo anh Hải, nuôi tôm VietGAP tuy kỳ công, chi ly nhưng được cái giảm chi phí đầu vào, ít dịch bệnh, đảm bảo môi trường và đặc biệt đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Với 2,8 ha nuôi tôm VietGAP, tôi phải có thêm trên 1 ha làm hồ lắng lọc. Nước biển sau khi được dẫn vào kênh phải qua 2-3 công đoạn lắng lọc trước khi chảy vào hồ nuôi. Tại hồ nuôi, nước được xử lý vi sinh, len men, tạo màu 5-7 ngày rồi mới thả tôm giống. Suốt quá trình nuôi, việc sử dụng kháng sinh được hạn chế tối đa. Bản thân các chế phẩm vi sinh đã có tác dụng khống chế dịch bệnh nên trên thực tế tôi không phải sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. Hiện quy trình nuôi VietGAP đã được áp dụng cho toàn bộ diện tích nuôi nhưng mới chỉ 2,8 ha được công nhận VietGAP. Với đà này, một vài năm nữa toàn bộ diện tích nuôi tôm của gia đình tôi cũng sẽ được công nhận VietGAP” – anh Hải cho hay.

Anh Hải hướng dẫn quy trình lên men vi sinh sử dụng nuôi tôm VietGAP

“Tôi muốn hướng tới việc nuôi tôm bền vững và muốn những người nuôi tôm cùng đồng hành. Đó là hình thức nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, có trách nhiệm với xã hội, với môi trường. Nuôi tôm VietGAP bền vững phải được xác định là hướng đi bắt buộc bởi chỉ có như thế chúng ta mới tạo ra được thương hiệu trên trường trong nước và quốc tế. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư để sản phẩm từ đầm tôm gia đình được gắn tem truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng”- anh Đỗ Văn Hải.

Sau nhiều năm xây dựng các mô hình nuôi tôm VietGAP, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa rút ra nhiều bài học. Theo đó, để nuôi thành công cần đầu tư đồng bộ hồ nuôi, hệ thống xử lý nguồn nước. Bên cạnh đó, con giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi vậy, để khuyến khích người nuôi nuôi tôm theo hướng bền vững, Nhà nước cần tạo điều kiện đầu tư hạ tầng công như kênh cấp, thoát, ao chứa lắng; tổ chức lại sản xuất theo hướng xây dựng tổ chức cộng đồng vùng nuôi...


Có thể bạn quan tâm

cham-soc-va-phong-benh-cho-ca-trong-thoi-diem-giao-mua Chăm sóc và phòng bệnh… he-thong-ras-cai-tien-cho-nong-dan-quy-mo-vua-va-nho-tai-israel Hệ thống RAS cải tiến…