Mô hình kinh tế Thịt VietGAP ra chợ

Thịt VietGAP ra chợ

Ngày đăng 12/10/2015

Sáng 9-10, tại chợ Hòa Bình (quận 5, TP HCM), một trong những chợ truyền thống vừa được nâng cấp cải tạo thuộc dự án “Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm” (dự án Lifsap do Ngân hàng Thế giới tài trợ) nhộn nhịp hẳn lên khi lần đầu tiên xuất hiện 2 sạp chuyên bán thịt heo VietGAP (thực hành chăn nuôi tốt).

Bằng giá heo thường

Đây là 2 sạp của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (huyện Củ Chi), đơn vị vừa ký kết bao tiêu toàn bộ đầu ra cho 650 hộ nuôi heo đạt chứng nhận VietGAP tham gia dự án Lifsap.

Theo niêm yết, thịt heo VietGAP được bán giá ưu đãi bằng thịt heo nuôi thông thường.

Cụ thể, sườn non 125.000 đồng/kg, thịt vai, nách 70.000 đồng/kg, cốt-lết 80.000 đồng/kg, ba rọi 85.000 đồng/kg, chân giò 70.000-75.000 đồng/kg, mỡ 30.000 đồng/kg…

Theo quan sát, thịt VietGAP có màu hồng tự nhiên, không đỏ đậm, đặc biệt phần nạc không sát da mà có lớp mỡ dày (dấu hiệu của thịt heo không bị nhiễm độc bởi chất tăng trọng).

Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, cho biết căn cứ để công ty đưa ra mức giá trên là vì giá thu mua heo hơi VietGap đang bằng giá heo thường và công ty sở hữu lò mổ An Hạ (Củ Chi) nên dành riêng một dây chuyền để mổ heo VietGAP và việc kinh doanh vẫn diễn ra như trước đây.

Chỉ khác là thịt VietGAP được bán riêng để người tiêu dùng nhận diện. Bà Thắm hy vọng vài tháng sau, người tiêu dùng quen với thịt heo sạch thì có thể nâng giá bán cao hơn 5.000 đồng/kg, từ đó nâng giá thu mua heo hơi VietGAP cho người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM đồng thời là Giám đốc dự án Lifsap TP HCM, cho biết thực tế thịt heo VietGAP đã ra thị trường nhiều năm nay nhưng người tiêu dùng chưa thể nhận biết.

Qua nhiều lần kết nối người chăn nuôi với các siêu thị và các doanh nghiệp nhà nước nhưng không thành công, đến nay TP HCM mới hoàn tất được chuỗi heo VietGAP đến tận tay người tiêu dùng.

Về giải pháp kiểm soát để bảo đảm đúng nguồn thịt VietGAP, không bị trà trộn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, ông Trung cho biết 2 trạm thú y huyện Củ Chi và Hóc Môn nắm danh sách các hộ được chứng nhận VietGAP

. Khi heo xuất chuồng, trên giấy chứng nhận kiểm dịch được đóng thêm dấu VietGAP, lúc đến lò mổ, cán bộ thú y sẽ kiểm tra, giám sát và đưa vào giết mổ, giấy chứng nhận kiểm dịch cho lô thịt cũng được đóng dấu VietGAP để ra chợ.

Người chăn nuôi  thở phào

Ông Võ Thiết Mộc, một hộ nuôi heo VietGAP ở xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi), cho biết những lần kết nối trước, đơn vị thu mua đưa ra nhiều điều kiện rất khó thực hiện như yêu cầu xuất hóa đơn đỏ, không thanh toán tiền mặt mà chuyển khoản, không đưa xe tận nhà để mua 5-10 con/lần mà bắt phải tự chuyển ra bãi tập kết cho đủ xe từ 40-50 con nên người nuôi phải bán heo cho thương lái.

Với lần hợp tác này, bên thu mua đáp ứng mọi yêu cầu nên người nuôi rất phấn khởi vì đã có đầu ra ổn định.

Ông Nguyễn Văn Ngấn (xã Nhuận Đức) kể trước giờ heo VietGap ông nuôi toàn bán cho thương lái để xuất sang Campuchia, còn người nuôi không được ăn.

“Chúng tôi nuôi heo được chứng nhận sạch nhưng không có đầu ra nên cũng đau tim như chơi chứng khoán. Heo hơi đang giá 46.000 đồng/kg, chỉ trong vòng 10 ngày nghe tin heo chứa chất cấm, giá rớt xuống còn 40.000 đồng/kg, chúng tôi cũng bị vạ lây vì thịt heo mổ ra con nào cũng như con nào, không phân biệt được” - ông Ngấn nói.

Bà Nguyễn Hồng Thắm chia sẻ bản thân bà là một dược sĩ (tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược TP HCM) về tiếp quản nghề truyền thống 50 năm của gia đình nên hiểu rất rõ những nguy hiểm mà thịt tăng trọng gây ra cho sức khỏe người tiêu dùng nên quyết tâm tham gia cung ứng thịt heo VietGAP.

“Mỗi ngày lò An Hạ có thể giết mổ hơn 3.000 con, trong đó phần công ty tự kinh doanh khoảng 800 con nên có thể thu mua toàn bộ nguồn heo VietGap trong dân (khoảng 240 con/ngày) để thúc đẩy phong trào chăn nuôi heo sạch” - bà Thắm nói.

6 triệu USD cho dự án thịt sạch

Ông Trần Phương Đông, Phó Giám đốc dự án Lifsap TP HCM, cho biết dự án được triển khai từ năm 2010 và kết thúc giai đoạn 1 vào cuối năm 2015, tổng kinh phí gần 6 triệu USD (thực chi được hơn 80%) với nhiều hoạt động đồng bộ từ chăn nuôi, giết mổ đến phân phối.

Có 848 hộ tham gia nuôi (646 hộ được chứng nhận VietGAP), lắp 644 hầm khí sinh học và hoàn thành nghiệm thu nâng cấp 1.043 quầy sạp tại 23 chợ để bảo đảm an toàn thực phẩm

. Dự án cũng hỗ trợ 9 cơ sở giết mổ tại TP HCM máy phun áp lực, hộp khử trùng dao, máy nước nóng năng lượng mặt trời để cải thiện vệ sinh thú y trong giết mổ.

Dự án cũng thực hiện lấy mẫu giám sát môi trường, dịch bệnh và đặc biệt là kiểm soát chất lượng thịt (kháng sinh, nấm mốc, vi sinh và hormone tăng trọng).

VietGAP là quy trình thực hành chăn nuôi tốt, buộc người tham gia phải thay đổi thói quen chăn nuôi, trong đó khó nhất là việc ghi chép nhật ký hằng ngày từ cho ăn, nhập cám, tiêm vắc-xin..., tất cả phải có nguồn gốc rõ ràng.


Có thể bạn quan tâm

thit-bom-nuoc-tran-lan-lam-cach-nao-de-tranh Thịt bơm nước tràn lan,… 30-nguoi-nuoi-ca-tra-khong-tham-gia-lien-ket 30% người nuôi cá tra…