Tin nông nghiệp Thu tiền triệu từ tận dụng phụ phẩm nông nghiệp

Thu tiền triệu từ tận dụng phụ phẩm nông nghiệp

Tác giả Thái Dương - Hồng Hạnh, ngày đăng 23/10/2017

Thời điểm này, những hộ dân làm nghề trồng nấm ở huyện Yên Thành đang bước vào vụ sản xuất chính. Đây là một trong những nghề mới đem lại hiệu quả cao cho Yên Thành trong vài năm lại đây.

Cơ sở sản xuất nấm của anh Phan Văn Linh, xóm 5 - Thị trấn Yên Thành đã  sản xuất được  phôi các loại nấm giống, cung ứng cho thị trường trong và ngoài huyện. Ảnh: Thái Dương

Ở địa bàn vùng trũng như xã Long Thành, sau thu hoạch lúa hè thu, những phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ được bà con thu gom để sản xuất nấm vụ đông. Bước vào vụ nấm  năm nay, trên 60 tấn nguyên liệu từ rơm rạ, mùn cưa đã được bà con thu gom để sản xuất các loại nấm sò, nấm mỡ, nấm mộc nhĩ.v.v.

Ngoài được hỗ trợ 100% giá giống, bà con còn  được tập huấn khoa học kỹ thuật trồng nấm theo phương pháp sinh học và một số cơ chế hỗ trợ khác của huyện.

Theo bà con, cứ mỗi tấn nguyên liệu sẽ sản xuất được từ 230-250 kg sản phẩm nấm tươi, nếu theo giá thị trường 30 ngàn đồng/kg nấm sò sẽ thu nhập cao hơn so với những loại cây trồng truyền thống.

Còn với anh Phan Văn Linh ở xóm 5 - thị trấn Yên Thành, đã gần 6 năm gắn bó với nghề trồng nấm. Vụ Đông năm nay, cơ sở trồng nấm của gia đình anh sản suất được trên 3 vạn bịch phôi nấm, ngoài sản suất giống nấm để cung ứng nhu cầu của người dân trong và ngoài huyện, dự kiến vụ sản xuất này sẽ cho sản lượng khoảng 6 tấn nấm tươi các loại.

Yên Thành phát triển theo hướng nấm sạch. Ảnh: Thái Dương

Theo anh Linh, nấm có thể trồng được quanh năm, vốn đầu tư không nhiều, nguyên liệu sản xuất lại sẵn có tại địa phương, sản phẩm làm ra lại phù hợp nhu cầu thị trường tiêu thụ. Tuy vậy, người trồng nấm phải có một kiến thức nhất định và có sự đầu tư thời gian để chăm sóc đúng quy trình kỹ thật mới đảm bảo cho hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt  vào thời điểm cuối năm sản phẩm nấm rất dễ tiêu thụ, ngoài cung ứng cho những tư thương ở các chợ đầu mối trên địa bàn, hiện tại ở cơ sở này đã có nhiều nhà hàng lớn và siêu thị ở Thành phố Vinh về ký kết hợp đồng cung ứng nguồn nấm sạch theo hướng lâu dài và bền vững.

Hiện nay, toàn huyện đã có 12 xã phát triển nghề trồng nấm, trong đó đã xây dựng được 7 trang trại, gia trại với hàng trăm hộ tham gia  sản xuất với quy mô lớn. Đặc biệt ở các xã Nam Thành, Long Thành, Hợp Thành, Sơn Thành, Xuân Thành… nghề trồng nấm đang phát triển mạnh.

Theo tính toán của các hộ trồng nấm, bình quân mỗi tấn nguyên liệu đưa vào sản xuất sẽ thu được 5-6 triệu đồng, nếu tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thì nông dân toàn huyện sẽ tạo ra được một lượng hàng hóa lớn đối với sản phẩm nấm.

Vụ đông năm nay, toàn huyện Yên Thành phấn đấu sản xuất 500 tấn nấm tươi cung cấp cho thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên Đán. Để nghề trồng nấm phát triển có hiệu quả và bền vững, huyện Yên thành đang từng bước xây dựng nghề trồng nấm có tổ chức, phát huy vai trò bà đỡ của HTX trong sản xuất sản, nhằm cung cấp sản phẩm ổn định cho thị trường.


Có thể bạn quan tâm

thu-nhap-cao-tu-giong-bo-boot-chin-muon Thu nhập cao từ giống… nong-dan-sa-dec-trong-thanh-cong-giong-dua-kieng-nam-my Nông dân Sa Đéc trồng…