Mô hình kinh tế Phát Triển Đàn Bò Lai

Phát Triển Đàn Bò Lai

Ngày đăng 30/10/2013

Hành Tín Đông (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) là một trong những xã có tỷ lệ đàn bò lai lớn nhất tỉnh, với 75% so với tổng đàn. Nuôi bò lai sinh sản đã có lãi, một số hộ còn chuyển sang nuôi bò lai vỗ béo nên thu nhập càng cao.

Khắp nơi trồng cỏ, nuôi bò lai

Mùa này đi trên con đường liên huyện Nghĩa Hành - Ba Tơ qua khu vực xã Hành Tín Đông đâu đâu cũng thấy những vườn cỏ voi xanh tốt. Khi chiều xuống, trên đoạn đường này, những con bò lai sind hông no tròn đủng đỉnh trở về chuồng. Anh Nguyễn Hương ở thôn Nguyên Hòa, bảo: "Ở đất này bây giờ nhà ai mà chẳng nuôi bò lai. Nhà có điều kiện thì nuôi một đàn cả chục con, nhà khó khăn thì cũng nuôi vài con sinh lợi. Không nuôi bò lấy gì cho con ăn học, làm nhà". Cách đây chừng 10 năm, thông qua chương trình khuyến nông, con bò lai sind đã về với đất này. Bò lai sind, có giá trị kinh tế cao gần gấp đôi bò vàng địa phương đã nhanh chóng hấp dẫn người dân. Mặc dù, so với bò vàng địa phương, bò lai ăn khá nhiều và chất lượng thức ăn cho chúng cũng đòi hỏi cao hơn.

Đi kèm với con bò lai là giống cỏ voi được nhân từ giống ở Trại chăn nuôi trâu Hành Thuận. Buổi đầu bà con còn e dè. Nhưng thấy con bò lai lớn và tăng trọng nhanh nên bà con tập trung nuôi. Ngay lập tức một số hộ "cắt" đất trồng rau màu để chuyển sang trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Rồi những hộ nuôi bò có thu nhập khá, bà con chẳng cần phải hội thảo tuyên truyền, xây dựng mô hình mà cùng nhau làm theo. Ông Đào Thành Công - Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông nhớ lại: "Người có bò vàng đem bán mua bò lai. Hộ khó khăn vay vốn ngân hàng để mua nghé lai về chăn thả. Đến tháng 10.2013 này, toàn xã có đàn bò trên 2.020 con, thì đã có 75,3% là bò lai".

Chuyển hướng nuôi bò lai vỗ béo

Ở Hành Tín Đông bây giờ, ngoài việc nhà nhà trồng cỏ nuôi bò, bà con còn chú trọng trồng bắp với 2 vụ/năm. Bà Lê Thị Yến ở thôn Thiên Xuân cho biết: Cây bắp trồng đến khi thu hoạch mất chừng ba tháng. Ban đầu mình tỉa bắp thật dày để chừng nửa tháng sau cây bắp non lên xanh thì nhổ bớt làm thức ăn cho bò. Khi cây bắp lớn lên thì mình tỉa lá chân nên lúc nào cũng có thức ăn cho bò. Nhờ cách trồng này, năng suất bắp vẫn đạt 75 tạ/ha, cao chẳng kém gì so với những nơi khác. Nhưng đi kèm với nó, bà con còn có nguồn thức ăn khá dồi dào để nuôi bò lai.

Việc nuôi bò lai sinh sản đã cho thu nhập cao, nhưng không bằng nuôi bò vỗ béo. Ông Võ Tấn Long ở thôn Nguyên Hòa, vừa bán con bò lai vỗ béo được 30 triệu đồng, thu lãi trên chục triệu đồng cho hay: "Hồi mới nuôi bò lai, tôi cũng nuôi sinh sản. Nhưng rồi nhận thấy nuôi một con bò cái mất cả năm mới có con nghé lai để bán. Nhưng khi bán gặp lúc bò rớt giá thì thu nhập chẳng được bao nhiêu. Tôi quyết định chuyển qua nuôi bò vỗ béo".

Ông Long bỏ công lên vùng Ba Động (Ba Tơ) hoặc xuống vùng Hành Thiện, Hành Dũng chọn những con bò lai sind mà chủ hộ có đàn bò đông, chăm không tốt, chọn mua những con bò khoảng chừng hơn năm tuổi đem về thúc với cỏ voi, bột bắp, cám gạo, sau chừng ba đến năm tháng thì bán. Với cách làm này, tính ra mỗi con một ngày ông cũng kiếm được 100 ngàn, bằng ngày công lao động. Làm theo cách của ông Long, hiện ở Hành Tín Tây nhiều hộ đã chuyển sang nuôi bò vỗ béo.

Nhờ thu nhập từ nuôi bò lai, nhiều người dân ở Hành Tính Đông có điều kiện cho con ăn học hoặc gom góp xây dựng nhà cửa bề thế. Cũng từ chuyện nuôi bò lai hiệu quả kinh tế cao, nên bà con ở trong xã quan tâm đến chuyện làm chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ. Mùa mưa khi nước lũ dâng lên thì nhà nhà lo chuyển đàn bò lên chuồng tạm làm ở bìa núi. Con bò lai đã trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trên vùng đất này.


Có thể bạn quan tâm

mo-huong-lien-ket-cho-nong-dan Mở Hướng Liên Kết Cho… thuc-trang-lien-ket-san-xuat-trong-nganh-hang-ca-tra Thực Trạng Liên Kết Sản…