Tin thủy sản Thủy sản đối mặt với thách thức

Thủy sản đối mặt với thách thức

Tác giả CHÍ CÔNG, ngày đăng 23/05/2016

Tạm thời quay lưng

Với sự ảnh hưởng của hạn, mặn, những ngày này, chúng tôi trở về một số xã thuộc các huyện Long Mỹ, Vị Thủy, đi đâu cũng nghe người dân bàn tán râm ran về chuyện bỏ nghề nuôi cá vèo, cá ao, chuyển sang nuôi heo hay làm vườn. Ông Đặng Văn Bời, ở ấp 1, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, tâm sự: “Hồi trước, gia đình tôi nuôi cá cũng nhiều, kinh tế dần ổn định. Riêng năm nay, hạn, mặn gay gắt nên không thể tiếp tục nuôi, vì thế đành chuyển sang nuôi heo để kiếm thêm thu nhập trang trải kinh tế gia đình”.

Được biết, ông Bời có kinh nghiệm nuôi cá nhiều năm, trung bình mỗi vụ thả khoảng 2.000 - 3.000 con cá lóc, cá trê và sau 4-5 tháng nuôi cũng mang về lợi nhuận trên 10 triệu đồng/lần. Thấy lời nhanh, ông dự định mở rộng ra thêm, nhưng hạn, mặn xảy ra kéo dài nên đành từ bỏ hy vọng của mình. Ông Bời cho biết thêm: “Nếu không có xâm nhập mặn thì chắc chắn tôi sẽ tiếp tục nuôi cá vèo. Còn hạn và mặn kết hợp là chịu thua, bởi hạn làm mực nước xuống thấp, cá lớn chậm đã đành, giờ thêm mặn làm cho nguồn cá mồi khan hiếm, quan trọng là đàn cá nuôi dễ sốc nước, phát sinh bệnh”. Từ thực trạng trên, ông Bời quay về phát triển chăn nuôi. Khi nuôi, ông chỉ cần lo chuyện nước ngọt để cho heo ăn, uống và ông dự định dùng nước giếng khoan của gia đình hỗ trợ thêm để phần nào hạn chế rủi ro. Tương lai gần, đàn heo gần 10 con của nhà ông là nguồn thu nhập đáng kể, giúp gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Không riêng hộ ông Bời mà còn có hộ ông Phạm Ái Việt, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cũng định hướng làm ruộng thay cho nuôi cá ao trong thời gian tới. “Vấn đề nuôi cá ao bây giờ rất nan giải, đặc biệt là cá rô đầu vuông, vì thị trường tiêu thụ khó khăn, trong khi giá thu mua không cao. Thế nên, thay vì dùng một số vốn nuôi cá thì mướn đất làm ruộng sẽ khả quan hơn nhiều, hiện giá trị hạt lúa đã nâng lên so với trước”, ông Việt tâm sự. Theo sự tính toán cẩn thận, ông Việt tận dụng đất nhà sẵn có, kết hợp với mướn đất của người dân lân cận làm thêm nhằm nâng cao thu nhập. Hiện, vụ lúa Hè thu này, ông gieo sạ được gần 30 công giống OM 5451 và chỉ cần đạt năng suất 800kg/công, bán với giá khoảng 5.000 đồng/kg lúa tươi, sau khi trừ chi phí sản xuất, chắc chắn mang về lợi nhuận khá. Riêng, nuôi cá với quy mô lớn, ông đợi đến khi thị trường đầu ra ổn định thì tiếp tục thả nuôi trở lại.

Chờ thời cơ vực dậy

Trong khi nhiều hộ nuôi thủy sản chuyển hướng khác thì hộ ông Đỗ Thành Đan, ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp vẫn bám nghề. Ông Đan cho hay: “Ban đầu, tôi chỉ lên liếp trồng mía, rồi tận dụng ao mương thả cá nhưng có nguồn lợi nhuận đáng kể. Từ đó, tôi có ý định phát triển thêm mô hình nuôi cá đồng tự nhiên cho đến tận bây giờ. Hiện gặp khó khăn, chứ khi nguồn nước mặt trở lại trạng thái ổn định thì tôi sẽ đầu tư nuôi với quy mô lớn hơn”. Hiện tại, ông đang nuôi 2 vèo cá điêu hồng, trê vàng với 100kg cá giống được khoảng 1 tháng nay nên rất lo khi nước mặn tràn về. Ông Đan cho rằng, từ trước tới giờ, đây là lần đầu khi ông chứng kiến nguồn nước ở các tuyến kênh nội đồng địa phương xuống thấp như hiện nay. Để bảo vệ vèo cá, ông đã làm hàng rào bằng gỗ kiên cố che chắn xung quanh vèo cá. Một mặt, nhằm hạn chế sóng tàu, mặt khác phòng ngừa người dân bắt cá bằng xung điện, cũng như hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp Trần Văn Tuấn thừa nhận: Năm nay, hạn, mặn kéo dài làm ảnh hưởng cục bộ đến nguồn nước mặt ở một số địa phương, nhưng việc người dân nuôi thủy sản thì chưa ảnh hưởng nhiều. Đối với những hộ dân tận dụng ao mương nuôi cá đồng tự nhiên thì có khả năng chủ động được nước. Tuy nhiên, để nuôi được tốt trong giai đoạn khó khăn này, người dân nên chọn những loại cá giống thích ứng tốt với môi trường; thường xuyên cập nhật thông tin về hạn, mặn, nhằm ứng phó kịp thời. Ngoài ra, người dân có thể thả nuôi bèo, lục bình vừa tạo nguồn thức ăn tự nhiên, vừa góp phần làm ổn định môi trường nước, giúp đàn cá phát triển tốt, giữ vững năng suất.

Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, nhận định: Thời gian này, so với một số tỉnh bạn thì thủy sản tỉnh nhà tương đối gặp khó khăn. Tuy nhiên, trước mắt, ngành đã tiến hành thử nghiệm thay đổi hình thức nuôi và nuôi một số loài thủy sản nước ngọt thích ứng tốt với điều kiện tự nhiên, đặc biệt là lươn đồng. Sau khi mô hình thử nghiệm thành công, có thể tuyên truyền, phổ biến xuống cho người dân áp dụng, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Còn về lâu dài, các ngành chuyên môn tỉnh tìm giải pháp nhằm giúp thủy sản tỉnh nhà phát triển bền vững.


Có thể bạn quan tâm

toan-tinh-da-thanh-lap-516-to-doi-doan-ket-khai-thac-thuy-san-tren-bien Toàn tỉnh đã thành lập… gap-nguoi-phu-nu-mien-trung-dam-mo-xuong-dong-tau Gặp người phụ nữ miền…