Tin nông nghiệp Tiền Giang, cần những chính sách dài hạn để phát triển cây thanh long

Tiền Giang, cần những chính sách dài hạn để phát triển cây thanh long

Tác giả Hoàng Văn (tổng hợp), ngày đăng 26/04/2022

Gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu ra gặp khó khăn, hơn 500 ha thanh long già cỗi kém năng suất bị phá bỏ chuyển sang cây trồng khác.

Nhiều diện tích bị chặt bỏ

Sau một thời gian dài giá thanh long xuống thấp, nhiều nhà vườn Tiền Giang đã đốn bỏ để cải tạo lại vườn hoặc chuyển sang trồng các loại cây trồng khác hiệu quả hơn. Bà Huỳnh Thị Mỹ Vân, ở ấp Hưng Ngãi, xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, có ý định phá bỏ 8 công thanh long đã kém năng suất, trong khi giá bán lại thấp để trồng lại hoặc chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn.

Bà Vân tâm sự, thanh long mấy năm nay có lúc bán được trên 20.000 đồng/kg, nay chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg. Với giá này thì người trồng lỗ vốn. Bây giờ phá trồng lại chắc trồng nó nữa chứ biết trồng cây gì bây giờ. Mình sống nhờ cây thanh long mà cây này thu nhập không được bao nhiêu hết.

Phá bỏ hơn 2 công thanh long, ông Dương Thanh Nhựt, ở ấp Tân Hòa, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo cho biết, đang bỏ đất trống chưa biết phải trồng cây gì thay thế cây thanh long, vì cây này nay đã kém hiệu quả. Trồng cây thanh long cực quá, cây bệnh quá không chăm sóc nổi. Bán thì không có giá, trái hiện nay còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, bị lỗ hoài. Bây giờ phá cũng chưa biết trồng cây gì.

Ông Nguyễn Phương Bình, Chủ tịch UBND xã Đăng Hưng Phước (Chợ Gạo) cho biết, tình hình này rất khó cho cây thanh long. Năm nay, người dân đều bị lỗ do chi phí đầu vào như: phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công đều tăng. Xã định hướng cho người dân trồng các loại cây ăn trái phải đạt theo các tiêu chuẩn. Nhiều diện tích cây thanh long già cỗi người ta chuyển sang trồng dừa lấy nước, trồng bưởi... Các doanh nghiệp, HTX định hướng với đối tác để có đơn hàng, vận động người dân sản xuất đạt tiêu chuẩn để đầu ra ổn định hơn.

Hiện nay, tỉnh Tiền Giang trồng hơn 9.500 ha cây thanh long thương phẩm, tập trung nhiều ở huyện Chợ Gạo. Trong 5 năm qua, khi thực hiện đề án, diện tích cây thanh long tăng hơn 4.300ha, cho sản lượng gần 237.000 tấn. Thời gian qua, trái thanh long ở tỉnh Tiền Giang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 85%.

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đầu ra gặp khó khăn, có thời điểm giá sụt còn vài nghìn đồng/kg. Đến nay, tỉnh có hơn 500 ha thanh long bị phá bỏ do cây già cỗi kém năng suất, hiệu quả kinh tế không cao để chuyển sang cây trồng khác.

Dù ngành chức năng và chính quyền địa phương khuyến cáo nhà nông cố gắng giữ lại vườn thanh long nhưng do giá giảm và năng suất thấp nên diện tích cây thanh long ở tỉnh Tiền Giang tiếp tục thu hẹp. Nhiều nhà vườn đốn bỏ cây thanh long chuyển sang trồng cây ăn trái khác.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang, hiện nay nhà vườn địa phương tiếp tục đốn bỏ vườn cây thanh long. Trong đó chỉ riêng huyện Chợ Gạo đã có khoảng 500 ha cây thanh long bị phá bỏ, tập trung nhiều ở xã Tân Thuận Bình, Quơn Long, Đăng Hưng Phước, Thanh Bình.

Thông tin từ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN-PTNT), hiện nay, việc xuất khẩu thanh long chính ngạch ở tỉnh chiếm tỷ lệ rất thấp từ 1 - 2%; xuất khẩu tiểu ngạch hơn 60%; chế biến khoảng 10%. Thị trường Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid”, những tháng qua các cửa khẩu tạm ngừng thông quan là nguyên nhân dẫn đến giá thanh long xuất thấp.

Trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Tiền Giang phấn đấu có khoảng 3.600 ha đạt chuẩn VietGAP.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, tính đến cuối năm 2021, diện tích trồng thanh long trong vùng Đề án đạt 9.472 ha (chiếm hơn 97% tổng diện tích thanh long toàn tỉnh), tăng 4.372 ha so với trước khi thực hiện Đề án. Trong vùng Đề án sản xuất chủ yếu các giống thanh long gồm: Ruột đỏ, ruột trắng, ruột tím hồng…; trong đó, diện tích thanh long ruột đỏ lớn nhất với khoảng 6.680 ha, chiếm hơn 70% diện tích.

Cần những chính sách dài hạn

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang, thị trường tiêu thụ thanh long đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi dịch Covid-19 chưa được kiểm soát triệt để. Trong những năm tới, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc và một số nước như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật… nhưng sẽ không có đột biến trong tăng trưởng nhu cầu mà vẫn giữ mức tương đối ổn định.

Cùng với đó, một số nước đang phát triển sản xuất thanh long như Trung Quốc, Ấn Độ… dẫn đến thị trường tiêu thụ sẽ thu hẹp, nhất là sản phẩm sản xuất không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Với tốc độ phát triển nhanh cây thanh long trong những năm qua, hiện diện tích, năng suất và sản lượng thanh long đã đạt và vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025.

Thời gian tới, việc sản xuất thanh long cần tập trung nâng cao về chất lượng và giải quyết đầu ra để nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Tiền Giang phấn đấu có khoảng 3.600 ha đạt chuẩn VietGAP. Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết, nâng cao chất lượng trái thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; tạo điều kiện thực hiện liên kết chuỗi giá trị với các công ty, tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm giúp sản xuất thanh long đạt hiệu quả và bền vững. Trên cơ sở quy hoạch dự án phát triển cây thanh long trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, các địa phương có kế hoạch cân đối nguồn vốn đầu tư công để xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang, tỉnh sẽ thông qua các chính sách đầu tư về vốn vay để khuyến khích doanh nghiệp, công ty đầu tư xây dựng cơ sở, kho, bãi thu mua, sơ chế, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong chế biến sâu về thanh long. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gặp gỡ các tổ hợp tác, hợp tác xã ký kết tiêu thụ thanh long. Trước mắt, tỉnh sẽ xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ trên sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Có thể nói, để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thanh long bền vững, các tổ hợp tác, hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân. Do đó, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn các tổ hợp tác, hợp tác xã tiếp cận và nhận hỗ trợ từ các chính sách: Đầu tư kết cấu hạ tầng; hỗ trợ thu hút cán bộ trẻ làm việc có thời hạn; đào tạo, bồi dưỡng, củng cố, nâng cao năng lực hoạt động, tháo gỡ khó khăn cho các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ xây dựng chiến lược phát triển thị trường; trong đó, chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thanh long để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc; đẩy mạnh phát triển sản xuất thanh long an toàn, VietGAP.

 

Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn, việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu trái thanh long, cũng như các loại trái cây khác của nước ta đã được cảnh báo khá lâu, chứ không phải chỉ trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.

Theo xu hướng chung, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển nhanh, việc tiêu thụ các sản phẩm dần chú trọng đến chất lượng, siết chặt việc nhập khẩu thực phẩm. Do đó, nếu sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, không đảm bảo quy hoạch, việc tiêu thụ vào thị trường này sẽ khó khăn trong thời gian tới. Do đó, sắp tới, dù khó khăn, nhưng phải hình thành các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; từ đó xác định được mã số vùng trồng, mã số kho, đóng gói, truy xuất nguồn gốc để việc xuất khẩu đảm bảo bền vững…

Qua việc nhà vườn ở Tiền Giang chặt bỏ nhiều diện tích thanh long, ngoài việc giá bán xuống thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, còn có nhiều nguyên nhân khác, trong đó có nguyên nhân về việc trồng vượt quy hoạch đã ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất và thị trường tiêu thụ. Trước thực trạng trên, tỉnh Tiền Giang cần thực hiện nghiêm những kế hoạch, giải pháp mà tỉnh đưa ra nhằm nâng cao chất lượng, giải quyết đầu ra để nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất trong giai đoạn 2022 - 2025.


Có thể bạn quan tâm

xuat-khau-san-pham-chan-nuoi-muc-tieu-va-thach-thuc Xuất khẩu sản phẩm chăn… phat-trien-mac-ca-o-tay-bac-can-thuc-hien-cac-giai-phap-dong-bo Phát triển mắc ca ở…