Mô hình kinh tế Tôm Thẻ Nguyên Liệu Rớt Giá Từng Ngày

Tôm Thẻ Nguyên Liệu Rớt Giá Từng Ngày

Ngày đăng 07/05/2014

Giá tôm thẻ nguyên liệu (dùng chế biến tôm xuất khẩu) giảm liên tục trong thời gian gần đây khiến nhiều người nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long vội vàng thu hoạch tôm đang nuôi để tránh mất giá.

Tôm thẻ các cỡ hiện chỉ khoảng 109.000 – 165.000 đồng/kí lô gam (tương ứng các cỡ 80 – 40 con/kí lô gam), giảm gần 10.000 đồng/kí lô gam so với tuần trước và giảm hơn 50.000 đồng/kí lô gam so hồi cuối tháng 2.

Trong khi đó, giá tôm sú nguyên liệu gần như ổn định ở mức giá 215.000 – 285.000 đồng/kí lô gam (cỡ 40 – 20 con/kí lô gam)

Nguyên nhân giá tôm thẻ nguyên liệu sụt giảm được cho là nhiều người nuôi thu hoạch vội để tránh lỗ lã, vì lo ngại giá tôm tiếp tục giảm. Đồng thời mưa liên tục sau chuỗi ngày nắng làm môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột, người nuôi tôm lo thu hoạch để tránh nguy cơ.

Ngoài ra, theo ông Lê Tấn Siêng, người nuôi tôm ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), tôm thẻ năm nay phát triển rất chậm, giá biến động liên tục… nên người nuôi thu hoạch sớm – đa phần ở cỡ tôm 70 – 100 con/kí lô gam, để tiếp tục cải tạo ao, thả nuôi vụ tôm mới.

Cùng lúc này, ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hội chế biến thủy sản Cà Mau (Casep) cho biết, người dân thu hoạch tôm ào ạt có nhiều nguyên nhân.

Về khách quan, theo ông Thuận, phải tính đến các yếu tố thông tin về Mỹ áp thuế chống bán phá giá trên tôm Việt Nam nhập khẩu, Nhật Bản, châu Âu cảnh báo và kiểm soát gắt gao dư lượng kháng sinh trên sản phẩm khiến sản lượng tôm xuất khẩu sang các thị trường này giảm… Người dân sợ thị trường xuất khẩu thu hẹp, giá nguyên liệu tiếp tục giảm, nên tranh thủ thu hoạch sớm.

Về nguyên nhân nội tại, ông Thuận cho rằng, thông tin về một vài địa phương đã xảy ra tình trạng dịch bệnh trên tôm, người nuôi tôm lo ngại bệnh tôm sẽ gia tăng khi trời có mưa, nên tập trung thu hoạch tạo sản lượng tăng đột biến.

Diện tích nuôi tôm trong năm nay được ghi nhận tăng cao ở nhiều vùng nuôi. Tại Cà Mau diện tích nuôi tôm đã vượt kế hoạch khoảng 500 héc ta, tăng khoảng 1.500 héc ta so cuối năm 2013. Riêng ở huyện Thới Bình (Cà Mau), nông dân còn đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa để đầu tư nuôi tôm trên diện tích khoảng 500 héc ta. Ở tỉnh Trà Vinh, diện tích nuôi tôm đến cuối tháng 4 đạt khoảng 35.300 héc ta, tăng hơn 29% so năm trước; riêng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đã tăng gấp 6 lần…

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 4 tháng đầu năm sản lượng tôm nguyên liệu của tỉnh Bến Tre tăng 94%; Kiên Giang tăng hơn 13%; Cà Mau tăng trên 12%... so cùng kỳ năm trước.

Ông Bùi Hoàng Anh, nông dân nuôi tôm ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho hay, giá tôm thẻ nguyên liệu giảm liên tục và đang ở mức thấp khiến không ít người nuôi tôm thẻ sau khi thu hoạch đã cải tạo ao, quay lại đầu tư nuôi tôm sú để có mức giá cao và ổn định hơn.

Đồng Tháp cấm khai thác nước ngầm để nuôi thuỷ sản

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có công văn gởi các địa phương trong tỉnh, nghiêm cấm khai thác, sử dụng nước dưới đất để nuôi tôm thẻ chân trắng và các loài thủy sản khác. Động thái này nhằm đảm bảo không làm ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước ngầm do khoan khai thác nước dưới đất để nuôi trồng thủy sản, và tránh gây nhiễm mặn nguồn nước mặt do nước thải từ các ao nuôi tôm.

Công văn nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước dưới đất để nuôi trồng các loài thủy sản; đặc biệt là khai thác, sử dụng tầng nước mặn để nuôi tôm thẻ chân trắng.

Tính đến cuối tháng 4-2014 diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại Đồng Tháp ước khoảng 56 héc-ta, tăng 10 héc-ta so hồi cuối tháng 3. UBND tỉnh Đồng Tháp cũng yêu cầu, sau khi kết thúc các vụ tôm đang nuôi, các địa phương phải hướng dẫn và yêu cầu các tổ chức, cá nhân trám lấp các giếng đã khoan trái phép theo đúng quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt các tỉnh Đồng Tháp, An Giang để đảm bảo đủ nước nuôi 1 héc ta tôm thẻ, người nuôi cần đầu tư 3 giếng khoan để lấy nước mặn ở tầng nước ngầm. Độ mặn môi trường nước trong ao nuôi tôm còn được nông dân điều chỉnh tăng thêm cho phù hợp bằng cách bón thêm lượng muối biển (muối ăn) xuống ao nuôi.

Do vậy, ngoài biện pháp nghiêm cấm khai thác nước ngầm tầng mặn phục vụ nuôi tôm thẻ, tỉnh An Giang còn ngăn chặn phong trào nuôi tôm thẻ bùng phát mạnh bằng việc quản lý chặt các ao nuôi, tổ chức đăng ký hoạt động nuôi trồng thủy sản theo quy định về quản lý nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

my-giam-sat-ca-da-tron-nguy-co-cho-xuat-khau-thuy-san Mỹ Giám Sát Ca Da… tu-30-6-muon-xuat-khau-ca-tra-phai-dang-ky Từ 30-6 Muốn Xuất Khẩu…