Mô hình kinh tế Từ 30-6 Muốn Xuất Khẩu Cá Tra Phải Đăng Ký

Từ 30-6 Muốn Xuất Khẩu Cá Tra Phải Đăng Ký

Ngày đăng 07/05/2014

Doanh nghiệp thủy sản muốn được xuất khẩu cá tra phải đạt các yêu cầu trong các điều khoản của Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra thì mới được Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius) xác nhận đăng ký hợp đồng trước khi xuất khẩu.

Trong thời gian qua, doanh nghiệp thủy sản sau khi ký hợp đồng với nhà nhập khẩu thì chỉ tập trung sản xuất, đến khung thời gian ghi trong hợp đồng thì tiến hành giao hàng.

Còn theo nghị định 36, doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng với nhà nhập khẩu phải làm thêm một động tác nữa là đăng ký với Hiệp hội VN Pangasius. Và VN Pnagasius sẽ xem doanh nghiệp có đáp ứng những tiêu chí trong nghị định hay không trước khi đồng ý để doanh nghiệp xuất khẩu.

Cơ quan hải quan sẽ căn cứ trên thông tin từ VN Pangasius để làm thủ tục thông quan cho các lô hàng cá tra của doanh nghiệp này.

Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ những tiêu chí bắt buộc doanh nghiệp thủy sản phải tuân theo là phải có vùng nuôi cá ở trong khu vực được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt. Và đến ngày 31-12-2015, các cơ sở nuôi cá tra phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGap) hoặc các chứng chỉ quốc tế phù hợp.

Hiện nhiều doanh nghiệp thủy sản đang thực hiện nuôi cá tra theo các tiêu chuẩn như GlobalGap, ASC.

Tiêu chuẩn ASC (Aquaculture Stewardship Council - là tên viết tắt của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản - một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận được thành lập năm 2009 bởi Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH)) - và đây là tiêu chuẩn mà một số nước như Na Uy, Thủy Điển, Đức, Bỉ yêu cầu phải có đối với cá tra nhập từ Việt Nam. Còn tiêu chuẩn GlobalGap thường được các nước Bắc Mỹ áp dụng với con cá tra.

Đối với những hộ dân, hợp tác xã nuôi cá tra, nghị định cũng yêu cầu giữa bên nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu phải có hợp đồng mua bán.

Đối với những trường hợp mà doanh nghiệp và người nuôi không có hợp đồng thì VN Pangasius có quyền thẩm định, xác nhận hợp đồng và giá xuất khẩu và cách làm này được cho là để tránh trường hợp doanh nghiệp có giá xuất khẩu phile cá tra cao nhưng lại mua cá tra nguyên liệu của nông dân với giá thấp hơn giá thành.

Trước đây, cá tra xuất khẩu của Việt Nam bị tạm ngưng xuất khẩu vào thị trường Nga bởi một trong những nguyên nhân do tỷ lệ mạ băng trên một ki lô gram sản phẩm lên đến 30% (tức là trong 1kg phile cá tra chỉ có 700 gram thịt cá, còn lại 300 gram là nước ở dạng đóng băng). Vì thế, nghị định cũng chỉ rõ tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10% hoặc phải tuân theo quy định của nước nhập khẩu về tỷ lệ mạ băng trên phile cá tra.

Nghị định có hiệu lực từ 30-6-2014.


Có thể bạn quan tâm

tom-the-nguyen-lieu-rot-gia-tung-ngay Tôm Thẻ Nguyên Liệu Rớt… thanh-hoa-tha-230-trieu-con-giong-tom-su Thanh Hóa Thả 230 Triệu…