Trở ngại lớn trong nuôi hải sâm trắng
Mặc dù mới, nhưng nghề nuôi hải sâm trắng thương phẩm bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nuôi, mở ra nhiều triển vọng. Tuy nhiên, vấn đề con giống đang là trở ngại cho việc phát triển rộng mô hình.
Hải sâm trắng phân bố ở hầu hết vùng bờ các đại dương
Giá trị cao
Hải sâm trắng hay hải sâm cát (Danh pháp khoa học: Holothuria scabrra) thuộc họ Holothuriidae, thường sống trong đáy cát bùn ở những nơi cửa sông hoặc các đầm phá, vũng vịnh. Thức ăn của chúng chủ yếu là mùn bã trên nền đáy, đôi khi cả rong, tảo.
Hải sâm trắng phân bố ở hầu hết vùng bờ các đại dương, nhưng tập trung ở phía Tây Thái Bình Dương, chủ yếu ở các vùng biển Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam. Ở Việt Nam, chúng phân bố ở các vùng ven biển Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Quốc (Kiên Giang), Quảng Ninh, Hải Phòng.
Hải sâm trắng có giá trị kinh tế và được nuôi ở nhiều nước trên thế giới có điều kiện khí hậu tương tự Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan. Tại Việt Nam, nghề nuôi hải sâm trắng thương phẩm mặc dù mới xuất hiện trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trong thời gian gần đây nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả khá cao cho người nuôi, từng bước hạn chế tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn lợi hải sản này và góp phần bảo vệ môi trường.
Giá trị kinh tế của hải sâm trắng tùy thuộc vào kích cỡ thương phẩm. Giá hải sâm trắng nguyên con là 140.000 - 190.000 đồng/kg tươi (loại 5 - 7 con/kg); hải sâm trắng sơ chế 220.000 - 250.000 đồng/kg (tươi); hải sâm khô giá khoảng 1,5 - 2,5 triệu đồng/kg.
Khan hiếm con giống
Các nghiên cứu về đặc điểm phân bố của hải sâm tại Việt Nam cho thấy, vùng biển ở nước ta có khoảng 60 loài hải sâm, trong đó chủ yếu tập trung ở vùng biển Phú Yên, Khánh Hòa và các đảo xa bờ như Phú Quốc, Thổ Chu, Trường Sa, Côn Đảo… Mặc dù trữ lượng hải sâm khá phong phú và đa dạng nhưng do tình trạng khai thác quá mức dẫn đến nguồn lợi hải sâm nói chung và hải sâm trắng nói riêng đã suy giảm nghiêm trọng và có nguy cơ bị cạn kiệt (Đào Tấn Hổ, 1991; Ngô Chí Thiện, 1996). Theo đó, trong những năm qua, Bộ NN&PTNT và các cấp chính quyền các địa phương đã có một số chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát triển loài hải sản có giá trị này, cụ thể:
Từ năm 2000 - 2003, Tổ chức ICLARM hợp tác với Viện Nghiên cứu NTTS III (RIA 3) tiến hành nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm hải sâm trắng. Kết quả đã tạo ra được đàn hải sâm bố mẹ có thể sinh sản quanh năm, sản xuất được vài chục vạn con giống kích thước 1 - 2 mm với tỷ lệ sống khi ra giống đạt 3,1%. Dự án cũng đã thử nghiệm nuôi hải sâm trắng trong lồng, đăng ngoài biển. Kết quả nuôi trong ao với mật độ 1 con/m2, sau 2 tháng hải sâm đạt cỡ 60 g/con từ cỡ giống 1,6 g/con.
Năm 2005, kết quả nghiên cứu của Nguyễn Đình Quang Duy đã xây dựng hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo hải sâm trắng và nâng cao tỷ lệ sống trong giai đoạn bám lên 10%, giai đoạn con giống 1 - 2 mm đạt tỷ lệ sống gần 50%, xác định được loại thức ăn thích hợp cho ấu trùng từ giai đoạn sống trôi nổi đến bám đáy là tảo tươi Chaetoceros spp.
Nghiên cứu của Nguyễn Thị Xuân Thu (2003) cho thấy, khi nuôi ghép hải sâm và tôm sú thì hải sâm có vai trò cải tạo điều kiện môi trường ao nuôi, đặc biệt là làm giảm hàm lượng khí độc H2S, từ đó góp phần làm tăng sinh trưởng và tỷ lệ sống của tôm nuôi.
Năm 2009, RIA 3 chủ trì đề tài cấp Bộ “Xây dựng quy trình công nghệ nuôi thương phẩm hải sâm trắng ở quy mô sản xuất tại một số tỉnh duyên hải Nam Trung bộ”. Đề tài được thực hiện tại 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, đã nghiên cứu chuyển ương nuôi hải sâm trắng từ trong bể ra ngoài đìa (ao) nuôi tôm với mật độ thả ban đầu 1 con/m2, cỡ giống 20 g/con, sau 8 tháng nuôi, năng suất hải sâm trắng đạt 2,5 tấn/ha, tỷ lệ sống 80%. Kết quả này đã được người dân khu vực Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận quan tâm vì quá trình nuôi ghép sẽ góp phần giảm bớt dịch bệnh cho tôm vừa thu được lợi nhuận từ hải sâm trắng. Một số hộ dân ven đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài (Phú Yên) đã nuôi hải sâm trắng trong ao nuôi tôm bị bỏ hoang. Mật độ giống thả nuôi 1 - 2 con/m2, cỡ giống 6 - 10 g/con. Sau 5 - 6 tháng nuôi, hải sâm trắng đạt khối lượng trung bình 150 - 200 g/con. Ngoài ra, tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đã nuôi ghép 1.000 con hải sâm trắng giống kết hợp với ốc hương thu hoạch được 250 kg hải sâm trắng sau 10 tháng.
Năm 2012, UBND Quảng Ninh đã ban hành quyết định số 979/QĐ-UBND cho Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long thực hiện đề tài “Nghiên cứu nuôi thử nghiệm loài hải sâm trắng tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long. Sau 2 năm thực hiện 2012 và 2013, đề tài đã góp phần mở ra một nghề nuôi mới cho người dân huyện Vân Đồn nói riêng và người dân vùng biển tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Với những kết quả nghiên cứu đạt được trong thời gian gần đây cho thấy, việc mở rộng quy mô nuôi thương phẩm hải sâm trắng có nhiều triển vọng phát triển. Vấn đề cần quan tâm hiện nay đó là nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật để hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm hải sâm trắng và các vấn đề phát sinh trong quá trình nuôi đối với hải sâm như dịch bệnh. Giải quyết được vấn đề này, sẽ là tiền đề cho việc phát triển nghề nuôi thương phẩm hải sâm ở các tỉnh ven biển.
Hiện, RIA 3 đã chủ động cung cấp nguồn giống hải sâm trắng để phục vụ nuôi thương phẩm với giá 3.000 - 4.000 đồng/con. Tuy nhiên, số lượng chưa đủ phục vụ nhu cầu nuôi thương phẩm, người nuôi vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nguồn giống di nhập từ Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ