Mô hình kinh tế Trộm cắp hoành hành nông thôn tiêu tặc hoạt động công khai

Trộm cắp hoành hành nông thôn tiêu tặc hoạt động công khai

Ngày đăng 19/08/2015

Công an huyện Cư Jút (Đăk Nông) vừa qua liên tục tiếp nhận trình báo của người dân về các vụ chặt phá, ăn trộm dây tiêu gây hoang mang và bức xúc…

Chặt vườn tiêu để cướp giống

Chúng tôi về các huyện Đăk Mil, Đăk Song, Cư Jút (Đăk Nông), nơi có diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất tỉnh. Những ngày này, đi đến đâu cũng thấy người nông dân hăm hở đào hố, dựng trụ để bắt tay trồng hồ tiêu.

Với việc “cung không đủ cầu”, nên giá dây tiêu giống tại các xã trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao, dao động từ 30.000 đồng/dây đến 40.000 đồng/dây (tiêu ác). Trước sức hút của hồ tiêu, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng sơ hở của chủ vườn, lẻn vào chặt trộm dây tiêu đem bán cho các đầu mối, cơ sở nhân giống trên địa bàn và các tỉnh lân cận, hoặc đem về làm giống cho vườn nhà.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thắng (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút) có vài sào đất vườn, thấy cây tiêu thời gian qua có giá, anh quyết định đầu tư trồng vài chục gốc tiêu để phát triển kinh tế gia đình. Thế nhưng giữa tháng 7 vừa qua, vườn tiêu 3 năm tuổi của anh đã bị các đối tượng lẻn vào chặt hạ 36 trụ cao 4 mét đang ra trái non, để đem bán dây tiêu. Điều đáng nói là vườn của anh Thắng mới chỉ cho trái vụ đầu.

“Nguồn tiêu giống đang khan hiếm nên tôi quyết tâm chăm sóc cây tốt để mùa mưa sang năm chiết ra làm giống, nhân rộng thêm vườn. Nào ngờ công sức trồng và chăm sóc suốt 3 năm, bao nhiêu công sức, tiền bạc đầu tư coi như đổ sông đổ bể hết”, anh Thắng nghẹn ngào.

Chưa bao giờ mà giống dây tiêu lại sôi sục như bây giờ, với dây tiêu lươn loại tốt (tiêu ươm trong bầu vài tháng rồi mới trồng), hiện có giá xấp xỉ 10.000 đồng/bầu hai dây. Còn dây ác (loại cắt từ dây tiêu đã trồng một năm rồi đem trồng trực tiếp) năm ngoái có giá từ 25.000 đồng thì nay đã tăng lên 40.000 đồng/dây. Tuy nhiên, số lượng tiêu giống vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của người trồng tiêu.

Cũng vì thế, nhiều hộ dân ở các xã Long Sơn, Đăk Lao, Đăk R'La (huyện Đăk Mil) đang phải kêu trời vì nạn chặt cướp dây tiêu. Gia đình ông Nguyễn Hoàn, ngụ xã Đăk Lao có hơn 100 trụ tiêu 4 năm tuổi, vào cuối tháng 7 vừa qua đã bị kẻ trộm lẻn vào chặt hạ 31 trụ, thiệt hại mấy chục triệu đồng.

Theo ông Hoàn, ban ngày là thời điểm bọn trộm thường đi xe máy qua lại các rẫy tiêu, tăm tia vườn nhà nào có giống tiêu chất lượng, xanh tốt, không có người canh giữ hoặc canh giữ sơ sài để chuẩn bị ra tay. Đến đêm thì chúng mang theo dao, rựa, lưỡi liềm, bao tải, xông vào các vườn tiêu chặt gốc rồi kéo dây xuống, cho vào bao tải mang đi.

“Hàng trăm gốc tiêu từ 3-5 tuổi xanh tốt, là thành quả lao động suốt mấy năm trời của các hộ dân trong xã đang bước vào thời kì kinh doanh, chỉ sau một đêm bị “tiêu tặc” viếng thăm đã trở nên xơ xác, chết dây đành phải phá bỏ, trồng mới”, ông Hoàn nói trong cay đắng!

Cá biệt, có những trường hợp nông dân chỉ mới xuống giống tiêu hôm trước, tối hôm sau đã bị kẻ gian nhổ sạch. Đơn cử như trường hợp của ông Hồ Sỹ Nguyên, xã Đăk R’La. Cách đây hơn nửa tháng, gia đình ông Nguyên có xuống giống 74 trụ tiêu, mỗi trụ 3 dây tiêu giống Vĩnh Linh. Chỉ sau một đêm, kẻ gian đã lẻn vào nhổ sạch mang đi không chút dấu vết, ông Nguyên đành phải cất công một lần nữa mua giống về trồng.

“Mỗi trụ tiêu trồng mới tôi phải tốn gần 100.000 đồng tiền giống, chưa kể công cán. Nhưng tôi đâu có ngờ tiêu giống đã xuống trụ rồi còn bị kẻ gian nhổ trộm thế này thì thật hết nói nổi”.

Trắng đêm canh giữ dây tiêu

Đến hẹn lại lên, hai mùa mưa năm nay gia đình anh Đỗ Hữu Nghĩa (Đăk Ha – Đăk GLong) tối đến lại khăn gói mùng màn, chăn chiếu chuyển lên căn chòi trong rẫy để giữ vườn tiêu.

Đăk Nông đang bước vào mùa mưa, thời điểm thích hợp để xuống giống nhiều loại cây trồng, nhất là tiêu. Để canh giữ vườn, anh Nghĩa cùng các con phải thay phiên nhau tối đến lên chòi ngủ lại để canh gác.

Đăk Nông đang bước vào mùa mưa, thời điểm thích hợp để xuống giống nhiều loại cây trồng, nhất là tiêu

“Nhà tôi có gần 400 gốc tiêu, giống Vĩnh Linh, trong đó có hơn 100 gốc tiêu 1 năm tuổi, cao hơn 2,5 m. Đây là số tiêu mới xuống giống mùa mưa năm ngoái, rất thích hợp cho việc chiết cành làm giống. Do đó, các đối tượng trộm cắp thường hay nhìn ngó tới và rất dễ ra tay chặt trộm, sơ hở là đi tong cả trăm trụ tiêu chứ chẳng chơi”.

Tương tự, nhiều hộ nông dân khác trong xã Đăk Ha bất kể ngày lẫn đêm phải cắt cử người thường xuyên túc trực trong rẫy để đề phòng bọn “tiêu tặc”, trong tâm lý bất an.

Chưa dựng được chòi, gia đình anh Hải phải thường xuyên mắc võng trong vườn tiêu để nghỉ trưa. Tối đến, cứ 2-3 tiếng là gia đình anh lại đi tuần vài vòng, đề phòng kẻ trộm lẻn vào chặt phá.

“Thời điểm này tiêu chỉ mới ra hoa và cho trái non nên tụi tôi không lo sợ trộm tuốt hạt, nhưng lại vô cùng bất an trước nạn chặt trộm dây tiêu về làm giống. Từ đây đến hết mùa mưa còn hơn 1 tháng nữa, thời điểm chính vụ xuống giống tiêu cũng còn kéo dài tới gần 20 ngày, mình lơ là mất cảnh giác là cả vườn tan hoang như chơi”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Trung, điều tra viên công an huyện Cư Jút thẳng thắn cho biết: Thực trạng nạn trộm tiêu diễn ra tại địa phương có xu hướng ngày càng gia tăng. Nguyên nhân cũng do người dân đổ xô chuyển sang trồng tiêu, khiến giá tiêu giống tăng cao chóng mặt. Đây là cơ hội tốt cho bọn trộm tiêu lẻn vào chặt phá để mang bán cho các cơ sở ươm giống hoặc mang về nhà trồng. Khi tiếp nhận được tin báo của người dân, công an huyện đã thành lập nhiều tổ công tác, lực lượng 141, thường xuyên tiến hành tuần tra ban đêm. Lực lượng cảnh sát hình sự huyện cũng tích cực điều tra, xác minh làm rõ các đối tượng nghi vấn.

Ông Trung cho biết, các đối tượng thường chọn thời điểm vào ban đêm, lợi dụng chủ vườn không trông coi để hành động. Trước khi trộm, đa phần các đối tượng đều đã có mối tiêu thụ sản phẩm nên sau khi cắt trộm liền nhanh chóng tẩu tán tang vật. Đối với các vụ phá hoại vườn tiêu vì thù hằn lẫn nhau, các đối tượng sử dụng công cụ như dao, liềm… chặt vào gốc để tiêu không còn khả năng phục hồi; dấu vết của các vụ việc để lại hiện trường không nhiều gây khó khăn cho công tác điều tra. Do đó, chỉ trừ khi công an và người dân mật phục, bắt được tại trận các đối tượng gây án thì mới đủ cơ sở để xử lý.

“Có những trường hợp, người dân khả nghi một số đối tượng khi chúng đang chiết mắt tiêu để đem đi trồng và tố giác lên cơ quan công an nhưng chúng tôi không thể xác minh được vì dây tiêu nào cũng giống nhau. Đến thời điểm hiện tại, lực lượng công an huyện vẫn chưa bắt được đối tượng gây án nào”, ông Trung cho hay.


Có thể bạn quan tâm

ai-dang-lanh-dao-nganh-ca-phe-viet Ai đang lãnh đạo ngành… san-xuat-che-an-toan-doi-hoi-cap-thiet Sản xuất chè an toàn…