Tin thủy sản Tu hài Vân Đồn vừa nuôi vừa sợ

Tu hài Vân Đồn vừa nuôi vừa sợ

Tác giả Dương Trường, ngày đăng 09/05/2016

Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, cho biết: Tu hài được đưa vào nuôi tại Vân Đồn từ năm 2003, chỉ chưa đầy 10 năm từ vài hộ đã phát triển tới gần 1.000 hộ năm 2012.

Loài nhuyễn thể này thích nghi với điều kiện khí hậu và môi trường sống tại các vùng biển Vân Đồn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thời điểm năm 2012, chi phí 100 lồng tu hài chỉ mất 12 triệu đồng, nhưng sau 1 năm, thu được từ 25 - 30 triệu đồng.

Do vậy, lượng người nuôi và sản lượng tu hài được người dân và doanh nghiệp ồ ạt đầu tư lên nhanh chóng. Thậm chí có những hộ gia đình huy động tiền, thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng, huy động người thân gia đình hùn vốn để đầu tư nuôi tu hài, từ vài trăm lồng lên tới hàng vạn lồng.

Thời điểm người dân đầu tư nhiều nhất cũng là lúc dịch bệnh bùng phát, hầu hết những hộ tham gia nuôi tu hài năm đó đều bị mất trắng không thu hoạch được gì. Nhiều gia đình trắng tay vì tu hài chết.

Vừa nuôi vừa phấp phỏng lo âu là tâm trạng chung của nhiều hộ nuôi tu hài hiện nay ở Vân Đồn. Mặc dù các nhà chức trách đã khuyến cáo các hộ dân dừng nuôi trong vài năm để tránh bị thiệt hại, nhưng nhiều hộ dân vẫn nuôi bởi hiện nay chưa có giống thủy sản nào hiệu quả kinh tế bằng nuôi tu hài.

Ông Đỗ Hữu Tờ, Giám đốc Công ty TNHH Đỗ Tờ, là một trong 20 doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh tu hài gây ra, cho biết: Hiện ông đầu tư nuôi đa dạng các loài thủy hải sản như ngao, hầu, còn tu hài ông nuôi với số lượng ít, nhưng vừa nuôi vừa sợ dịch bệnh bùng phát nên không dám nuôi nhiều.

Còn bà Đinh Thị Tiên ở xã Đông Xá, một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề, chia sẻ: Năm 2011 tôi vay mượn, thế chấp sổ đỏ nhà vay ngân hàng và huy động người thân chung tiền nuôi tu hài. Nhưng dịch bệnh làm hàng vạn lồng tu hài mất trắng ước thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng.

Hiện dù tu hài nuôi vẫn lác đác bị chết, nhưng do tu hài có giá trị kinh tế cao từ 350.000 đồng/kg, nên gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác vẫn đầu tư nuôi tu hài dù vẫn lo dịch bệnh bùng phát bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ tịch Hiệp hội tu hài Vân Đồn, cho biết: Có nhiều nguyên nhân gây ra dịch bệnh, nhưng chủ yếu vẫn là do người nuôi ồ ạt, nuôi mật độ quá dày. Nguyên nhân nữa là do người nuôi chọn con giống trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ.

Có hộ lấy giống từ Nha Trang (Khánh Hòa); có người mua của Trung Quốc, nên con giống không đảm bảo bị dịch bệnh lây nhiễm. Trong khi hiện tại tỉnh chưa có trại giống uơm nuôi đủ tiêu chuẩn và chất lượng phù hợp để đảm bảo cung cấp con giống đạt chuẩn cho người dân.

Cùng với đó, với tình hình thời tiết biến động như hiện nay, thì vấn đề dịch bệnh khó có thể đảm bảo, không chỉ nuôi tu hài và nhiều loài khác. Hiện nhiều ngư dân đã chuyển sang nuôi các loài thủy hải sản khác mặc dù hiệu quả kinh tế thấp hơn nhưng rủi ro ít hơn.


Có thể bạn quan tâm

dang-cay-nghe-lam-muoi Đắng cay nghề làm muối nghe-tay-trai-hai-ra-tien Nghề tay trái hái ra…