Mô hình kinh tế Tương lai gà trắng, gà màu trắng tay vì gà trắng

Tương lai gà trắng, gà màu trắng tay vì gà trắng

Ngày đăng 29/09/2015

Khảo sát một loạt vùng chăn nuôi gà trắng lớn tại miền Bắc trước đây gồm huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Đông Anh (Hà Nội), Phú Bình (Thái Nguyên) đều nhận thấy thực trạng chung là những hộ chăn nuôi gà trắng (không gia công) đều đã bỏ nghề, không những vậy, rất nhiều hộ còn lâm cảnh trắng tay.

Càng cố càng lỗ

Nhiều người chăn nuôi đang rơi vào trạng thái phân vân giữa việc cầm cự duy trì gà trắng hay chuyển sang nuôi gà màu truyền thống nhiều thế mạnh.

Chúng tôi tới tới thăm trang trại của anh Trần Bá Pho ở thôn Thanh Nê, xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ, Hà Nội khi anh chuẩn bị xuất bán lứa gà màu đầu tiên sau hơn 10 năm trời theo đuổi con gà trắng.

Anh Pho tâm sự thật lòng rằng, đến thời điểm này anh gần như không còn gì nữa sau khi cố gắng theo đuổi “đánh bạc” với con gà trắng trong những năm qua.

Theo đó, anh Pho bắt đầu biết đến con gà trắng từ năm 2001, gần như là hộ nuôi gà trắng đầu tiên của xã Thanh Bình, thủ phủ gà trắng của huyện Chương Mỹ.

Thời hoàng kim của anh Pho là khoảng những năm 2002 - 2004 khi mỗi lứa gà 5.000 - 6.000 con anh lãi ngót ngét 100 triệu đồng. Tuy nhiên, bước sang năm 2005 khi cơn bão cúm gia cầm bắu đầu xuất hiện tại Việt Nam khiến bao nhiêu tích lũy của anh Pho và nhiều hộ chăn nuôi khác ra đi bằng hết.

Những năm tiếp theo, kinh tế gia đình anh Pho hồi phục dần khi giá gà trắng khá ổn định, song lợi nhuận không được cao như trước do sự xuất hiện hình thức chăn nuôi gia công của các DN nước ngoài.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi từ 2012 đến nay, giá thịt gà trắng liên tục lao dốc xuống dưới giá thành mỗi chu kỳ kéo dài cả nửa năm trời. Thi thoảng, giá nhích lên được một chút, nhưng chỉ chưa đầy tháng lại lao xuống như có “bàn tay” can thiệp vô hình nào đó!

Là người có kinh nghiệm nuôi gà trắng nhất nhì xã Thanh Bình nên anh Pho cay cú nghĩ, không lẽ mình lại chịu thua? Vì vậy, trong khi các hộ dân nuôi gà trắng khác lần lượt bỏ chuồng anh Pho lại thuê lại để tiếp tục vào gà trắng với hy vọng theo quy luật giá gà xuống rồi cũng phải lên.

Theo khảo sát của NNVN, tại vùng chăn nuôi gà trắng Đông Anh hiện nay người dân đã gần như chuyển toàn bộ sang nuôi gà siêu trứng Ai Cập; tại huyện Phú Bình (Thái Nguyên) thì 90% chuyển sang nuôi gà ta lai thả vườn.

Còn riêng tại Ba Vì và Chương Mỹ (Hà Nội), hiện chỉ còn những hộ nuôi gia công là duy trì gà trắng còn phần lớn cũng đã chuyển sang nuôi gà màu.

Nhưng từ 2012 đến nay, âm hưởng chủ đạo của giá gà trắng chỉ là xuống, xuống và xuống ngấp nghé ở ngưỡng dưới giá thành 30.000 đồng/kg.

Vậy là bao nhiêu năm gắn bó, theo nghề, tích lũy được bao nhiêu tiền của, kiến thức, kinh nghiệm cuối cùng do thua lỗ triền miên nên đến đầu 2015 anh Pho gần như là hộ dân cuối cùng tại Thanh Nê đầu hàng với con gà trắng.

Hiện tại xã Thanh Bình chỉ sót lại những hộ nuôi gà trắng gia công cho Cty CP hay Jafa còn cầm cự được, nhưng cũng chỉ gọi là lấy công làm lãi, bởi các DN siết chặt lại công tác quản lí cùng các chỉ tiêu FCR (hệ số chuyển hóa thức ăn) nên ngày công giờ rất thấp.

Bình quân, mỗi đàn gà 5.000 - 6.000 con sau khi xuất bán nếu giữ được số đầu con và tỉ lệ tiêu tốn thức ăn tốt nhất, cũng chỉ lãi được một vài chục triệu, trong khi chi phí xây dựng chuồng trại ngót nghét gần 1 tỷ đồng.

"Thua thật rồi!"

Nuôi không biết bao nhiêu loại gà từ gà trắng, gà ta đến gà Lương Phượng nhưng đến thời điểm này anh Trần Bá Thăng cũng ở thôn Thanh Nê, xã Thanh Bình phải thốt ra một câu là “nuôi gà trắng thua thật rồi!”.

Sau bao nhiêu năm trời gắn bó, thử nghiệm cuối cùng anh Thăng chọn bến đỗ là con gà J-Dabaco để tiếp tục sự nghiệp. Không chỉ anh Thăng, hiện có tới 20 hộ chuyên chăn nuôi gà trắng ở thôn Thanh Nê cũng cải tạo chuồng trại chuyển hướng sang nuôi gà màu.

Hiện thị trường tiêu thụ chính của thịt gà trắng là chế biến thực phẩm (xúc xích) và bếp ăn công nghiệp. Trong khi lĩnh vực chế biến thực phẩm vì áp lực cạnh tranh về giá nên hầu hết các DN đều có kho lạnh rất lớn để tích trữ thịt gà lúc rẻ hoặc thịt gà NK và chỉ mua một số lượng thịt gà tươi nhất định để phối trộn nhằm hạ giá thành, giá bán.

Còn với bếp ăn tập thể, hiện có rất nhiều lựa chọn khác khi thịt gà ta lai so với thịt gà công nghiệp cũng không còn chênh lệch quá lớn.

Anh Thăng đúc kết, nuôi gà trắng có ưu điểm duy nhất là thời gian quay vòng ngắn (nuôi bình quân 40 - 45 ngày là xuất bán). Nhưng nhược điểm của gà trắng chi phí xây chuồng trại rất lớn (bình quân 700 triệu - 1 tỷ đồng/chuồng 5.000 - 6.000 con).

Thứ hai, nuôi gà trắng phải luôn có điện để làm mát (chỉ mất điện vài tiếng là gà chết) nên chi phí điện năng rất cao. Thứ ba, từ con giống, TĂCN, vacxin đến giết mổ, chế biến gà trắng hiện đều do các DN nước ngoài chi phối nên bị động và rủi ro nhất thuộc về người dân.

Có một thực tế phũ phàng với con gà trắng hiện nay, với các DN chăn nuôi nước ngoài, trong chuỗi giá trị lợi nhuận nằm hết ở khâu TĂCN và chế biến, khâu con giống và chăn nuôi chủ yếu làm nền cho hai khâu còn lại nên có thời điểm nhiều DN nước ngoài sẵn sàng tặng kèm gà trắng giống khi người dân mua cám.

Hơn nữa, hiện nay giá thịt gà Mỹ NK bán tại Việt Nam chỉ trên dưới 20.000 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi gà trắng cả lông tại nước ta đã lên tới 27.000 - 30.000 đồng/kg nên phải thừa nhận thực tế với con gà trắng chúng ta gần như hết cửa.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, thống kê năm 2014 cho thấy, với công nghệ giống gà công nghiệp thịt lông trắng, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 79% thị phần ở công đoạn giống nuôi bố mẹ để SX ra con giống thương phẩm 1 ngày tuổi.

Ở công đoạn nuôi gà thịt thương phẩm, DN FDI cũng chiếm rất cao, khoảng 80% theo phương thức nuôi gia công.

Cùng chung hoàn cảnh với người chăn nuôi gà trắng, các DN làm giống gà trắng trong nước cũng đang lâm cảnh sống dở chết dở khi giá gà thịt rớt buồn lê thê suốt ba năm qua.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Cty CP Chăn nuôi Hòa Bình Chu Trọng Chiến phải thừa nhận một thực tế, khi đã hội nhập chúng ta phải chấp nhận những luật chơi chung nên không thể ngăn cấm thịt gà Mỹ bán vào Việt Nam được.

Tuy nhiên, theo ông Chiến, thay vì bảo hộ thì Nhà nước cũng nên có những “hàng rào kỹ thuật” để bảo vệ chăn nuôi trong nước. Từng đi tham quan rất nhiều trang trại chăn nuôi gà trắng của Mỹ, EU, Trung Quốc…, ông Chiến khẳng định nếu bán gà nguyên con thì chăn nuôi gà trắng trong nước không thua kém gà trắng nuôi tại quốc gia khác là mấy.

Vì vậy, ông Chiến kiến nghị Chính phủ nên có quy định chi tiết giá cho từng bộ phận con gà. Vì chưa có quy định chúng ta không thể bảo các nước họ bán phá giá được.

Còn trong trường hợp giá thịt gà NK vẫn rẻ như hiện nay, ông Chu Trọng Chiến lo lắng DN của mình sẽ không cầm cự được nữa bởi ông đã lỗ với giống gà trắng gần nửa năm trời rồi.

Để có giải pháp phòng thân, hiện trong 8 triệu con giống gà trắng SX ra mỗi năm, ông Chiến phải phân bổ sang làm gà màu một nửa để duy trì hoạt động của DN với hy vọng một ngày nào đó giá thịt gà trắng sẽ trở lại kéo theo giá giống tăng lên, song với thực tế mịt mù như hiện nay không biết tương lai tươi sáng đó sẽ đến trong bao lâu.

Là những ôm trùm về gà trắng, song những năm gần đây các DN nước ngoài như CP hay Jafa cũng bắt đầu chuyển hướng sang làm giống gà lông màu. Tuy chưa cạnh tranh được với các DN giống trong nước, song nhờ có thế mạnh về gia công và chế biến nên họ cũng đã chiếm được thị phần nhất định.

Qua đó, cho thấy thực tế ngành chăn nuôi gà trắng vẫn sẽ tồn tại, song chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ và chỉ nằm trong chuỗi đủ để phục vụ nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến thực phẩm


Có thể bạn quan tâm

chat-tao-nac-salbutamol-nguy-hiem-nhu-the-nao Chất tạo nạc Salbutamol nguy… 20-ha-nhan-dac-san-duoc-cap-ma-vung-xuat-sang-my 20 ha nhãn đặc sản…