Mô hình kinh tế Vị Thủy Thắng Lợi Trong Sản Xuất Lúa

Vị Thủy Thắng Lợi Trong Sản Xuất Lúa

Ngày đăng 02/01/2015

Với những thuận lợi về hệ thống đê bao khép kín, kết hợp áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã thúc đẩy nền nông nghiệp ở huyện Vị Thủy đạt cả 3 mặt. Năm 2014, là năm thứ 14 huyện Vị Thủy có sản lượng lúa đạt trên 200.000 tấn/năm.

Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy Nguyễn Văn Vui thông tin: Đến nay, huyện đã đạt 19/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của năm 2014. Trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa đã đạt được cả 3 mặt về sản lượng, kỹ thuật và diện tích. Đạt được kết quả này đã góp phần nâng cao thu nhập hộ nông dân lên và giảm được tỷ lệ hộ nghèo của huyện.
Theo bà Trần Hồng Tim, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy, phát triển kinh tế ở huyện Vị Thủy chủ yếu sản xuất nông nghiệp và thế mạnh là cây lúa. Tổng diện tích trồng lúa toàn huyện là 16.133ha, trồng màu trên vườn 2.000-2.500ha, còn lại là trồng cây ăn trái.
Với vai trò là ngành chuyên môn, để góp phần chung tay với huyện trong phát triển kinh tế nông nghiệp, ngành tập trung vào các giải pháp làm thế nào để sản xuất nông nghiệp luôn đạt năng suất cao, chất lượng đảm bảo, chi phí sản xuất giảm là mục tiêu ngành đặt ra. Rất vui là thời gian qua, hầu hết người trồng lúa trên địa bàn huyện đều thu hoạch với năng suất cao.
Tính bình quân năng suất cả năm đạt 6,2 tấn/ha, trong đó vụ Đông xuân đạt 7,43 tấn/ha, Hè thu đạt 5,6 tấn/ha, vụ Thu đông đạt 4,7 tấn/ha. Năm 2014, sản lượng lúa đạt trên 267.190 tấn, đây cũng là năm thứ 14 huyện đạt sản lượng lúa trên 200.000 tấn.
Bà Tim cho rằng, để đạt kết quả tốt trong sản xuất lúa, ngành đã giao nhiệm vụ cho cán bộ của các xã tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác cho nông dân ngay đầu vụ. Đồng thời, “cầm tay chỉ việc” trực tiếp, tuyên truyền hộ dân sử dụng giống chất lượng, đạt chuẩn xuất khẩu, áp dụng phương pháp sạ hàng, sạ thưa, thực hiện “1 phải - 5 giảm” trong sản xuất.
Trong năm 2014, ngành đã tổ chức trên 400 cuộc tập huấn, hội thảo, tham quan với trên 9.300 lượt nông dân tham dự với nội dung như kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh trên lúa, kỹ thuật nuôi cá ruộng, chăn nuôi, trồng cam, quýt, sản xuất lúa giống, nuôi gà trên đệm lót sinh học, sản xuất lúa theo quy trình “3 giảm - 3 tăng”…
Ngoài ra, còn kết hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức mô hình nhân nuôi nấm xanh để phòng trừ rầy nâu hại lúa tại xã Vĩnh Thuận Tây, xã Vị Thắng và mô hình sinh thái trồng lúa xen hoa tại xã Vị Thắng, Vị Thanh. Kết quả bước đầu cho thấy, hiệu quả mang lại từ mô hình đã giúp nông dân giảm thiểu số lần phun thuốc từ 3-4 lần/vụ, từ đó giúp hạ chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế khá rõ rệt.
Ông Nguyễn Văn Tích, ở ấp 5, xã Vị Thanh, cho hay: “Thông qua các buổi tập huấn, hội thảo do xã tổ chức, tui đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa.
Trong đó, áp dụng kỹ thuật sạ hàng, thực hiện 3 giảm 3 tăng, trồng hoa sinh thái trên đê bao. Với kỹ thuật mới này giúp giảm được từ 6-7kg lúa giống/công so với gieo sạ thông thường trước đây, giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu rất nhiều và năng suất đem lại cao hơn cách làm truyền thống. Tất cả chi phí mỗi công khoảng 1,3 triệu đồng, sau khi thu hoạch có lợi nhuận từ 1 triệu đồng trở lên, riêng đối với vụ Đông xuân thì lãi cao hơn nhiều”.
Còn ông Nguyễn Văn Tân, ở ấp 10, xã Vĩnh Trung, có 18,5 công ruộng, sau khi tham quan hội chợ triển lãm, thấy có máy sạ hàng nên mạnh dạn mua về áp dụng.
Sau vụ đầu tiên thấy hiệu quả rất rõ, từ đó đến nay đã 7 năm, gia đình ông đều áp dụng phương pháp sạ hàng. Với phương pháp sạ hàng kết hợp cơ giới hóa vào thu hoạch đã tiết kiệm chi phí cho gia đình ông rất nhiều và việc trồng hoa trên bờ bao cũng làm giảm lượng sâu bệnh đáng kể.  
Hầu hết người trồng lúa trên địa bàn huyện Vị Thủy cho rằng, hiện tại, sản xuất lúa đã đạt về năng suất, chất lượng, kỹ thuật nhưng vẫn còn băn khoăn về giá luôn biến động thất thường nên lãi rất thấp, thậm chi không có lãi khi giá lúa bán ra thấp hơn giá thành.
Bà Trần Hồng Tim, cho rằng: Còn 2 vấn đề khó khăn trong sản xuất lúa cần tháo gỡ là việc tạo liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Khó thứ 2, là nông dân hiện nay chưa thụ hưởng được chính sách tạm trữ của Chính phủ, sản phẩm làm ra nhưng lệ thuộc vào thị trường quyết định.
Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy Nguyễn Văn Vui cho biết: Muốn giải bài toán nan giải bấy lâu nay trong tiêu thụ luôn gặp khó khăn, sản xuất chưa tập trung, chất lượng chưa đồng đều thì cần có sự hợp tác của nhiều ngành, nhiều cấp. Thời gian qua, huyện có làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân, tuy nhiên chỉ mới ở quy mô nhỏ.
Để cho sản xuất lúa mang lại lợi nhuận cao, huyện tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đến địa bàn hợp tác và từng bước thay đổi, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ trong dân để đáp ứng yêu cầu của thị trường và doanh nghiệp. Ngoài ra, để lĩnh vực kinh tế nông nghiệp trên địa bàn phát triển bền vững, sẽ tập trung tuyên truyền, vận động nông dân tiếp tục thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, toàn huyện Vị Thủy có hơn 95% diện tích được nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp như: ‘‘3 giảm - 3 tăng’’, IPM trong canh tác lúa để hạ giá thành sản phẩm và có 70% hộ dân thực hiện phương pháp sạ hàng, sạ thưa.


Có thể bạn quan tâm

truc-hung-tap-trung-hoan-thien-he-thong-ha-tang-ky-thuat-phuc-vu-san-xuat-nong-nghiep Trực Hùng Tập Trung Hoàn… hau-giang-vi-su-phat-trien-ben-vung Hậu Giang Vì Sự Phát…