Tin thủy sản Xuất khẩu cá tra sang Canada tăng gần 70%

Xuất khẩu cá tra sang Canada tăng gần 70%

Tác giả Thanh Xuân, ngày đăng 13/05/2022

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến giữa tháng 4/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Canada đạt 17,2 triệu USD, tăng 69,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là một tín hiệu tích cực cho xuất khẩu cá tra Việt Nam, dự báo xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường Canada trong nửa đầu năm 2022 khả quan và có những thành tích mới.

Canada là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 trong khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Được biết, trong 3 năm trở lại đây, các nhà nhập khẩu Canada đang bắt đầu tìm kiếm, đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng thủy sản nuôi như cá tra và cá rô phi.

Trước đó, do có quan hệ gần gũi và thân thiết với 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc, các sản phẩm chủ yếu nhập khẩu của thị trường này là sản phẩm khai thác từ biển.

Năm 2021, do dịch Covid-19 bùng phát nên việc xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường Canada chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, đến đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Canada đang dần phục hồi và tăng trưởng trở lại. Mức giá xuất khẩu trung bình cá tra phile đông lạnh ở mức tương đối tốt, dao động từ 3,15 – 3,35 USD/kg.

Cho tới nay, Canada là thị trường xuất khẩu thường xuyên của hơn 30 doanh nghiệp cá tra Việt Nam. Trong đó, 3 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang thị trường này trong quý đầu năm 2022 là: Công ty CP Vĩnh Hoàn (Vinh Hoan Corp); Công ty CP Thủy sản NTFS (NTSF Seafoods) và Công ty CP Thủy sản Trường Giang (TG Fishery).

So với các thị trường khác cùng khối CPTPP thì Canada NK sản phẩm khá đa dạng như: Cá tra phile đông lạnh, cá tra cắt miếng/khoanh/khúc đông lạnh, bong bóng cá tra sấy, cá tra nguyên con xẻ bướm, cá tra và sốt cari thái đỏ; cá tra sốt chanh ngò tây; cá tra sốt tương gừng…

Hiện nay, cá tra Việt Nam vẫn đang phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm cá thịt trắng khác tại Canada, trong đó nổi bật là sản phẩm cá tuyết cod và cá haddock, cá rô phi. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản phẩm cá tra Việt Nam đang chiếm dần thị phần của các sản phẩm cá thịt trắng.

Do vị trí địa lý gần nhau, mối quan hệ thương mại chặt chẽ, Mỹ vẫn là thị trường có ảnh hưởng lớn nhất với thương mại thủy sản của Canada. Do vậy, cả xuất khẩu và nhập khẩu thủy sản của Canada dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động của nền kinh tế Mỹ cũng như sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng, chính sách thương mại thủy sản của Mỹ.

Theo nhận định của Viện Thủy sản Quốc gia Mỹ (NFI), trong năm nay, nguồn cung của 4 loài cá thịt trắng là cá tra nuôi, cá tuyết Đại tây Dương, cá tuyết Thái Bình Dương và cá minh thái Alaska sẽ giảm.

Về cá tra, ước tỉnh sản lượng toàn cầu vào khoảng 3,1 triệu tấn, giảm 151.000 tấn so với tổng sản lượng khoảng 3,25 triệu tấn của năm 2021.

Việt Nam vẫn là nước sản xuất cá tra lớn nhất thế giới, nhưng sản lượng dự kiến chỉ vào khoảng 1,3 triệu tấn, giảm 200.000 tấn so với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn năm 2021. Sản lượng cá tra ở Việt Nam giảm chủ yếu do những khó khăn về việc thả nuôi hồi quý 3/2021 khi các tỉnh ĐBSCL phải giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.

Nguồn cung cá thịt trắng toàn cầu còn đang bị tác động không nhỏ bởi xung đột Nga - Ukraine. Theo VASEP, Nga là nguồn cung hàng đầu thế giới về cá thịt trắng. Vì vậy, việc xuất khẩu cá thịt trắng của Nga bị ảnh hưởng lớn bởi các lệnh trừng phạt của EU, Mỹ, có thể gây thiếu hụt đáng kể nguồn cung cá thịt trắng trên toàn cầu.

Dự báo trong năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ sẽ có nhiều tín hiệu tích cực, cùng với đó, xuất khẩu cá tra sang Canada cũng sẽ có kết quả lạc quan. Do đó, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu sang Canada - thị trường nhập khẩu thủy sản giá cao ở Bắc Mỹ.


Có thể bạn quan tâm

xuat-khau-ca-tra-tang-manh-nguyen-lieu-khan-hiem Xuất khẩu cá tra tăng… cao-bang-ban-giao-ca-giong-vat-tu-cho-cac-ho-tham-gia-du-an-xay-dung-mo-hinh-nuoi-ca-bong Cao Bằng bàn giao cá…