Cây chè Một Số Lưu Ý Trong Kỹ Thuật Đốn Chè

Một Số Lưu Ý Trong Kỹ Thuật Đốn Chè

Ngày đăng 22/07/2013

Một Số Lưu Ý Trong Kỹ Thuật Đốn Chè

Hiện nay cây chè đang bước vào thời vụ đốn thích hợp. Để các nương, đồi chè sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao ổn định, bà con nông dân cần lưu ý một số biện pháp trong kỹ thuật đốn chè sau:

1.Thời vụ đốn: Thời vụ đốn tốt nhất từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau, khi cây chè ngừng sinh trưởng. Đốn khi trời râm mát hoặc có mưa nhỏ là tốt nhất. Không đốn khi tiết trời nắng hanh sẽ làm cho chè bị khô đầu cành.

2. Đốn chè kiến thiết cơ bản (Chè trồng bằng cành)

Đây là biện pháp rất quan trọng nhằm làm tăng năng suất, tạo cho cây chè có bộ khung tán rộng, đều, cành cơ bản to khoẻ, tăng bề mặt hái chè, chiều cao tán hợp lý cho việc thu hái.

Cây chè sau trồng 2 năm có chiều cao 65 - 70 cm, đường kính gốc 1,0 cm trở lên ta bắt đầu đốn lần 1:

* Đốn chè lần 1 (chè tuổi 2). Đốn thân chính cách mặt đất 12 - 15 cm, cành bên 30 - 35cm.

* Đốn chè lần 2 (chè tuổi 3): Đốn thân chính cách mặt đất 30 - 35 cm, cành bên 40 - 45 cm tạo tán bằng.

* Đốn chè lần 3 (chè tuổi 4): Đốn thân chính cách mặt đất 45 cm, tạo tán bằng hoặc mâm xôi tuỳ theo đốn máy hoặc đốn tay.

* Chú ý: Khi đốn vết đốn vát 450, nhẵn, không dập nát, tán phẳng đều. Khi đốn lần 1 các cành xung quanh có vết đốn vát quay về tâm cây chè để cây phân tán đều. Đốn xong cần tiến hành kiểm tra vết đốn, nếu chưa đảm bảo kỹ thuật phải sửa lại cho đúng kỹ thuật.

3. Đốn chè kinh doanh

Là biện pháp cắt bỏ một phần sinh khối (thân, cành lá) nhằm thúc đẩy sinh trưởng dinh dưỡng, hạn chế sinh trưởng sinh thực, kích thích quá trình bật búp. Đốn chè có mục đích cắt bỏ những cành chè già cỗi, tăm hương sâu bệnh, để thay bằng những cành non sung sức hơn. Nhằm tạo cho cây chè có bộ khung tán to khoẻ, có nhiều vị trí bật búp, tạo tán cao hợp lý, tăng năng suất thu hái búp.

- Tuỳ theo độ cao mức đốn, ở từng giai đoạn của thời kỳ kinh doanh cây chè mà ta áp dụng các biện pháp đốn hợp lý:

* Đối với những nương chè có bộ tán còn khoẻ, ít cành tăm hương ta áp dụng biện pháp đốn phớt, đốn trên vết đốn cũ 3 - 5 cm. Với những cây vết đốn đã cao trên 60 cm, đốn cách vết đốn cũ chỉ 1 cm hoặc sửa nuôi tán không đốn nhằm hạn chế độ cao tán chè.

* Đối với những nương chè có bộ tán kém phát triển, nhiều cành tăm hương, năng suất có dấu hiệu giảm sút ta áp dụng biện pháp đốn lửng cách mặt đất 55 - 60 cm. Những nương chè năng suất còn khá nhưng cây cao quá cũng đốn lửng các mặt đất 70 - 75 cm.

* Sau vài lần đốn lửng cây chè có triệu chứng suy yếu, nhiều cành tăm hương, xuất hiện nhiều u bướu, búp thưa, búp mọc ra chóng mù xoè cần áp dụng kỹ thuật đốn đau cách mặt đất 40 - 45 cm để lợi dụng những mầm ngủ thấp hơn tạo ra bộ khung tán chè mới.

* Những nương chè già cỗi mật độ còn trên 70 % đã được đốn đau nhiều lần năng suất giảm thì áp dụng biện pháp đốn trẻ lại, đốn cách mặt đất 10 - 12 cm. Trước khi đốn 1 năm phải bón phân chuồng, lân theo quy trình. Trong quá trình đốn kết hợp trồng dặm, đào rạch bón phân đánh gốc chè và trồng cây cốt khí cải tạo đất như chè KTCB.

Chú ý:

+ Khi đốn trẻ lại cần chú ý phòng trừ sâu bệnh khi các mầm mới nẩy và giữ không cho trâu bò, gia súc phá hại.

+ Tốt nhất đối với những nương chè mà diện tích mất khoảng lớn, năng suất thấp, tán yếu ta nên tiến hành cải tạo trồng mới theo kỹ thuật trồng cải tạo những nương chè cũ.


Kỹ Thuật Nhân Giống Chè Kỹ Thuật Nhân Giống Chè Quy Trình Kỹ Thuật Hái Chè Quy Trình Kỹ Thuật Hái Chè