Trồng lúa Chăm sóc lúa xuân đầu vụ

Chăm sóc lúa xuân đầu vụ

Tác giả Trần Thị Liên, ngày đăng 15/03/2019

Nên duy trì mức nước trong ruộng từ 1 - 2cm sau khi xử lý thuốc cỏ 3 - 5 ngày(đối với lúa gieo thẳng). Với lúa cấy mạ nên giữ nước liên tục trong ruộng 2 -3cm trong vòng 3 ngày đầu sau khi phun thuốc.

Nông dân gieo cấy lúa xuân

Lúa xuân ở các tỉnh ĐBSH được gieo cấy trước và sau Tết Nguyên đán. Thời tiết nóng lạnh bất thường xảy ra trong những ngày gần đây và còn tiếp diễn khiến cho lúa non sau gieo cấy rất khó thích ứng kịp để phát triển thuận lợi.

Vì vậy nông dân cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật tác động tích cực sau:

+ Bón lót đủ dinh dưỡng: Đây là cách làm rất hữu ích để đảm bảo cho lúa non được khỏe mạnh cũng như năng suất tiềm năng sau này. Thực tế cho thấy còn nhiều nông dân vẫn e dè trong việc bón lót phân cho lúa xuân (cấy chay hoặc bón rất ít) vì sợ lúa chết do sót đạm. Đây là một việc làm hạn chế lúa sinh trưởng phát triển giai đoạn đầu cũng như khả năng chống chịu bất lợi ngoại cảnh kém…

Qua nhiều mô hình trình diễn về bón phân cân đối cho lúa có hiệu quả cao cho thấy, cần phải bón đủ phân lót bằng cách sử dụng phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh và các loại phân bón NPK chuyên dùng như L1 Đầu Trâu, DAP + KCL, phân bón NPK Con Cò, Lâm Thao…

Đây là các loại phân bón hiệu quả và tương đối an toàn cho lúa, kể cả lúa gieo thẳng khi gặp rét. Tùy từng chân đất, giống lúa, loại phân mà nông dân có thể bón theo liều lượng khác nhau (theo hướng dẫn của nhà sản xuất). Song, khi quy đổi ra phân đơn thì phải đảm bảo khoảng 15 - 20 kg supe lân + 2,5 - 3kg urê + 2 - 3 kg KCL+ 30 kg hữu cơ vi sinh/sào Bắc bộ.

* Chú ý: Lượng phân lót cần phải vùi vào đất cách mặt ruộng khoảng 3 - 4cm. Nếu có điều kiện cần bổ sung phân vi lượng bón lót sẽ tốt cho lúa hơn.

- Sử dụng thuốc trừ cỏ: Lúa sau gieo cấy cần được xử lý cỏ bằng thuốc an toàn. Tốt nhất nên sử dụng các loại thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm an toàn như Sofit, Prefit, New Heco, Butan… phun vào khoảng sau gieo cấy 1 - 4 ngày.

* Lưu ý: Chỉ phun thuốc trừ cỏ cho lúa sau gieo cấy khi nhiết độ thời tiết cho phép (> 17 độ C), Sử dụng đúng liều lượng và nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Không nên trộn chung với thuốc BVTV phun hoặc rắc cùng. Chỉ có thể trộn thuốc với cát hoặc đất bột để rắc.

Nên duy trì mức nước trong ruộng từ 1 - 2cm sau khi xử lý thuốc cỏ 3 - 5 ngày(đối với lúa gieo thẳng). Với lúa cấy mạ nên giữ nước liên tục trong ruộng 2 -3cm trong vòng 3 ngày đầu sau khi phun thuốc.

- Chăm sóc lúa sau gieo cấy:

+ Đối với lúa cấy mạ: Duy trì mức nước 2 - 3 cm để đảm bảo phân bón phân giải tốt, lúa ấm chân khi gặp rét và hút dinh dưỡng thuận lợi. Nếu sau cấy gặp rét khiến cho lúa non bị ảnh hưởng như chậm lên, táp lá, rễ thâm đen thì phải khắc phục bằng cách phối hợp phân hữu cơ qua lá hoặc phân siêu lân + kali trắng phun cho lúa 1 - 2 lần cách nhau 3 - 4 ngày để lúa nhanh hồi phục. Kết hợp với thay nước, sục bùn để lúa nhanh ra rễ mới.

+ Đối với lúa gieo thẳng: Giữ ruộng sau gieo ở thể liền bùn (bùn mềm). Khi mạ ngồi mống đưa nước láng mặt ruộng . Mạ có 1,5 - 2 lá giữ mức nước trọng ruộng 1 - 1,5cm bón khoảng 1,5 - 2kg urê/sào để giúp mạ ra lá nhanh hơn. Nếu thời tiết âm u, nồm ẩm nên phun phân bón lá siêu vi lượng + kali trắng sẽ giúp lúa non không bị “bạch tạng” và cứng cáp hơn.

+ Chăm sóc lúa đẻ nhánh: Lúa gieo thẳng có 4 lá thật và lúa cấy mạ bén rễ hồi xanh là bước vào đẻ nhánh. Để giúp lúa đẻ nhánh hữu hiệu được thuận lợi nông dân cần cung cấp cho lúa dinh dưỡng cần thiết.

Cụ thể là, trước khi bón phân thúc đẻ cho lúa khoảng 4 - 5 ngày nên tháo kiệt nước trong ruộng để mùn giun đùn lên rồi đưa nước trở lại và bón phân cho lúa. Làm được vậy rễ lúa sẽ phát triển rộng dài, hút được nhiều dinh dưỡng và đẻ nhanh tập trung.

Lượng phân thúc cho lúa giai đoạn này nhất thiết phải có đạm và kali đi kèm với lượng khoảng 3 - 3,5 kg urê + 2,5 - 3 kg KCL/sào hoặc sử dụng các loại phân NPK chuyên dùng bón thúc. Nông dân không nên bón đạm đơn cho lúa lúc này sẽ làm cho thân lá lúa mềm yếu, cây mất sức chống đỡ, bệnh đạo ôn lá dễ dàng xâm nhiễm.

* Chú ý: Thời kỳ này nếu lúa chìm trong thời tiết âm u, nồm ẩm sẽ rất dễ bị nấm đạo ôn phát sinh gây hại (nhất là các giống lúa mẫn cảm như nếp các loại, Q5, BC15…). Bón phân cân đối giữa đạm và kali sao cho lúa không có biểu hiện của hiện tượng thừa đạm. Phun thuốc phòng bệnh cho những ruộng lúa dễ nhiễm bệnh. Dừng việc bón đạm và kali khi lúa đã chớm bị bệnh và phun trừ bằng thuốc đặc trị…


Có thể bạn quan tâm

ray-nau-tac-hai-va-bien-phap-phong-tri Rầy nâu - Tác hại… cay-lua-thieu-kali Cây lúa thiếu Kali