Tin thủy sản Chuyện ông Lộc nuôi cua đồng

Chuyện ông Lộc nuôi cua đồng

Tác giả Minh Phúc, ngày đăng 18/04/2018

Ông Hoàng Thế Lộc đã sáng tạo ra một mô hình nuôi cua sinh sản “độc nhất vô nhị”, đem lại giá trị kinh tế cao.

Tuổi thơ với đầy ắp kỷ niệm về những buổi ngụp lặn dưới ao, đầm mò cua bắt ốc đã trở thành cơ sở thực tiễn vô cùng quý báu để ông Hoàng Thế Lộc (57 tuổi, ở thôn Đống Long, xã Hoà Lâm, huyện Ứng Hoà, Hà Nội) suy ngẫm và sáng tạo ra một mô hình nuôi cua sinh sản “độc nhất vô nhị”, đem lại giá trị kinh tế cao.

Thành công nhờ vận dụng vốn sống

Bắt đầu triển khai nuôi cua đồng từ năm 2006, nhưng thời điểm ban đầu, sự mặn mà của ông Lộc dành cho con cua còn ít ỏi. Bằng chứng là mỗi vụ mùa, ông chỉ thả vài chục kg cua giống trên ruộng lúa rộng 3.800 m2. Sau hơn 3 tháng, mỗi ngày gia đình thu được 4 -5 kg cua thịt mang ra chợ bán, lời lãi chẳng đáng tay gang so với những nhọc nhằn khuya sớm. “Tiền không, kinh nghiệm nuôi cua cũng không có nên tôi không dám mở rộng quy mô”, ông Lộc chia sẻ.

Bước ngoặt đến từ năm 2009, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 100% về giống để ông Lộc và ông Hoàng Văn Dự (người cùng thôn) nuôi thực nghiệm mô hình nuôi cua đồng thương phẩm. Ông Lộc thuê thợ ở Phú Xuyên về đắp bờ ruộng, đào 4 rãnh song song (mỗi rãnh rộng 5 m, sâu 80 cm) ở giữa ruộng, sau đó thả bèo tây và đưa cua giống vào nuôi.

Lão nông Hoàng Thế Lộc nhớ lại: “Từ thời chống Mỹ, khu vực hồ của làng một nửa là bèo tây nên nước rất trong. Chiều đến, chúng tôi thường tắm nửa hồ nước sạch, uống no nước mà chẳng bệnh tật gì. Còn nửa hồ có bèo thì ngày cuối tuần nào tôi cũng mang dụng cụ đánh cá đi bắt, toàn cua, chạch, lươn, ba ba, ếch... Vì thế, tôi rút ra kết luận, yếu tố hàng đầu là phải có bèo tây để lọc nước và làm nơi trú ngụ của cua”. Trên bờ ngăn rãnh nước, ông Lộc trồng thêm cây muồng để rễ của nó bó giữ đất.

Lựa cua giống bán cho nông dân

Sau khi đã tạo môi trường sống cho cua, vấn đề thức ăn lại khiến lão nông này phải nhiều đêm thức trắng suy nghĩ. “May mắn là thời điểm đó đúng dịp hồ cá của gia đình cho thu sản nên rất nhiều tép mương. Tôi bảo các con chở hơn 2 tạ về nhà rồi cho vào 6 nồi bánh chưng ninh nhừ. Sau đó nghiền 3,5 tạ lúa trộn lẫn, viên thành hạt tròn như đầu đũa phơi 2 nắng, bảo quản và cho ăn dần. Nhưng vụ cua năm ấy vẫn không hiệu quả.

Sau đó tôi tư duy lại. Ngày xưa cứ chiều tối đi đánh rọ bằng mồi ốc nhồi là sáng hôm sau mình xách về cả yến cua. Bây giờ ốc nhồi không có nên thử lấy ruột ốc bươu vàng thả xuống ruộng xem sao? 8 giờ tối, vợ chồng tôi ra đồng kiểm tra thì bất ngờ vì có đến 6 con cua nó bấu xung quanh ruột ốc để ăn. Ngay sau đó tôi quyết định chuyển sang dùng ốc biêu vàng làm thức ăn chủ lực cho cua, bởi giá thành của nó cực kỳ rẻ nhưng lại giàu dưỡng chất. Cua lớn rất nhanh”, ông Lộc kể.

Cua + chạch = hiệu quả kép

Với mong muốn nâng cao hơn nữa giá trị của đồng ruộng, ông Lộc không ngừng nghiên cứu, thực nghiệm để tìm ra một loài thuỷ sản nước ngọt có thể kết hợp với cua đồng, tạo nên “cặp bài trùng” trong chăn nuôi.

“Đầu tiên, tôi thả 0,5 kg cua và 2 con cá trê vào cùng một bể nước. Một ngày sau tôi ra kiểm tra thì thấy 2 con cá trê chỉ còn bộ xương và phần đầu. Những loài cá khác, kết quả vẫn không thay đổi - ông Lộc tâm sự. Tôi chợt nhớ, ngày trước khi thò tay vào hang móc cua thì rất hay bắt được thêm chạch. Bởi thế, tôi buông 1 kg cua với 0,5 kg chạch vào bể để kiểm chứng. 3 ngày sau, không có bất cứ cá thể cua, chạch nào chết. Sau này, tôi tìm hiểu thì được biết cơ thể con chạch tiết ra một thứ dịch nhờn mà cua rất thích. Hơn thế, cả cua đồng và chạch đều là loài vật ăn tạp (cá, ốc, hến, giun đỏ, ấu trùng…) nên hoàn toàn có thể sống dung hoà với nhau”.

Ông Lộc cho biết thêm, cả cua và chạch đồng là hai mặt hàng có giá trị kinh tế cao. SX bao nhiêu cũng thiếu bởi người tiêu dùng trong nước và thị trường nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…) rất chuộng. Tình trạng thương lái ép giá tuyệt đối không có. “Lần trước, một doanh nghiệp bên Hàn Quốc gọi điện trực tiếp cho tôi đặt vấn đề nhập mỗi tháng 2 container chạch. Nhưng tôi bảo năng lực hiện tại không thể đáp ứng được”.

SX thành công cua giống

Sau thắng lợi giòn giã của vụ cua năm 2009, ông Lộc được nhiều người ở khắp các tỉnh miền Bắc biết đến và tìm về tận nơi học hỏi kinh nghiệm để đầu tư SX. Tuy nhiên, nguồn cua giống lại vô cùng khan hiếm vì không thể SX nhân tạo mà chỉ có thể bắt ngoài thiên nhiên.

“Thời điểm ấy, có ngày tôi nhận được khoảng 60 - 70 cuộc điện thoại để đặt mua giống. Chính vì thế, ngay từ lứa cua thứ 2 vào cuối năm 2009, khi xuất bán, tôi đã kỳ công lựa ra cua đực để bán và giữ lại toàn bộ cua cái nuôi sinh sản.

Khổ nỗi chưa có ai SX thành công cua giống. Nếu là cá thông thường thì mình có thể SX nhân tạo bằng cách chọn những con đực có nhiều sẹo và những con cái có nhiều trứng đưa vào một bể, tiêm kích thích não sau đó đưa vào bể ấp cho cá đẻ là được.

Nhưng con cua thì không thể làm thế được. Bởi vì tôi biết con cua phải ngủ đông mất 3 tháng. Đến khoảng rằm tháng 2 có sấm chớp mưa rào, ruộng đồng lúc đó khô khốc, mưa xuống là chạch, cua đua nhau phá hang, ngoi bùn ra đẻ. Tôi đã nghĩ ra cách bơm cạn toàn bộ khu ruộng lúa 3.800 m2 và huy động người mò, bắt toàn bộ cua đực, cá rô đồng… đi hết, vì nếu để con cá rô đồng lại là một tai hoạ. Bởi cua non là món ăn khoái khẩu của rô đồng.

Khi đã chắc chắn không có thiên địch của cua, chỉ chờ mưa xuống là nhất loạt cua mẹ nằm trong hang bò ra đẻ. Một tuần sau mưa, tôi ra đồng nhấc thử rễ bèo lên thì thấy hàng đám cua con to như hạt gạo nếp bấu xung quanh, ông Lộc nói.

“Không thể dùng ruột ốc biêu vàng làm thức ăn cho cua non, vì nó rất bé. Tôi phải dùng bài của những ông nuôi ba ba, lấy ngô nghiền 2 lần thật nhỏ và mịn rồi nấu nhuyễn, trộn với cám đậm đặc con cò của Pháp tỷ lệ 20%. Sau đó đổ ra thau nhôm để nguội, cầm rao rạch thành từng khối vuông thành sắc cạnh. Cứ tối đến, tôi ném xuống gần bèo. Sau 1 tuần, cua con rơi xuống đáy, ăn ngay được thức ăn chất lượng cao nên lớn nhanh trông thấy. Sau gần 2 tháng là xuất được cua giống”.

Năm 2012 ông Lộc xuất khoảng 1.758 kg cua giống cho nông dân khắp các tỉnh miền Bắc như Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hoà Bình, Ninh Bình… Nhờ sự tư vấn tận tình về kỹ thuật chăm sóc của ông Lộc, trong mấy năm qua chưa có hộ gia đình nào nuôi thua lỗ.

“Có bà giám đốc DN ở Quảng Ninh muốn chuyển cho tôi khoản tiền 40 triệu đồng để nhờ tôi ra tư vấn mô hình nuôi cua giống sinh sản. Nhưng tôi bảo luôn: “Không nói giấu gì cô, đây là một quá trình hết sức công phu nên 1 - 2 ngày không thể xong việc được. Tôi không sợ mất chất xám gì đâu. Nếu cần thì cứ đến đây tôi tư vấn miễn phí luôn. Nếu cô nuôi thành công thì bà con nông dân mình cũng được nhờ”, ông chia sẻ.

Ngoài diện tích đào rãnh nuôi cua xen chạch, phần đất ruộng còn lại ông Lộc nhập giống cây niễng từ Hải Hậu (Nam Định) về trồng. Hiện, giá bán 1 kg bắp niễng lên tới 40.000 đ/kg nên cho lợi nhuận siêu “khủng”. Ngoài diện tích nuôi cua đồng xen chạch, ông Lộc còn có diện tích mặt nước rộng hơn 6.000 m2 nuôi các trắm, chép giòn. Mỗi năm, tổng thu của gia đình lên tới vài trăm triệu đồng. 

“Một yêu cầu bất khả kháng khi nuôi cua thương phẩm là phải thả cua giống cùng một lứa. Đàn cua càng đồng đều về trọng lượng càng tốt. Bởi nó là loài giáp xác. Chúng tôi theo dõi cứ 1 tháng 10 ngày là cua lột vỏ một lần. Cho nên dứt khoát phải thả giống đồng loạt chứ không thể mua nay 5 kg, mai 3 kg để thả. Vì con to khoẻ chưa lột xác sẽ kẹp chết con cua nhỏ đang lột xác. Như vậy, thiên địch sẽ nằm ngay trong lòng nó.

Mật độ bèo tây trên mặt rãnh cũng không được quá dày. Nếu không cua sẽ bị đen, bán thua giá cua vàng tới 30.000 đ/kg. Đối với mô hình nuôi cua đẻ sinh sản, một điều tối quan trọng là không được dùng tường gạch hoặc kè đá để ngăn rãnh, mà phải đắp bờ đất. Bởi vì đó là nơi cua mẹ đào hang trú ngụ", ông Lộc lưu ý.


Có thể bạn quan tâm

tom-cang-xanh-va-dinh-huong-vung-chuyen-canh-o-bac-binh Tôm càng xanh và định… ky-thuat-gay-me-cho-ca Kỹ thuật gây mê cho…