Tin thủy sản Tôm càng xanh và định hướng vùng chuyên canh ở Bắc Bình

Tôm càng xanh và định hướng vùng chuyên canh ở Bắc Bình

Tác giả Kiều Hằng, ngày đăng 18/04/2018

Hiện nay tôm càng xanh thương phẩm có giá bán rất cao (từ 350 - 500 ngàn đồng/kg tùy loại), nhưng vẫn không cung cấp đủ nhu cầu thị trường tại địa phương…

Tôm càng xanh sau 3 tháng nuôi.

Địa lợi, nhân hòa

Nằm sát quốc lộ 1A, cơ ngơi 10 ha đất ở, sản xuất của hộ gia đình ông Lê Tấn Dư (thôn Suối Nhum - xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình) khiến không ít người ao ước. Trưa một ngày tháng 4, trời nắng gắt, đi vào vùng đất êm rộng lớn, nước nhỉ róc rách quanh năm, ao hồ dày đặc, và xung quanh là bạt ngàn cây dừa, chuối, xoài… tỏa bóng mát, trĩu quả, khiến ai nấy đều trầm trồ, không khác gì một khu du lịch sinh thái. Chủ hộ là một lão nông dày dạn kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm càng xanh, nguồn thu nhập chính của gia đình, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng trọt và nuôi thủy sản.

Tôm càng xanh thích hợp nồng độ muối từ 0 - 7%, trưởng thành, sinh trưởng tốt ở vùng cửa sông ven biển. Thả tôm càng xanh với mật độ từ 5 - 7 con/m2, có thể nuôi ghép với cá sặc rằn, cá mè trắng để tận dụng thức ăn, giúp lọc nước ngăn ngừa tôm bị đóng rong, thiếu ôxy. Nên thả nuôi vào tháng 4 đến tháng 12 hàng năm.

Nhận thấy vùng đất xã Sông Lũy và một số địa phương khác có điều kiện tự nhiên thuận lợi, thích hợp với nuôi tôm càng xanh, tháng 12/2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện chương trình sản xuất khảo nghiệm tôm càng xanh toàn đực, triển khai ở 3 huyện Đức Linh, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình với diện tích 6.000 m2, từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, với điều kiện có nguồn nước nhỉ quanh năm, khí hậu thích hợp và người nuôi có kinh nghiệm, nên hộ ông Dư ở thôn Suối Nhum, xã Sông Lũy đạt hiệu quả cao nhất, với 3.500 m2 ao, số lượng thả 35.000 con giống. Ông Lê Tấn Dư không ngần ngại chia sẻ bí quyết, vui vẻ cho biết: “Trước đây gia đình tôi từng nuôi cá diêu hồng, cá rô phi nhưng không hiệu quả nên tôi chuyển sang nuôi tôm càng xanh. Tuy nhiên, do không có nguồn giống tại chỗ nên gia đình đi bắt tôm ngoài tự nhiên về thả. Hiện tôm càng xanh có giá bán rất cao (từ 350 - 500 ngàn đồng/kg tùy loại), nhưng vẫn không cung cấp đủ nhu cầu thị trường tại địa phương.

Thật vậy, khác với các loại thủy sản khác, tôm càng xanh sống chủ yếu ở các vùng sông suối. 4 năm trở lại đây, ông Dư như con rái cá, suốt ngày ngụp lặn trên dòng sông Lũy để bẫy tôm về thả ao nuôi. Lâu dần, nguồn lợi thủy sản này bị cạn kiệt nên nguồn giống khan hiếm… Lần này, được sự hỗ trợ từ chương trình khuyến nông, đầu tư 100% giống và 30% thức ăn, được cán bộ tập huấn, hướng dẫn và theo dõi suốt quá trình nuôi nên gia đình rất yên tâm đầu tư.

Tôm càng xanh là đối tượng nuôi triển vọng kinh tế cao, nếu đạt sẽ triển khai nhân rộng ở vùng này. Về nguồn giống nuôi, được trung tâm sản xuất trong tỉnh để tăng khả năng thành công, thích hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Mô hình này sẽ là điểm tham quan cho bà con học tập, và trung tâm sẽ tiếp tục khảo nghiệm để cung cấp giống phục vụ nhu cầu của người dân” - ông Nguyễn Tám - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông chia sẻ.

Phát triển nhanh, giá bán cao

Thời điểm chúng tôi đến thăm mô hình, ông Dư dẫn chúng tôi ra tận ao nuôi. Sau 3 tháng nuôi, những con tôm càng xanh đã đạt tốc độ tăng trưởng tốt, trọng lượng bình quân 15 - 16 con/kg, dự kiến cuối tháng 7/ 2018 sẽ xuất bán với trọng lượng 3 - 4 con/ kg. Với giá bán hiện tại người nuôi sẽ thu lợi nhuận cao.

Anh Võ Ngọc Hải - cán bộ phụ trách mô hình (Trung tâm Khuyến nông) cho biết: Đánh giá về mô hình đến thời điểm này, cho thấy tôm phát triển được 90%, nhanh, đồng đều so tôm tự nhiên. Điều kiện đầu tư để nuôi tôm nước ngọt là chuẩn bị ao 300 - 500 m2, nguồn nước đầu vào, đầu ra sạch sẽ, gần đường giao thông để thuận lợi vận chuyển sản phẩm. Nguồn thức ăn cho tôm càng xanh rất phong phú, gồm cám công nghiệp, phụ phẩm gia súc như ruột gà (nấu chín, xay nhỏ). Đồng thời thả chà để tôm núp, giúp tôm phát triển tốt.

Về phía ngành nông nghiệp địa phương, anh Vưu Trường Trí - cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Bắc Bình cho biết: Vùng đất này trước đây là vùng đất cát, làm ruộng không hiệu quả. Mấy năm nay bà con đã chuyển đổi sản xuất sang trồng cây màu, nuôi thủy sản… Thông qua mô hình, nếu đạt hiệu quả cao, hy vọng thời gian tới địa phương sẽ  hình thành vùng chuyên canh tôm càng xanh, có đăng ký thương hiệu “tôm càng xanh” của huyện. Đây là định hướng và mong muốn sắp tới của lãnh đạo địa phương, với hy vọng sẽ nâng cao đời sống người dân, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp đúng hướng


Có thể bạn quan tâm

vi-sinh-voi-nuoi-trong-thuy-san Vi sinh với nuôi trồng… chuyen-ong-loc-nuoi-cua-dong Chuyện ông Lộc nuôi cua…