Trồng lúa Lúa Dibar 10373 chịu mặn

Lúa Dibar 10373 chịu mặn

Tác giả Lê Khánh, ngày đăng 03/06/2019

Ruộng khảo nghiệm có chất đất xấu, điều kiện khí hậu không thuận lợi nhưng lúa Dibar 10373 vẫn đem lại năng suất tương đối, kháng sâu bệnh, chất lượng gạo ngon, cơm mềm... đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân

Cánh đồng lúa Dibar 10373 phát triển tốt ở Quảng Ngãi

Vừa qua, Cty CP Tập đoàn Điện Bàn đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả khảo nghiệm giống lúa Dibar 10373 vụ ĐX 2018 – 2019 tại xã Đức Hiệp (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi). Đây là giống lúa mới được Viện Lúa ĐBSCL chuyển giao lại cho Cty để khảo nghiệm và phát triển trên cả nước.

Theo Viện Lúa ĐBSCL, Dibar 10373 là giống lúa thuần có nguồn gốc từ tổ hợp lai giống lúa đặc sản của Thái Lan được lai tạo đặc biệt cho vùng sinh thái của Việt Nam thích nghi với biến đổi khí hậu, có khả năng chịu mặn lên đến 0,3 phần nghìn, cho năng suất cao, cơm mềm. Giống được công nhận cho sản xuất thử vào năm 2017 ở vùng ĐBSCL, hiện đang tiến hành khảo nghiệm để công nhận chính thức cho khu vực này.

Kết quả khảo nghiệm đánh giá tại cánh đồng xã Đức Hiệp cho thấy, Dibar 10373 có thời gian sinh trưởng trong vụ ĐX khoảng 102 – 105 ngày. Vụ sản xuất vừa qua, điều kiện thời tiết thất thường, tạo điều kiện cho sâu bệnh hại lúa phát triển, cùng với đó chất đất tại vùng khảo nghiệm bị nhiễm phèn nhưng giống Dibar 10373 vẫn phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh. Đặc biệt, khác với các giống lúa khác đang được sản xuất tại địa phương thì ruộng lúa Dibar 10373 có màu vàng chanh đặc trưng.

Dù gặp khá nhiều bất lợi trong quá trình khảo nghiệm, sản xuất nhưng theo tính toán thì năng suất của lúa Dibar 10373 đạt khoảng 61 tạ/ha. So với có giống lúa canh tác quanh đó thì năng suất này đạt ở mức trung bình.

Theo ông Nguyễn Hữu Thạnh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Điện Bàn, đây là giống lúa được phía Cty lựa chọn thích hợp với miền Trung – Tây Nguyên từ đối tác là Viện Lúa ĐBSCL – một trong những viện lúa hàng đầu Châu Á.

“Ngoài miền Trung thì chúng tôi cũng đã trồng thử nghiệm ở nhiều tỉnh phía Bắc và tất cả đều cho kết quả rất tốt. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục trồng khảo nghiệm thêm nhiều vụ nữa tại nhiều địa phương để xem độ thích hợp của giống. Vì từng giống lúa sẽ phù hợp với những vùng đất khác nhau. Mục đích của chúng tôi là đưa giống tốt, phù hợp nhất đến với bà con nông dân”, ông Thạnh nói.

TS. Trần Ngọc Thạch, Viện Lúa ĐBSCL cho biết: “Tại vùng ĐBSCL giống này thích hợp với cả 3 vùng sinh thái (vùng phù sa, vùng nhiễm phèn, vùng nhiễm mặn). Nếu thâm canh tốt thì lúa này có thể đạt được năng suất từ 8 – 9 tấn/ha. Tại miền Trung, đây là lần đầu tiên khảo nghiệm nhưng lại lựa chọn chân đất hơi cằn nên năng suất cũng không đạt cao. Ưu điểm của giống này là ngắn ngày, tiềm năng năng suất cao và chất lượng gạo ngon”.

Ông Phạm Bá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Ngãi nhận xét, giống Dibar 10373 khảo nghiệm tại vùng đất cải tạo, đất xấu nhưng giống đạt được kết quả như vậy là tương đối. Đề nghị phía tiếp tục thực hiện khảo nghiệm và chọn địa điểm trình diễn phù hợp đồng thời đưa ra một quy trình sản xuất tạm thời với giống lúa này nhằm đánh giá cụ thể hơn.


Có thể bạn quan tâm

ky-thuat-bon-lua-gieo-sa Kỹ thuật bón lúa gieo… gieo-sa-bon-phan-hop-ly-cho-lua-thu-dong Gieo sạ, bón phân hợp…