Mất mùa nặng vì nạn chuột hoành hành
Từ cuối tháng 9 đến nay, hơn 1.472 ha lúa của bà con nông dân ở nhiều huyện của Hải Phòng bị chuột đồng tàn phá nghiêm trọng, trong đó nhiều diện tích coi như mất trắng.
Người dân quây cả nilon để bảo vệ lúa mùa nhưng vẫn bị chuột đồng tàn phá
Cá biệt xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy có hơn 100 ha lúa sắp đến kỳ thu hoạch nhưng xơ xác, thân cây lúa đổ rạp do bị chuột cắn ngang thân.
Nguy cơ mất trắng vụ mùa
Mấy ngày qua, mưa lớn kết hợp với việc chuột đồng tàn phá khiến hơn 100 ha lúa của xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy có thể bị mất trắng. Anh Nguyễn Văn Thành, một nông dân của xã có hơn 8 sào ruộng xót xa: “Vụ trước, chuột đồng cũng phá lúa ở xã nhưng còn vớt vát được mỗi sào 1 tạ thóc, năm nay thì coi như mất trắng. Từ ngày có đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chuột đồng nhiều vô kể. Chúng tôi đã dùng hết số thuốc được xã cấp và dùng cả nilon để vây nhưng chuột vẫn cắn xé rách, chui vào phá lúa, nhiều hộ đổ cả dầu luyn quanh bờ mà vẫn không ngăn được chuột”.
Cùng chung tâm trạng như anh Thành, bà Nguyễn Thị Hòe, một nông dân ở xã có 5 sào ruộng buồn rầu: “Chưa năm nào lúa của bà còn bị lũ chuột phá nhiều vậy, 5 sào lúa của tôi may mắn lắm cũng chỉ thu về được 1 tạ thóc. Người dân đã dùng mọi cách để ngăn lũ chuột đồng nhưng chúng vẫn tàn phá lúa khủng khiếp”.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng, vụ mùa 2017, xã Hữu Bằng có 334,7 ha lúa mùa nhưng có gần 100 ha lúa bị chuột gây hại, trong đó 25 ha gần như mất trắng. Để diệt chuột đồng, xã chỉ đạo HTX nông nghiệp, các thôn, dùng hết số thuốc được cấp và diệt chuột bằng các biện pháp thủ công, bẫy bán nguyệt, quây nilon quanh ruộng lúa nhưng vẫn không ngăn được chuột hại lúa.
Cũng theo ông Tân, xã có 6 thôn thì cả 6 thôn đều có tổ diệt chuột nhưng năm nay, một số hộ không đồng ý đóng kinh phí nên chỉ còn 3/6 tổ diệt chuột hoạt động không ổn định. Vì mỗi tổ chỉ có 3-5 thành viên nên mỗi ngày chỉ diệt được khoảng 40 con chuột nên số lúa của xã bị chuột đồng tàn phá nhiều hơn các năm trước.
Ngoài huyện Kiến Thụy, tại các cánh đồng gần các khu ruộng bỏ hoang ở các huyện An Dương, An Lão, Tiên Lãng… cũng bị chuột phá hoại khiến nông dân đứng trước nguy cơ mất trắng. So với các năm trước thì vụ mùa năm nay, diện tích lúa bị chuột đồng phá hoại tăng hơn rất nhiều. Cụ thể, huyện Thủy Nguyên bị chuột gây hại 500ha, huyện Vĩnh Bảo 200 ha và huyện Tiên Lãng có số diện tích hơn 100 ha.
Không riêng gì xã Hữu Bằng, nhiều cánh đồng lúa ở các xã vùng ven sông của huyện Kiến Thụy như Tân Trào, Đoàn Xá, Ngũ Phúc cũng bị chuột đồng cắn nát, mỗi xã dao động từ 20 đến 25 ha. Hiện nay, tổng diện tích lúa mùa của huyện Kiến Thụy bị chuột đồng tàn phá lên đến gần 300 ha, trong đó đa phần sẽ bị mất trắng.
Tìm cách diệt chuột
Để hạn chế thiệt hại lúa cho bà con, ngay từ đầu vụ mùa, ngành nông nghiệp Hải Phòng đã triển khai nhiều biện pháp tìm cách diệt chuột. Theo đó, TP hỗ trợ kinh phí cho các địa phương diệt chuột, phân bổ thuốc diệt chuột CAT 0,25 WP cho các địa phương. Cụ thể, năm 2017, 4.680 kg thuốc diệt chuột đã được cấp phát. Tuy nhiên, các huyện, xã đã dùng hết số thuốc này nhưng chuột vẫn hoành hành như... giặc.
Theo ông Bùi Đức Thảo, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thuỵ, huyện đã nắm bắt được tình trạng chuột phá hoại lúa. Từ đầu vụ mùa, huyện đã chỉ đạo quyết liệt việc áp dụng các biện pháp diệt chuột. Mặc dù vậy, đến thời điểm sắp thu hoạch lúa thì tình hình bị vượt khỏi tầm kiểm soát vì đàn chuột đồng quá đông. Trong khi đó, việc chi ngân sách cho diệt chuột đang... tắc. Mỗi năm, TP cấp 170kg thuốc diệt chuột, không đủ đáp ứng yêu cầu diệt chuột của huyện.
Theo lãnh đạo một số xã, huyện ở Hải Phòng, để chủ động tiêu diệt chuột đồng, nhiều địa phương mong muốn TP tăng số lượng thuốc diệt chuột cấp cho địa phương hàng năm. Từ đó huyện, xã chủ động phân bổ hợp lý về các thôn để bà con quyết liệt diệt chuột.
Bên cạnh đó, một lượng lớn diện tích đồng ruộng ở các huyện bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm khiến chuột sinh trưởng rất nhanh. Nhiều huyện, xã còn cho người dân làm các trang trại chăn nuôi xen kẽ các cánh đồng lúa khiến môi trường bị ô nhiễm, hôi thối. Đặc biệt, từ khi đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi vào hoạt động, hệ thống cống, rãnh thoát nước không hợp lý nên chuột đồng có nhiều chỗ cư ngụ, sinh trưởng rất nhanh, từ đó chúng tràn xuống các cánh đồng tàn phá lúa mùa.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ