Tin thủy sản Nuôi trồng thủy sản ở Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) thua lỗ do dịch bệnh

Nuôi trồng thủy sản ở Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) thua lỗ do dịch bệnh

Tác giả Hoàng Triều, ngày đăng 02/08/2016

Thua lỗ

Nói đến tình hình NTTS năm 2016, người dân các vùng đầm phá Quảng Điền đã dùng từ “tan nát” vì dịch bệnh triền miên, số hộ thua lỗ trên 90%, còn lại may ra chỉ hòa vốn. Ông Nguyễn Vũ Hoàng ở thị trấn Sịa than thở: “Hơn 10 năm NTTS, chưa năm nào tôi bị lỗ nặng như năm nay. Sinh sống ở vùng đầm phá từ bao đời nay chủ yếu dựa vào nghề NTTS. Tuy chưa thể làm giàu, nhưng nghề nuôi tôm, cá giúp bà con ổn định cuộc sống, nuôi con ăn học và xây mới, sửa chữa nhà cửa…”.

Hạ tầng NTTS ở Quảng Công chưa đảm bảo

Hộ ông Nguyễn Lành ở thị trấn Sịa có 9 hồ nuôi xen ghép tôm, cua, cá, nhiều nhất huyện Quảng Điền. Vụ nuôi năm nay, ông Lành thả nuôi đúng khung lịch thời vụ theo khuyến cáo, quy định của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương. Ông Lành cho biết, gần một tháng sau khi thả giống, người dân đưa nguồn nước từ ngoài phá vào hồ theo quy định, nhưng chỉ một vài ngày sau, các loại tôm, cá đều lờ đờ, rồi chết hàng loạt. Nghĩ rằng, đó chỉ là dịch bệnh thông thường nên sau khi xử lý ao hồ, nhiều người dân tiếp tục mua giống về nuôi tiếp nhưng thủy sản lại chết. Hộ ông Lành nuôi nhiều nhất nên thiệt hại lớn nhất trên 100 triệu đồng. Các hộ nuôi một vài hồ 4.000 - 5.000m2 lỗ 30 triệu đồng trở lên. Ông Phan Lợi ở thị trấn Sịa băn khoăn: “Người dân vẫn chưa rõ nguyên nhân cụ thể dẫn đến thủy sản dịch bệnh, chết hàng loạt. Trước đây, nuôi xen ghép, khi cá bị dịch, chết thì còn tôm, hoặc tôm chết thì còn cá, cua cứu vớt, nhưng năm nay các đối tượng đều chết hàng loạt. Qua theo dõi, thủy sản bị chết chỉ khi đưa nguồn nước từ ngoài phá vào thay”. Ông Lợi còn cho biết thêm, những năm trước, người dân bủa lưới trên đầm phá, mỗi đêm thu được 5-7 kg tôm đất (tôm rảo), nhưng năm nay rất ít, nhiều đêm bủa chỉ được một vài con. Người dân “phỏng đoán” rằng, thủy sản chết có thể do môi trường nước ở đầm phá bị ô nhiễm.

Nguyên nhân

Ông Hà Văn Duy, cán bộ phụ trách thủy sản thuộc phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Điền đánh giá, mấy năm gần đây, mặc dù huyện Quảng Điền ngày càng đa dạng hóa các đối tượng NTTS, nuôi xen ghép, nhưng con tôm vẫn là chủ đạo. Tình hình NTTS năm nay được xác định là khó khăn nhất từ trước đến nay do dịch bệnh. Toàn huyện có khoảng 606 ha NTTS nước lợ, có đến 90% diện tích bị thiệt hại, thua lỗ.

Ông Duy cho rằng, mấy năm gần đây không có lũ tẩy rửa môi trường nên dư lượng các chất độc hại trong ao nuôi, đầm phá vẫn còn tồn đọng. Nghề nuôi tôm từ năm 1993 đến nay hơn 20 năm, các chất thải lắng đọng, nguồn thức ăn dư thừa làm môi trường tầng đáy ao ô nhiễm. Huyện đã có chính sách hỗ trợ, vận động, hướng dẫn người dân xử lý môi trường đáy ao nhưng vẫn chưa triệt để. Năm nay, nắng nóng kéo dài, diễn biến phức tạp, kết hợp mưa dông thất thường, đột ngột khiến thủy sản khó thích nghi kịp thời, dễ xảy ra dịch bệnh.

Chất lượng con giống kém cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tôm dịch bệnh. Lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu nuôi, còn lại phải mua các tỉnh khác. Các trại sản xuất giống chạy theo lợi nhuận, không tuân thủ các điều kiện, yếu tố đảm bảo chất lượng. Một cặp giống bố mẹ chỉ cho phép sinh sản mỗi năm một vài lần, nhưng các trại giống cho đẻ tối đa nên tạo ra nguồn giống kém chất lượng, sức đề kháng yếu. Tâm lý người dân ham rẻ, ngại tốn chi phí nên không kiểm tra chất lượng giống tại chỗ bằng máy PCR (chi phí mỗi lần kiểm tra khoảng 500 ngàn đồng/10 vạn con). Khi giống vận chuyển về địa phương được kiểm ra bằng máy PCR tại Chi cục Thú y tỉnh được miễn phí; nhưng tâm lý người dân lo ngại giống vận chuyển đường xa, tôm yếu, để thêm thời gian sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí bị chết nên không đưa đến kiểm tra bằng máy PCR.

“Các cơ quan chức năng cần phối hợp, vào cuộc nghiên cứu, phân tích nguyên nhân, trên cơ sở đó tìm ra các giải pháp NTTS an toàn, bền vững cho huyện Quảng Điền. Hệ thống hạ tầng NTTS cần được đầu tư xây dựng một cách khoa học, bài bản, hạn chế ô nhiễm môi trường; kênh mương, thủy lợi, cống rãnh cần được khơi thông. Người dân cần được nâng cao năng lực, kỹ thuật sản xuất, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo NTTS một cách hiệu quả…”. Đó là kiến nghị của ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Điền.


Có thể bạn quan tâm

an-giang-tang-cuong-cong-tac-thu-y-thuy-san An Giang tăng cường công… ca-ngu-dai-duong-kho-boi-sang-nhat Cá ngừ đại dương khó…